Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông trong tầm nhìn ASEAN-Mỹ

Biển Đông trong tầm nhìn ASEAN-Mỹ

Với việc tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ hôm 13/5, lần đầu tiên kể từ năm 2016, các nhà lãnh đạo ASEAN cùng gặp nhau tại Washington bàn về các vấn đề quan trọng.

Tổng thống Mỹ chụp ảnh chung cùng các nhà lãnh đạo ASEAN.

Quan trọng tới mức, tổng thống Mỹ, ông Biden nhấn mạnh rằng: “Hội nghị không chỉ kỷ niệm 45 năm đối tác và hữu nghị Mỹ – ASEAN, mà còn khởi động “kỷ nguyên mới” cho mối quan hệ Mỹ – ASEAN”; và: “Một phần lớn lịch sử thế giới của chúng ta trong vòng 50 năm tới sẽ được viết ra tại các quốc gia ASEAN, và mối quan hệ giữa chúng tôi với các bạn chính là tương lai trong những năm tới và nhiều thập kỷ tới”.

Ít ai nghi ngờ người đứng đầu Nhà Trắng chỉ vì muốn thể hiện sự thịnh tình của nước chủ nhà, nên nói những lời sáo rỗng. Ngược lại, hầu hết tin rằng: ông Biden nói thật. Những nỗ lực trong hơn 10 năm qua nhằm thực hiện chính sách xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương, mở rộng vị thế, ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc, đã nói lên Châu Á, trong đó bao gồm 10 nước Asean, có ý nghĩa quan trọng như thế nào với Nhà Trắng. Thậm chí, chính sách xoay trục đó, với những động thái giành giật, tranh thủ từng quốc gia, như đang đẩy các nước Asean lâm vào thế kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc, điển hình là Philippines, Việt Nam, Campuchia.

Trở lại câu chuyện Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ. Tuyên bố tầm nhìn chung cam kết thiết lập quan hệ đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN- Hoa Kỳ “có ý nghĩa thực chất, hiệu quả và cùng có lợi” vào tháng 11/2022 của lãnh đạo các nước ASEAN và Mỹ, đã dành sự quan tâm lớn cho vấn đề Biển Đông. Văn bản này nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi quyết tâm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, và bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải, cũng như tự do hàng hải và hàng không và các quyền sử dụng hợp pháp khác các vùng biển như đã khẳng định trong UNCLOS 1982, và thương mại trên biển hợp pháp và không bị cản trở cũng như không quân sự hóa và tự kiềm chế tiến hành các hoạt động”.

Những người theo sát diễn biến tình hình Biển Đông, theo dõi diễn biến Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ, không khó để nhận ra, chẳng một từ, một ngữ nào đề cập Trung Quốc, nhưng chắc chắn, Trung Quốc đang là bên cảm thấy bức bối như bị Mỹ, các nước ASEAN chính thức bêu tên.

Bức bối, mà không thể lên tiếng, bởi lên tiếng hóa ra tự vận vào mình. Nhưng không tự vận vào mình cũng không được. Không nói đâu xa, những ngày qua, Mỹ và nhiều nước ra rả chỉ trích, đưa ra các bằng chứng cáo buộc Trung Quốc đã hoàn thành quân sự hóa 3 đá, gồm Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập (tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông, coi đây như động thái nguy hiểm, đe dọa các nước láng giềng, làm mất ổn định khu vực, vi phạm quyền tự do hàng hải…

Thêm nữa, trong đoạn trích nguyên văn trên, cái việc Mỹ xưng xưng cùng các nước ASEAN trong vai “chúng tôi” khiến Bắc Kinh cay cú. Cay cú vì, trong con mắt Trung Quốc, nó như bằng chứng cho thấy Mỹ nhảy xổ vào biển Đông vốn là câu chuyện riêng (theo ý Trung Quốc) của các nước trong khu vực, trong khi Mỹ đâu có là thành viên của Unclos 1982?

Hậm hực thế chứ hơn thế, Trung Quốc cũng chẳng dại gì ho he. Bởi xét cho cùng, thông lệ quốc tế, mọi quốc gia không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm bày tỏ quan điểm, thái độ đối với các sự kiện, vấn đề cho dù không liên quan trực tiếp, huống chi Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ lần này không chỉ diễn ra tại Mỹ, mà còn do Mỹ đóng vai trò nhà tổ chức, sao có thể không đề cập tới Biển Đông – một trong những điểm nóng nhất của khu vực Đông Nam Á.

Với Mỹ, Biển Đông hiện nay còn là lợi ích sát sườn. Ngoài những lợi ích liên quan tự do hàng hải, nó còn như một điểm thử hiệu quả chủ trương xoay trục về Châu Á của Mỹ, nên Nhà Trắng không thể không tranh thủ, khai thác diễn đàn này để vừa là thể hiện trách nhiệm, chứng tỏ vai trò nước lớn; vừa là gián tiếp bắn thông điệp cứng rắn tới các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải bên kia bán cầu.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới