Chiến sĩ lái xe Trường Sơn Dương Quang Lựa ở tuổi đôi mươi năm nào giờ đã gần thất thập cổ lai hy (ông SN 1953).
Ông Lựa đang sinh sống ở thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Chiếc xe tải và thời khắc lịch sử
Dương Quang Lựa chính là người đã lái chiếc xe vận tải đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập trong thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975.
Sau thời khắc lịch sử ấy, ông Lựa trở về đơn vị tiếp tục công tác. Vài tháng sau, những người xác minh thời khắc lịch sử đến thông báo và khẳng định chiếc xe tải CA10 do ông lái là xe vận tải đầu tiên cùng đoàn xe tăng chiếm Dinh Độc Lập.
“Chiếc xe cùng các vật dụng khác như khẩu súng AK, chiếc bạt có dính máu… được bàn giao cho Ban tổ chức triển lãm mừng chiến thắng tại Giảng Võ (Hà Nội). Tôi là 1 trong 20 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Tư lệnh chiến trường được vào thăm Lăng Bác Hồ khi độc lập”, ông Lựa nói.
Hiện nay, chiếc xe đang được trưng bày tại Bảo tàng Hậu cần quân đội. Năm nào cũng vậy, ít nhất một lần, ông đều cùng con cháu đến tham quan, để nhớ lại thời khắc lịch sử và tự hào vì đã hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc giao.
Theo tài liệu ít ỏi còn lưu lại, xe vận tải do ông Dương Quang Lựa lái, tên đầy đủ là Jeifeng CA-10 (hay còn gọi là xe Giải Phóng) do Nhà máy Ô tô số 1 (FAW) thành phố Trường Xuân (Trung Quốc) sản xuất. Nhà máy này do Liên Xô xây dựng cho Trung Quốc vào năm 1950 và đến năm 1956, chiếc xe tải đầu tiên xuất xưởng.
Năm 1972, sau khi Mỹ quay lại ném bom miền Bắc Việt Nam, Trung Quốc đã viện trợ ồ ạt cho miền Bắc Việt Nam 4.000 xe tải Jeifeng CA-10 và Jeep “Beijing”(Bắc Kinh).
Nhiệm vụ đặc biệt
Nhập ngũ tháng 4/1970 khi chưa đầy 17 tuổi, chàng lính trẻ Dương Quang Lựa sau đó trở thành lái xe tại Sư đoàn ô tô vận tải 571, có nhiệm vụ vận chuyển hậu cần trên khắp các chiến trường. Trung tuần tháng 3/1975, cả sư đoàn nhận nhiệm vụ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
Khi ấy, ông cùng đồng đội đang ở Lào đã nhanh chóng rút về tập kết tại Quảng Trị, từ vĩ tuyến 17 đến cao điểm 241.
Khoảng 17h30 ngày 29/4/1975, Dương Quang Lựa lúc ấy đang là Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 5 bất ngờ được lãnh đạo đơn vị đưa ra bìa rừng giao nhiệm vụ đặc biệt và được yêu cầu “giữ bí mật đến phút chót”.
Trước khi rời đơn vị, Đại đội trưởng còn đưa ông mảnh giấy và dặn “nhớ nhét trong túi áo”. Dù vội, ông vẫn kịp mở ra xem. Nội dung chỉ có: “Họ tên: Dương Quang Lựa; Quê quán: Mỹ An – Lục Ngạn – Hà Bắc; Nhập ngũ tháng 4/1970; Đơn vị: C5-D964-E512-F571-Đoàn 559”.
Đọc xong, ông sững người, lặng đi vài phút, thương người vợ trẻ cũng là lính Trường Sơn mới kết hôn một năm đang xa cách. Song, ông cũng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, bởi Tổ quốc cần, ông sẵn sàng.
Sau đó, ông lên xe vận tải CA10 do Trung Quốc sản xuất năm 1973, nổ máy, theo chiếc xe Zeep dẫn đường. Đi theo đường rừng chừng 5km, đến vị trí tập kết của đơn vị xe tăng, ông được đưa vào căn hầm hình vuông.
Tại đây, ông được nghe nhiệm vụ cụ thể từ người chỉ huy: “Chúng ta hình thành một mũi gồm 5 xe tăng và một xe vận tải chở các đồng chí đặc công. Mục tiêu là đánh thẳng vào Dinh Độc Lập.
Đồng thời, có nhiệm vụ đánh lướt qua để mở đường cho các đơn vị phía sau tiêu diệt địch. Với đồng chí lái xe của đơn vị bạn, hãy cố gắng để cùng chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”.
Nhận nhiệm vụ, ông trở về kiểm tra lại lốp xe, thùng xe… đảm bảo xe hoạt động trong trạng thái tốt nhất. Trong lúc ông cắm lá cờ giải phóng vào đầu xe và đeo băng nửa đỏ – nửa xanh (màu cờ của Quân Giải phóng) vào cánh tay trái, 40 chiến sĩ đặc công cũng đã ổn định vị trí phía sau thùng xe.
“Nhiệm vụ của tôi là đưa họ bám theo xe tăng. Xe không được bật đèn, sẽ có người dùng đèn pin làm hiệu lúc đi hoặc dừng”, ông Lựa kể.
Để thuận tiện di chuyển và quan sát, ông phải nâng hết kính chắn gió của xe lên, ngồi bên cạnh ông trong buồng lái là hai người chỉ huy. Đúng giờ, đội hình xuất phát. Ba xe tăng đi trước, đến xe vận tải của ông Lựa và phía sau là hai xe tăng khóa đuôi.
Thần tốc tiến đến mục tiêu, quân số chỉ còn 10 người
Mũi tiến quân ra khỏi bìa rừng chừng vài trăm mét thì bất ngờ bị địch tập kích, bên phải, bên trái là những đường đạn xối xả.
Ông dừng xe, anh em đặc công trên thùng đồng loạt nhảy xuống dàn đội hình chiến đấu. Bất ngờ, đạn bắn trúng một người chỉ huy ở xe. Ông vội xé cuộn băng cá nhân băng vết thương nhưng không kịp. Người chỉ huy đã hy sinh.
Hai bên chiến đấu khoảng 30 phút thì tiếng súng tạm thưa dần. Cả đoàn được lệnh tiếp tục hành quân, với nhiệm vụ nhanh chóng thọc sâu vào mục tiêu càng sớm càng tốt.
Trên đường đi, đội hình liên tục phải chiến đấu. Có lúc vừa đi vừa đánh địch, vừa nổ máy đã phải tắt để dàn trận.
Từ lúc nào với khẩu AK trong tay, người lính lái xe Dương Quang Lựa đã trở thành một lính bộ binh thực sự, tiêu diệt địch bảo vệ mình và yểm trợ các chiến sĩ đặc công.
Đến sáng 30/4, đội hình thọc sâu tới cầu Sài Gòn. Lúc này, đã có 10 chiến sĩ đặc công hy sinh. Ông cùng các chiến sĩ còn lại phải lợi dụng các ụ đất gần đó hoặc di chuyển quanh xe tăng để tránh đạn bởi địch phía trước nã đạn xối xả.
“Đang chiến đấu thì mũi tiến công gần như hết đạn, chúng tôi vừa bắn vừa cầm cự chờ xe bọc thép tiếp đạn đến. Bất ngờ, có tiếng nổ ở ngay trước đầu xe, một pháo thủ xe tăng đã bị thương. Băng bó cho anh xong, nhìn lại, tôi thấy một lốp trước của xe bị xẹp do mảnh đạn cối găm vào. Tôi nhanh chóng tháo bánh sau lắp vào bánh trước, cho xe chạy 5 bánh”, ông kể.
Đúng lúc này, xe bọc thép tiếp đạn cũng tới, cả mũi nhanh chóng nạp đạn, nổ súng áp đảo kẻ thù. Quân địch tháo chạy nhưng vẫn ngoan cố bỏ lại hai xe tăng đứng song song trên cầu làm vật cản, hòng chặn đường tiến quân của ta.
Không chần chừ, hai xe tăng của ta xông lên, dùng dây cáp kéo một chiếc xe tăng của địch sang một bên, mở đường tiến quân.
Vậy là mũi tiến công vượt cầu Sài Gòn tiến thẳng vào trung tâm thành phố. Khi xe của Dương Quang Lựa đến Dinh Độc Lập cũng là lúc chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng dinh. Ngoảnh nhìn lực lượng trên xe, ông thắt lòng khi thấy chỉ còn chưa đầy 10 người.
Họ cùng nhau ở lại sân nâng chiếc cổng sắt vừa bị húc đổ lên buộc lại, ngăn không cho người dân tràn vào. Rất nhanh sau đó, xe tăng từ các hướng và các đơn vị lần lượt tới đỗ ngoài hàng rào bao vây xung quanh Dinh Độc Lập.
T.P