Ngày 15 tháng 4 năm nay đánh dấu 10 năm tội ác của TQ. Vào ngày này năm 2012, các xe tải hạng nặng của Trung Quốc được chế tạo có mục đích chở tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên lần đầu tiên bị phát hiện, khi Trung Quốc tăng cường khả năng phá hủy các thành phố của Hoa Kỳ.
Gần một thập niên sau, vào ngày 24/3/2022, Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, cỡ lớn từ một xe tải thế hệ thứ ba do Trung Quốc sản xuất, có thể sớm được trang bị nhiều đầu đạn hạt nhân, một vụ khủng bố hạt nhân chưa từng có do Trung Quốc tạo điều kiện. Các mục tiêu của họ bao gồm ngăn chặn Hoa Kỳ bảo vệ các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc và tạo ra một cuộc khủng hoảng hạt nhân để đánh lạc hướng Hoa Kỳ khi Trung Quốc xâm lược Đài Loan.
Chỉ một tháng sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il qua đời, con trai và là người kế nhiệm, ông Kim Jong-un đứng trên bục dành riêng cho khách VIP ở Bình Nhưỡng theo dõi cuộc duyệt binh lớn kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông nội, Kim Nhật Thành, nhà độc tài đầu tiên của Triều Tiên.
Khi sáu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lớn nhất của Triều Tiên, sau này được xác định là tên lửa Hwasong-13, ra mắt công chúng, ông Kim Jong-un đắc thắng liếc nhìn các tướng lĩnh Triều Tiên ở bên phải của mình.
Trước sự thích thú của nhà độc tài trẻ tuổi, tên lửa Hwasong-13, ngay sau đó được xác định là một mô hình quy mô hoàn chỉnh, được vận chuyển bằng một phương tiện vận tải độc đáo, đây là loại xe mang phóng tự hành (TEL) siêu nặng 16 bánh mới, chưa được tiết lộ trước đây, một trong những xe tải chở tên lửa lớn nhất trên thế giới.
Có lẽ cố ý, cư dân mạng Trung Quốc lần đầu tiên phát hiện ra chiếc xe này. Chỉ 5 ngày trước đó, một tập tài liệu quảng cáo của Công ty TNHH Xe đặc chủng Vạn Sơn hàng không Tam Giang Hồ Bắc, một công ty con của Tổng công ty Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC), đã được đăng trên trang web “FYJS”.
ĐCSTQ đã đóng trang web vào năm 2021 để tránh cung cấp thông tin tình báo thậm chí là tối thiểu cho các nước phương Tây, hiện đang là mục tiêu của ĐCSTQ.
Nhờ tài liệu quảng cáo được đăng trực tuyến, cư dân mạng Trung Quốc đã có thể xác định chính xác loại xe mang phóng tự hành của Bắc Triều Tiên là mẫu WS2600 do Công ty TNHH Xe đặc chủng Vạn Sơn sản xuất và phiên bản này của xe mang phóng tự hành WS51200 dựa trên công nghệ được mua từ Nhà máy ô tô Minsk (MAZ) ở Belarus.
Điều quan trọng nhất của tiết lộ này là, kể từ năm 1994, ĐCSTQ, vốn bề ngoài dẫn đầu “đàm phán 6 bên” nhằm chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, nhưng sau lưng lại tiếp tay cho Triều Tiên.
Trung Quốc đã vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc năm 2006-2009, cấm chuyển giao công nghệ tên lửa đạn đạo cho Bình Nhưỡng, giúp một trong những chế độ độc tài tàn bạo và khủng bố nhất trong thế kỷ trước khai triển tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Để thiết kế xe mang phóng tự hành cho Triều Tiên, Công ty TNHH Xe đặc chủng Vạn Sơn cần hiểu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới của Triều Tiên. Điều này đặt ra câu hỏi chính đáng về việc liệu Tổng công ty Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc hoặc các nhà sản xuất tên lửa khác của Trung Quốc có giúp thiết kế và sản xuất Hwasong-13 và các tên lửa khác của Triều Tiên hay không.
Sau đó, các phương tiện truyền thông như Jane’s Defense Weekly đã bắt đầu đưa tin về xe mang phóng tự hành của Trung Quốc. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lúc đó là ông Lưu Vi Dân (Liu Weimin) ngày 19/4/2012 cho biết: “Trung Quốc luôn kiên quyết phản đối việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và các phương tiện vận chuyển chúng”.
Nhưng chính quyền của Tổng thống Barack Obama lúc bấy giờ đã bối rối. Được thúc đẩy bởi một bức thư từ Trung tâm Đánh giá Quốc tế và Chiến lược, ngày 17/4/2012, Hạ nghị sĩ Michael Turner, lúc đó là Chủ tịch Tiểu ban Lực lượng Chiến lược của Ủy ban Quân vụ Hạ viện, đã chất vấn Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta vào ngày 19/4, về khả năng Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật tên lửa cho Triều Tiên.
“Tôi chắc chắn rằng có một số trợ giúp từ Trung Quốc”, ông Panetta nói.
Nhưng ngày hôm sau, 20/4, tờ New York Times dẫn lời một “quan chức Toà Bạch Ốc” giấu tên (thuộc chính quyền Obama) đã che đậy cho ĐCSTQ một cách đáng kinh ngạc.
Quan chức này cho biết: “Chúng tôi cho rằng đây là một hoạt động kém hiệu quả của Trung Quốc trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt chứ không phải cố tình phổ biến vũ khí hạt nhân. Ông yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm ngoại giao của vấn đề. Hệ thống (chính phủ) của ĐCSTQ quá lớn, được tổ chức kém và không giỏi trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt”.
Có lẽ quan chức này từ chối thừa nhận rằng Bắc Kinh cố tình phổ biến vũ khí hạt nhân vì chỉ hai tuần trước, vào ngày 26/3, nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Hồ Cẩm Đào đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ hai của ông Obama tại Seoul.
Sau đó vào giữa tháng 6 năm 2012, tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản tiết lộ trong một loạt báo cáo rằng các quan chức Nhật Bản đã lên một con tàu của Trung Quốc có tên “Harmony” vào tháng 8 năm 2011, con tàu đã vận chuyển 4 chiếc xe mang phóng tự hành do Trung Quốc sản xuất đến cảng Nampo của Triều Tiên, và họ cũng thu giữ hồ sơ vận chuyển chứng minh rằng Trung Quốc đã xuất khẩu xe mang phóng tự hành.
Tờ Asahi Shimbun sau đó đưa tin: “Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc có bằng chứng chắc chắn rằng ĐCSTQ đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm xuất khẩu vũ khí sang Triều Tiên… Nhưng ba nước quyết định không theo đuổi vấn đề này tại Hội đồng Bảo an… Mối quan tâm chính của ba nước là ngăn cản Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba và giảm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nơi họ cần sự giúp đỡ của Bắc Kinh về vấn đề này”.
Suy nghĩ ngây thơ như vậy có thể phải trả giá bằng hàng triệu sinh mạng.
Kể từ ngày 15/4/2012, Trung Quốc đã giúp Triều Tiên có được hai mẫu xe mang phóng tự hành khác do Trung Quốc sản xuất. Vào tháng 11/2017, tên lửa Hwasong-15 mới được vận chuyển bởi xe mang phóng tự hành 18 bánh của Trung Quốc. Vụ thử tên lửa tương tự mới nhất được thực hiện vào ngày 24/3 bởi một chiếc xe mang phóng tự hành 21 bánh của Trung Quốc sản xuất.
Tổng công ty Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc có khả năng sẽ lặp lại vai trò hàng đầu của mình trong việc trang bị cho Pakistan trở thành một quốc gia tên lửa hạt nhân, bao gồm tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn, tên lửa hành trình tầm xa và tên lửa. Tổng công ty Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc và các công ty tên lửa khác của Trung Quốc đã giúp Triều Tiên có được tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn, tên lửa hành trình và tên lửa tầm xa.
Vào tháng 9 năm ngoái, Triều Tiên đã bắn thử một đầu đạn siêu thanh mới trông giống tên lửa đạn đạo Dongfeng-17 (DF-17) của Trung Quốc mang theo một phương tiện bay siêu âm.
Vào tháng 1, Triều Tiên đã thử nghiệm một đầu đạn tên lửa dẫn đường chính xác trông giống tên lửa đạn đạo tầm trung Dongfeng-21C (DF-21C) của Tổng công ty Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc.
Đầu đạn này là cơ sở của đầu đạn tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) DF-21D và DF-26B.
Triều Tiên có thể sớm tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa chống hạm hạt nhân chính xác nhằm vào các hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân Hoa Kỳ nếu Trung Quốc cung cấp hệ thống định vị vệ tinh thích hợp.
Trong thập niên qua, Trung Quốc đã bị nghi ngờ cung cấp viện trợ cho việc phát triển tên lửa và bom hạt nhân của Triều Tiên, nhưng Hoa Kỳ đã không áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Trung Quốc. Trên thực tế, bắt đầu từ năm 2012, Hoa Kỳ nên cô lập Trung Quốc về mặt kinh tế và chính trị vì Trung Quốc đã giúp tạo ra một quốc gia khủng bố tên lửa hạt nhân khác.
Đối với ĐCSTQ, việc Hoa Kỳ trừng phạt ĐCSTQ không thoả đáng là một dấu hiệu yếu kém khác, làm suy yếu sự răn đe của Hoa Kỳ đối với hành vi xâm lược của Trung Quốc và Triều Tiên.
Điều này cũng xác nhận rằng ĐCSTQ đang tiến hành lừa dối chiến lược. Theo thời gian, và thông qua những ví dụ này, ĐCSTQ đã nhận ra giá trị vô giá của một nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nhút nhát và cả tin khi nó thúc đẩy các mục tiêu của mình ở châu Á và toàn cầu.