Quan chức Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực an ninh hàng hải thông qua việc chuyển giao các trang thiết bị, bao gồm tàu tuần duyên thứ 3.
Trong cuộc trao đổi với báo chí nhân chuyến thăm Việt Nam hôm 28/4, Tiến sĩ Robert Pope, Giám đốc Bộ phận Giảm thiểu Đe dọa Hợp tác (CTR) thuộc Cơ quan Giảm Đe dọa Quốc phòng (DTRA) Mỹ, cho biết ông vừa tham dự lễ chuyển giao cơ sở bảo dưỡng và huấn luyện cho Cảnh sát biển Việt Nam tại Hải Phòng. Ông Pope nói rằng cơ sở này sẽ giúp Việt Nam bảo dưỡng các tàu lớn hơn, đồng thời tăng cường khả năng hoạt động trên biển dài ngày.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về hợp tác an ninh hàng hải giữa Mỹ và Việt Nam, Đại tá Thomas M. Stevenson, Tùy viên quốc phòng Mỹ tại Việt Nam, cho biết Mỹ đã phối hợp và hỗ trợ cho cả 4 vùng của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam các trang thiết bị cũng như cơ sở vật chất để sửa chữa, bảo dưỡng các tàu và thiết bị huấn luyện như thiết bị mô phỏng buồng lái nhằm tăng cường kỹ năng sử dụng tàu.
“Mỹ và Việt Nam đang nỗ lực để duy trì và thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hòa bình và tự do. Điều này sẽ có lợi cho các ngư dân Việt Nam”, ông Stevenson cho biết.
Theo Đại tá Stevenson, Mỹ đã chuyển giao 24 xuồng cao tốc Metal Shark, 2 tàu tuần duyên cỡ lớn lớp Hamilton cho Việt Nam. Ngoài ra, Mỹ đang xem xét chuyển giao tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ 3 cho Việt Nam. Ông Stevenson đánh giá cao nỗ lực của Mỹ và Việt Nam trong việc chuyển giao tàu tuần duyên thứ hai vào năm ngoái khi đại dịch Covid-19 đang bùng phát.
“Nếu mọi việc thuận lợi và 2 bên thống nhất về việc chuyển giao, chúng tôi kỳ vọng sẽ chuyển giao tàu thứ 3 theo thời gian biểu tương tự 2 chiếc trước đó, tức là trong khoảng 1-2 năm”, ông Stevenson chia sẻ.
Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 20/4, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho biết Mỹ cam kết hợp tác nhằm tăng cường năng lực của Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh hàng hải và nâng cao nhận thức hàng hải.
“Một phần trong những nỗ lực này của chúng tôi là trong vài năm qua, Mỹ đã cung cấp 2 tàu tuần duyên cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Đây là minh chứng rõ ràng cho mối quan tâm của chúng tôi trong việc hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải”, Đại sứ Knapper nói.
Đại sứ Knapper khẳng định Mỹ đã “sẵn sàng để chuyển giao tàu tuần duyên thứ 3 cho Việt Nam”. Về vấn đề này, ông Knapper nói rằng phía Mỹ vẫn đang trong quá trình thảo luận với chính phủ Việt Nam.
Theo Đại tá Stevenson, Mỹ cũng hỗ trợ Việt Nam các máy bay không người lái nhằm giúp tăng cường, mở rộng khả năng trinh sát và tuần tra của các tàu Cảnh sát biển Việt Nam.
“Đây là nỗ lực toàn diện để giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền, nâng cao năng lực hàng hải, tạo ra dòng chảy thương mại tự do và an toàn cho ngư dân”, ông Stevenson nhấn mạnh.
Tiến sĩ Robert Pope cho biết Mỹ đã trao đổi ý tưởng với Cảnh sát biển Việt Nam về việc thiết lập một trung tâm điều phối dữ liệu hàng hải, cung cấp thêm hệ thống máy bay không người lái ScanEagle để giúp Việt Nam tăng cường khả năng theo dõi, giám sát cũng như có nhận thức tổng quan hơn về những gì đang diễn ra trong khu vực, từ đó có biện pháp ứng phó tốt hơn. Gần đây, Mỹ và Việt Nam cũng đã thành lập Trung tâm Ngoại giao biển.
Theo Đại tá Stevenson, ngoài an ninh biển, Mỹ muốn hợp tác với Việt Nam về phòng chống thiên tai, an ninh mạng và gìn giữ hòa bình. Ông cũng nhấn mạnh các lĩnh vực mà Mỹ và Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác như kinh tế thương mại, giao lưu nhân dân và chống biến đổi khí hậu.
Các quan chức Mỹ cho biết, Mỹ cam kết tiếp tục phối hợp với Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh, bao gồm các nỗ lực nhân đạo, rà phá bom mìn, tẩy độc dioxin…
T.P