Với việc nước Mỹ ngày càng có nhiều nỗ lực trong việc “vũ khí hóa” nhân quyền, các động thái chỉ trích nhân quyền của họ với các nước khác cũng ngày càng nhận được nhiều chú ý. Bản báo cáo mới đây của Bộ Ngoại giao Mỹ về Thực hành nhân quyền năm 2021 tại Việt Nam đang được các đối tượng như RFA “mổ xẻ” để tung hô.
Khi đưa tin về Bản báo cáo Thực hành nhân quyền năm 2021 tại Việt Nam của Bộ Ngoại giao Mỹ, trang mạng VOA giật tít: “Việt Nam đừng để già néo đứt dây”. Họ cho rằng đây là lần đầu tiên “Mỹ đã lên tiếng công khai về “sự thiếu chính danh” của các cơ quan quyền lực ở Việt Nam hiện nay”, chỉ trích Việt Nam thiếu dân chủ, nhân quyền, không có tự do… Họ đặt câu hỏi: “tại sao đến giờ nước Mỹ mới lên tiếng về việc này?” và cũng tự trả lời rằng “do Việt Nam bỏ phiếu chống lại việc loại nước Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc” nên bị Mỹ “cảnh cáo”. Cũng “háo hức” không kém là bài báo của RFA, khi họ dẫn lại gần như nguyên văn nội dung tóm lược từ Bản Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ xúc phạm nghiêm trọng thể chế chính trị của Việt Nam bằng giọng điệu nhân quyền áp đặt của họ.
Tuy nhiên cả VOA và RFA đã lờ đi một thực tế quan trọng là các nội dung chính yếu trong bản Báo cáo này gần như không có mấy sửa đổi so với phiên bản năm 2020 và kể cả là năm 2019. Đó là thời điểm mà Việt Nam chưa bỏ phiếu chống với chủ trương của Mỹ loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, và cũng chưa đến thời điểm mà Phó Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam kêu gọi nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược! Nhìn rộng ra hơn nữa thì các quan điểm áp đặt nhân quyền của phía Mỹ với Việt Nam chưa bao giờ thay đổi, thế nhưng quan hệ Việt – Mỹ thì ngày càng phát triển. Điều này thể hiện qua việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức nước Mỹ năm 2015, hay Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam năm 2016 và ra quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí – một quyết định lịch sử.
Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người dân. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ thường đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam và chính vì vậy Việt Nam cũng luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở để tăng cường hiểu biết về những điểm khác biệt. Trong các cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris năm 2021 hay tiếp Đại sứ Mỹ Marc Knapper mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn đề nghị nước Mỹ thúc đẩy quan hệ trên cơ sở “tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị và sự khác biệt của nhau”.
Với việc quan hệ Việt – Mỹ ngày càng phát triển, có thể thấy lời phát biểu của Thủ tướng cũng như đường lối đối ngoại của Việt Nam luôn được phía Mỹ đánh giá cao. Chúng ta đã khéo léo thay đổi trọng tâm của vấn đề, từ đòi hỏi nhân quyền máy móc của nước Mỹ thành “nước Mỹ đánh giá sai về nhân quyền Việt Nam chẳng qua là vì có những điểm khác biệt”. Đây là một cách làm đúng đắn, bởi không thể áp đặt cách hiểu và những quy tắc của quốc gia này sang quốc gia khác với những khác biệt về thể chế, văn hóa, tín ngưỡng và đời sống tinh thần.
Ngày 7/4/2022, Việt Nam bỏ phiếu chống đối với Nghị quyết của Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn dắt đòi đình chỉ tư cách thành viên của nước Nga trong Hội đồng Nhân quyền. Nhiều thế lực chống phá rêu rao rằng nước Mỹ sẽ trừng phạt “nhân quyền” với Việt Nam vì điều này, nhưng việc bản Báo cáo Thực hành nhân quyền năm 2021 của Bộ Ngoại giao Mỹ gần như lặp lại nguyên xi Báo cáo năm 2020 cho thấy đây không phải là đòn “trừng phạt” hay “động thái mới”. Trái lại, như VOA thừa nhận, Cố vấn Ngoại trưởng Mỹ mới đây đã sang Việt Nam để tiếp tục bàn luận về vấn đề nâng tầm quan hệ hai nước lên cấp đối tác chiến lược.
Có thể nói sự kiện này là một bài toán khó mà Việt Nam đã xuất sắc vượt qua. Đó là vấn đề làm thế nào để giữ vững quan hệ với các nước lớn trong thời buổi các trục quyền lực toàn cầu đang cạnh tranh gay gắt. Chúng ta có chủ trương, đường lối, quan điểm rõ ràng là không theo nước này để chống lại nước kia, làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới. Điều này giúp chúng ta không bị lôi kéo rồi sảy chân trở thành “đối thủ” của một ai đó. Với những vấn đề hóc búa, chẳng hạn như “nhân quyền”, Việt Nam không đối chọi mà luôn đối thoại cởi mở trên phương châm “ngoại giao tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng” như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói.
Các thế lực thù địch có lẽ đã đến lúc hiểu rằng việc “vũ khí hóa” nhân quyền chẳng thể đe dọa được Việt Nam nữa.
T.P