Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngThái độ ngông cuồng của TQ đối với Philippines

Thái độ ngông cuồng của TQ đối với Philippines

Câu chuyện cũng chẳng có gì mới, luận điệu ngang ngược của Bắc Kinh cũng chẳng có gì mới, nếu Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi không tuyên bố rằng: “Người khác, tổ chức khác không có quyền xử lý, giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, ngoại trừ người dân Trung Quốc”!?

Trung Quốc hôm qua (21/12) lại tiếp tục bác bỏ thẩm quyền xét xử của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) đối với vụ kiện liên quan đến tranh chấp Biển Đông do Philippines là nguyên đơn.

Đây là phản ứng mới nhất của Bắc Kinh sau khi Tòa PCA công bố băng ghi âm ghi hình phiên tranh tụng vấn đề liên quan các đảo và bãi đá trên Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên giọng khẳng định lập trường của Trung Quốc về Biển Đông dựa trên cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc và sẽ không bao giờ thay đổi, đồng thời cáo buộc việc Philippines khởi kiện là đã bỏ qua sự thật, công lý và luật pháp quốc tế, cố gắng phủ nhận cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc với các đảo ở Biển Đông.

Theo họ Hồng, tòa án trọng tài thành lập theo Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 được thành lập theo đề nghị của Philippines không có thẩm quyền đối với trường hợp này và Bắc Kinh kiên quyết không chấp nhận sự dàn xếp của bất kỳ bên thứ 3 nào với các tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc.

Họ Hồng còn “khuyên” Philippines thôi ảo tưởng về chủ quyền đối với các đảo tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông và thúc Manila trở lại các cuộc đàm phán với Bắc Kinh.

Câu chuyện cũng chẳng có gì mới, luận điệu ngang ngược của Bắc Kinh cũng chẳng có gì mới, nếu Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi không tuyên bố rằng: “Người khác, tổ chức khác không có quyền xử lý, giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, ngoại trừ người dân Trung Quốc”!?

Đây đúng thật là một tuyên bố ngông cuồng, vì nói như vậy có nghĩa là Bắc Kinh có thể bất chấp luật pháp quốc tế, muốn tự vạch biên giới lãnh thổ đến đâu thì vạch, miễn là họ muốn!?   

Tuyên bố này cũng mâu thuẫn hoàn toàn với những gì ông Hồng nói là “lập trường của Trung Quốc về Biển Đông dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế vững chắc”.

Nếu lập trường của Trung Quốc dựa trên luật pháp quốc tế, thì tại sao Bắc Kinh lại lẩn tránh trách nhiệm của một nước đã tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và ký kết nhiều cam kết quốc tế khác?

Bởi nếu là một đất nước văn minh, pháp quyền và tôn trọng luật pháp quốc tế, Bắc Kinh cần hiểu rõ rằng, khi có hai hay nhiều quốc gia đưa ra yêu sách, luận thuyết, chứng cứ pháp lý trái ngược nhau về chủ quyền trên cùng một khu vực lãnh thổ, cần xem xét quốc gia nào đã xác lập được một danh nghĩa chủ quyền lãnh thổ phù hợp với các qui định của luật pháp quốc tế là chuyện đương nhiên.

Đơn cử, trong trường hợp có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ như phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực Quốc tế ở La Haye về vụ đảo Palmas ngày 4/4/1928 đã chỉ rõ: “Nếu có một tranh chấp về chủ quyền đối với một khu vực lãnh thổ, các toà án thường xem xét quốc gia yêu sách có chủ quyền nào có được một danh nghĩa – thông qua việc chiếm hữu, chuyển nhượng, chinh phục cao hơn danh nghĩa mà quốc gia khác có thể đưa ra đối chọi lại với nó”.

Tại sao đến giờ Trung Quốc vẫn “cứng họng” không giải thích được những đòi hỏi biển của chính họ liên quan đến “đường 9 đoạn” mà họ tự vẽ ra để đòi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông? “Đường 9 đoạn” rốt cục là đường ranh giới quốc gia, hay nó đơn thuần chỉ là mấy nét gạch mơ hồ để ai muốn hiểu kiểu gì thì hiểu, còn Bắc Kinh thì đương nhiên hiểu theo cách có lợi nhất cho họ?

Sau tuyên bố ngông cuồng của ông Hồng Lỗi về cái quyền “tự quyết định chủ quyền lãnh thổ” của người Trung Quốc, người ta sẽ càng hiểu thêm vì sao, hình dạng tấm bản đồ quốc gia của Trung Quốc có thể thay đổi chóng mặt, từ “con gà trống” sang “con đại bàng” như tấm bản đồ do Nhà xuất bản bản đồ ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc chính thức phát hành ngày 23/6/2014.

Điều đó chắc hẳn không nằm ngoài sự ngông cuồng, đứng trên luật và hành xử theo ý chí của giới lãnh đạo cuồng vọng lãnh thổ của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới