Trong cuộc họp ngày 5/5 của nhóm lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc, ông Tập Cận Bình một lần nữa nhấn mạnh theo đuổi Zero Covid và sẽ đấu tranh vì chính sách này.
Theo Tân Hoa Xã, ngày 5/5, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp về công tác phòng chống dịch bệnh của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và có bài phát biểu “quan trọng”.
Hội nghị tuyên bố, “kiên trì không dao động với phương châm chung về ‘Zero Covid linh động’, kiên quyết đấu tranh với hết thảy hành động và lời nói bóp méo, hoài nghi, phủ định chính sách phòng dịch của Trung Quốc”.
Trong hội nghị nhiều lần xuất hiện cụm từ quen thuộc của ĐCSTQ – “đấu tranh”, ví như “nhận thức sâu sắc tính phức tạp và gian khó trong đấu tranh kháng dịch”, hay “phát huy đầy đủ tinh thần đấu tranh”, v.v.
Hội nghị cũng nói rằng, phương châm chống dịch của Trung Quốc “là do tính chất và tôn chỉ của ĐCSTQ quyết định”, “sẽ vượt qua được bài kiểm tra của lịch sử”.
Chuyên gia chỉ ra tín hiệu đấu tranh nội bộ
Ông Hoành Hà (Heng He), nhà bình luận thời sự Trung Quốc, cho rằng, từ việc ông Tập chủ trì cuộc họp cho tới trọng điểm là biện minh cho chính sách dịch bệnh, có thể thấy tin đồn về cuộc đấu tranh giữa giới lãnh đạo cấp cao không phải là vô căn cứ.
Trước đó, các cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc đã xuất hiện tiếng nói bất đồng.
Ngày 24/4, “Hiệp Khách Đảo” – một tài khoản mạng xã hội công khai của tờ Nhân dân Nhật báo – đăng bài phê bình các địa phương phòng dịch “cứng nhắc”, chính quyền các cấp gia tăng mức độ.
Ngày 25/4, tờ Economic Information Daily trực thuộc Tân Hoa Xã đăng bài viết có tiêu đề “Phòng dịch và phát triển phải đề phòng được cái này mất cái kia”. Trong đó nói, phòng dịch liên quan đến sinh mạng, phát triển liên quan đến sinh kế, các biện pháp kiểm soát uốn nắn quá tay nên được sửa đổi cho thiết thực.
Ông Hoành Hà nói rằng, động thái trên cho thấy nội bộ ĐCSTQ có rất nhiều tranh luận, cho nên cần một tư tưởng thống nhất.
Chính sách Zero Covid linh hoạt được ông Tập Cận Bình kiên trì thúc đẩy. Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ hôm 17/3, ông cũng nhấn mạnh phải “kiên trì với chính xác khoa học, Zero Covid linh động và nhanh chóng hạn chế sự lây lan của dịch bệnh”.
Mặc dù chính sách này đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế và sinh kế của người dân Trung Quốc, thế giới cũng đang mở cửa dần và coi đây là bệnh đặc hữu, nhưng giới chức Bắc Kinh vẫn “không hề dao động”.
Trước phát biểu mới nhất về chính sách dịch bệnh hôm 5/5 của ông Tập Cận Bình, nhà bình luận thời sự Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan) phân tích: “Ông Tập Cận Bình coi hình thức quét sạch virus này là một thành tựu to lớn nhằm tìm kiếm cơ hội tái đắc cử tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20. Ông ấy đã ràng buộc nó với quyền lực chính trị của chính mình. Vì vậy, từ quan điểm chính trị, ông ta tuyệt đối không cho phép chính sách của mình chịu bất kỳ nghi ngờ chất vấn nào”.
Theo ông Đường, chính sách phòng dịch của ĐCSTQ sẽ đi theo hướng chính trị hóa và trường kỳ hóa, kết quả là Zero Covid sẽ ngày càng diễn biến thành một cuộc vận động.
T.P