Quy mô cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện giờ đang thu hẹp lại tại các thành phố phía Đông và phía Nam Ukraine, nhưng tác động của nó ngày càng lan rộng ra nhiều khu vực trên thế giới.
Từ châu Âu đến châu Á, từ các thị trấn nhỏ của Mỹ đến khu vực châu Phi, đều cảm nhận ảnh hưởng.
Nhiều cuộc chiến tranh, từ Chiến tranh Thế giới thứ nhất đến chiến tranh Iraq, Afghanistan, thoạt đầu tưởng như sẽ kết thúc nhanh chóng nhưng tình hình trên thực địa đã làm thay đổi những dự đoán như vậy. Trên thực tế, một số cuộc chiến đã kéo dài và tạo ra hiệu ứng domino, gây ra nhiều vấn đề về chính trị, kinh tế, nhân đạo sâu rộng.
Xung đột Nga-Ukraine dường như đang diễn ra theo mô hình này. Bất chấp dự đoán về việc chiến dịch quân sự của Nga, phát động từ ngày 24/2, có thể sớm chấm dứt với những cuộc tấn công chớp nhoáng, cuộc chiến đã kéo trong nhiều tuần, nhiều tháng và thậm chí lâu hơn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Khi các lực lượng của Nga và Ukraine tăng cường tấn công vào cứ điểm của nhau, con số thương vong và thiệt hại chắc chắn sẽ gia tăng. Bên cạnh đó là nguy cơ chiến tranh lan rộng sang các khu vực khác, khoét sâu cuộc khủng hoảng kinh tế và năng lượng tại châu Âu. Chưa kể, nguy cơ đối đầu giữa hai cường quốc hạt nhân Nga-Mỹ vẫn luôn hiện hữu trong bối cảnh Washington tăng cường “bơm” vũ khí cho Ukraine.
Tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu có thể trở nên tồi tệ hơn do Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về ngô, lúa mì, lúa mạch và dầu hướng dương. Tại Mỹ, người dân đang phải gồng mình đối phó với lạm phát, chi phí hàng hóa và năng lượng tăng vọt. Điều này có thể gây ra nhiều vấn đề chính trị lớn đối với Tổng thống Joe Biden khi nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Vì sao chiến tranh kéo dài?
Việc cả Nga và Ukraine huy động binh sỹ, khí tài quân sự, dồn sức cho chiến trường Donbass cho thấy chưa bên nào có động cơ thực sự muốn theo đuổi con đường ngoại giao để kết thúc chiến tranh. Cả hai đều hoài nghi về ý định của bên kia và mong muốn sớm giành chiến thắng.
Dù đã tiếp nhận một lượng lớn vũ khí từ phương Tây, nhưng Ukraine vẫn liên tục kêu gọi Mỹ và châu Âu tăng cường viện trợ để đầy lùi các cuộc tấn công của Nga. Về phía Nga, các tướng lĩnh của quân đội nước này đã vạch ra những mục tiêu mới, trong đó có việc giành quyền kiểm soát bờ biển phía Nam của Ukraine để siết chặt vòng vây các lực lượng của đối phương và chặn đường tiếp cận Biển Đen.
Lo ngại trước những diễn biến mới, Mỹ đã vạch ra kế hoạch thúc đẩy một cuộc chiến tranh ủy nhiệm nhằm làm suy yếu Nga khiến Moscow không còn là mối đe dọa của phương Tây. Cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật mới, cho phép Nhà Trắng cho Ukraine hoặc bất cứ quốc gia Đông Âu nào bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công của Nga “thuê hoặc mượn trang thiết bị quốc phòng” để giúp gia tăng khả năng phòng thủ của các nước đó.
Những hệ lụy khó tránh
Chiến tranh Nga-Ukraine đang có nguy cơ lan rộng sang các khu vực khác. Các quan chức Ukraine ngày 27/4 cảnh báo một mặt trận mới có thể xảy ra ở phía Tây Nam, dọc theo biên giới với Moldova, liên quan đến khu vực ly khai Transnistria.
Mối đe dọa về một cuộc chiến năng lượng toàn diện có thể gây suy thoái kinh tế và những thách thực nghiêm trọng tại châu Âu. Trước đó ngày 27/4, Nga đã cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, hai thành viên NATO, với lý do những nước này không chấp thuận cơ chế thanh toán mua khí đốt bằng đồng rúp.
Kết quả của một cuộc chiến tranh kéo dài sẽ khiến nhiều dân thường thiệt mạng hoặc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Nhưng hậu quả sẽ không chỉ gói gọn trong biên giới của một đất nước.
Đã có những dấu hiệu cho thấy, cuộc chiến kéo dài suốt hai tháng qua tạo ra những cú sốc lớn về kinh tế. Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 27/4 cảnh báo, cuộc xung đột đã gây ra đợt tăng giá hàng hóa mạnh mẽ nhất trong 50 năm. Tại Mỹ, nhiều mặt hàng tiêu dùng đang trở nên ngày càng đắt đỏ. Ở các nước đang phát triển, tình trạng còn nghiêm trọng hơn. Giá ngũ cốc tăng vọt ở những quốc gia có tỷ lệ đói nghèo và suy dinh dưỡng cao đang ảnh hưởng đến tính mạng của hàng triệu người. WB cảnh báo, việc tăng giá thực phẩm và năng lượng có thể kéo dài trong nhiều năm tới.
Không chỉ làm xáo trộn về kinh tế, ảnh hưởng đến chính trị, chiến tranh Nga-Ukraine còn khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ xung đột hạt nhân. Hồi tháng 2 vừa qua, sau khi phát động chiến dịch quân sự, Tổng thống Putin tuyên bố đặt hệ thống răn đe hạt nhân của Nga trong tình trạng “sẵn sàng chiến đấu”. Dù đây có thể chỉ là lời đe dọa cứng rắn của Tổng thống Putin, song lại rất được chú ý bởi nó gợi lên viễn cảnh về một kết cục tồi tệ cho cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.
Mới nhất ngày 27/4, ông Putin cảnh báo, những bên can thiệp vào cuộc xung đột Ukraine sẽ phải trả giá đắt. “Chúng tôi có tất cả các công cụ để làm điều này. Những công cụ mà không ai khác, ngoài trừ chúng tôi có được. Nhưng chúng tôi sẽ không khoe khoang. Chúng tôi sẽ chỉ sử dụng chúng nếu cần”.
Cảnh báo này có thể là dấu hiệu cho thấy Nga đang cảm thấy áp lực vì chưa hài lòng với các mục tiêu của chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nhưng đây cũng là lời nhắc nhở đáng lo ngại về nguy cơ leo thang xung đột khi mà Mỹ đang thách thức “lằn ranh đỏ” của Nga bằng cách ồ ạt “bơm” vũ khí cho Ukraine.
Washington và Moscow dường như nhận thức được rằng, xung đột đang lan xa hơn lãnh thổ Ukraine và có thể là mở màn cho một cuộc đấu tranh địa chính trị kéo dài và rộng lớn hơn. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley cho rằng: “Nếu Nga có thể phát động chiến tranh mà không phải chịu bất cứ hậu quả nào thì điều đó có nghĩa là chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên bất ổn nghiêm trọng”.
Trong một bài phát biểu tại London, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết: “”Sau Chiến tranh Lạnh, chúng tôi nghĩ rằng hòa bình, ổn định và thịnh vượng sẽ lan rộng khắp toàn cầu. Chúng tôi đã sai”. Còn các quan chức Nga cũng thừa nhận tác động sâu rộng của một cuộc xung đột đã ảnh hưởng đến cấu trúc thế giới thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.
T.P