Tổng nhu cầu thị trường cơ khí cả nước từ nay đến năm 2030 ước đạt hơn 300 tỷ USD – con số rất lớn nhưng các doanh nghiệp cơ khí nội vẫn khó sống.
Thị trường lớn
Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, cơ hội cho ngành cơ khí trong thời gian tới là rất nhiều. Đó là nhu cầu về máy móc thiết bị cho các công trình công nghiệp như: nhiệt điện, thủy điện, điện gió, hóa chất, khai thác, chế biến khoáng sản khoảng; thiết bị và vật tư cho xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc; hệ thống tàu điện ngầm; công nghiệp ô tô…
Với lĩnh vực điện gió, theo quy hoạch đến năm 2045 là 70.000 MW, đã có thị trường khoảng 70 tỷ USD dành cho cơ khí. Các thiết bị ngành cơ khí có thể làm đó là sản xuất cánh quạt, cột gió, hệ thống chân đế… Với một dự án điện gió ngoài khơi, riêng hệ thống chân đế, ít nhất cần từ 35-40 cột. Đây là thị trường lớn trong vòng 5 năm tới. Không những thế, Việt Nam đang được các đối tác Mỹ, Đan Mạch, Na Uy… lựa chọn thay thế Trung Quốc, để làm nơi vừa sản xuất, chế tạo thiết bị điện gió cho thị trường các nước trong khu vực.
Với thủy điện, theo ông Lê Văn An, Chủ tịch HĐQT, Tổng công ty Cơ điện Xây dựng (Agrimeco), thế giới đã khai thác các hồ thủy lợi để phát điện. Trong khi đó, Việt Nam có hệ thống 11.000 hồ thủy lợi, chỉ phục vụ cho tưới tiêu, đang bị bỏ phí, khi không tận dụng nước để phát điện. Thời gian qua, Agrimeco đã hợp tác với các hãng hàng đầu thế giới như Andritz (Áo) và Voith (Đức), nghiên cứu tourbin trong đường ống dòng chảy thẳng thành công. Điều này giúp tận dụng được nước tưới, nước xả thừa để phát điện.
“Chúng tôi đã khảo sát 37 tỉnh thành và đang làm đường ống đầu tiên. Nếu thành công thì tổng công suất sẽ đạt trên 3.000 MW, lớn hơn cả thủy điện Sơn La. Đây cũng là thị trường rất lớn cho ngành cơ khí”, ông An nói.
Lĩnh vực ô tô cũng là thị trường lớn cho ngành cơ khí. Hiện các DN đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết chủng loại xe ô tô con, xe tải, xe khách, tuy nhiên tỷ lệ nội địa hóa còn thấp. Nhu cầu về xe ngày càng tăng và Chính phủ đã có kế hoạch phát triển ngành sản xuất này trở thành trụ cột của ngành công nghiệp. Ước tính đến năm 2030, giá trị các sản phẩm cơ khí phục vụ cho sản xuất ô tô vào khoảng 130 tỷ USD.
Ngoài ra, đang có sự dịch chuyển cung ứng sản xuất gia công cơ khí, từ các nước khác về khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam. Đây chính là cơ hội cho ngành cơ khí.
DN vẫn khó sống
Tuy nhiên, VAMI cho rằng, nhiều năm qua, với hàng loạt hạn chế, yếu kém đến từ cơ chế, chính sách quản lý của Nhà nước, cũng như từ phía DN, khiến ngành cơ khí phát triển khá mờ nhạt, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Ngành cơ khí hiện nay nhập siêu rất lớn. Ngay tại thị trường trong nước, các DN cơ khí nội cũng không giành được nhiều thị phần, luôn bị thiếu đơn hàng. Rất nhiều dự án lớn về xây dựng, giao thông, thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô tô, xe máy… chủ yếu sử dụng sản phẩm cơ khí nhập ngoại hoặc do các DN FDI đảm nhiệm.
Năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí và năm 2018 có cập nhật cho phù hợp với tình hình mới, nhưng các cơ chế chính sách đi theo, đến nay vẫn chưa có. Không có chính sách tốt nên thị trường cơ khí lớn mà các DN cơ khí nội vẫn khó sống.
Các DN cơ khí vẫn phải tự vận động, phát triển mà chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ hệ thống chính sách của Nhà nước để có nhiều đơn hàng từ đầu tư công cũng như các dự án lớn. Chẳng hạn như lĩnh vực điện gió, vừa qua các dự án được phê duyệt, đầu tư nhưng không có liên kết với ngành cơ khí nên các DN cơ khí trong nước không tham gia được.
Ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) cho rằng, nếu có chính sách tốt của Chính phủ, DN cơ khí sẽ có điều kiện thuận lợi để cho ra được những sản phẩm chất lượng tốt hơn, dịch vụ tốt, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực. Cái gì cơ khí trong nước làm không đạt chất lượng mới phải nhập khẩu. Không như vậy, rất khó tạo thị trường cho ngành cơ khí trong nước.
Theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó chủ tịch VAMI, vai trò của Chính phủ trong điều hành phát triển cơ khí nội địa rất quan trọng. Với tiềm năng thị trường lớn, nếu sớm triển khai và có chiến lược tổng thể, để chuẩn bị, cơ khí sẽ có rất nhiều việc làm, các DN sẽ tự tin đón nhận các dự án lớn.
Theo các DN, để phát triển ngành cơ khí trong nước, Nhà nước cần có chính sách đặc thù. Một số vấn đề quan trọng nên được chỉ đạo và thực hiện mạnh mẽ, đó là dùng hàng rào kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa,… để bảo vệ hợp lý thị trường nội. Bình đẳng các ưu đãi đầu tư, giữa DN cơ khí trong nước và DN FDI. Tạo nhiều đơn hàng cho DN cơ khí Việt Nam, nhất là với các dự án đầu tư công. Nếu DN cơ khí đầu tư, để có trình độ công nghệ 4.0 mà phải vay với lãi suất như các ngành kinh tế khác, sẽ khó thực hiện được mục tiêu nâng cao nội lực. Quy định chặt chẽ tỷ lệ hợp lý trong khối lượng và giá trị dự án để bảo đảm dành cho DN cơ khí nội địa tham gia, nhằm mục tiêu không cần phải mua toàn bộ từ nước ngoài, mà khuyến khích nhận chuyển giao công nghệ để tự làm.
Trong khi đó, ông Đào Phan Long, Chủ tịch VAMI, đề xuất cần sớm có Luật Cơ khí nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành cơ khí và bảo vệ thị trường cơ khí Việt Nam.
T.P