Thursday, November 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBắc Kinh phong tỏa Quảng trường Thiên An Môn, 9 quận bị...

Bắc Kinh phong tỏa Quảng trường Thiên An Môn, 9 quận bị kiểm soát nghiêm ngặt

Quảng trường Thiên An Môn — trung tâm chính trị của Trung Quốc và là biểu tượng cho quyền lực của ĐCS Trung Quốc — đã bị phong tỏa nghiêm ngặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục tấn công Bắc Kinh.

Một sĩ quan cảnh sát đứng gác ở Quảng trường Thiên An Môn trước phiên bế mạc của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 11/03/2022.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã thắt chặt các biện pháp kiểm soát ở thủ đô theo chính sách “zero COVID” chính thức của nước này, trong đó 9 quận của thành phố bị phong tỏa.

Hôm 24/05, Ủy ban Quản lý Quận Thiên An Môn Bắc Kinh đã thông báo trên trang web của mình rằng Quảng trường Thiên An Môn sẽ đóng cửa từ ngày 25/05 đến ngày 15/06 như một phần trong biện pháp chống dịch COVID. Đây là lần đầu tiên Quảng trường Thiên An Môn bị phong tỏa vì đại dịch COVID-19.

Các nhà chức trách cũng thông báo rằng bắt đầu từ ngày 24/05, các biện pháp kiểm soát sẽ được thắt chặt tại 9 quận nội thành, bao gồm: Triều Dương, Hạ Liên, Phong Đài, Thạch Cảnh Sơn, Thông Châu, Thuận Nghĩa, Trường Bình, Phương Sơn, và Môn Đầu Câu.

Tại các quận này, toàn bộ người dân đều bị hạn chế đi lại tự do và được lệnh phải làm việc tại nhà cho đến ngày 28/05.

Lệnh phong tỏa này ảnh hưởng đến 11,8 triệu người trong tổng số 21,88 triệu cư dân của Bắc Kinh.

Chính quyền Bắc Kinh đã phong tỏa hầu hết các khu vực ở hai quận Triều Dương và Phong Đài kể từ ngày 05/05.

Hơn 154 tuyến xe buýt và 101 ga tàu điện ngầm cũng đã ngừng hoạt động.

Cư dân đã phàn nàn trên mạng xã hội về các cuộc phong tỏa không báo trước ở nhiều khu vực.

Tất cả các địa điểm như: cửa hàng bán lẻ trong nhà, di tích văn hóa, khu vui chơi giải trí, nhà thi đấu hay nơi tập luyện thể thao, cũng như công viên ngoài trời, cơ sở đào tạo ngoại tuyến, cơ sở phúc lợi và viện dưỡng lão đều phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian này. Các khu dân cư và các tòa nhà thương mại cũng đã bị phong tỏa.

Những người đưa thư và giao hàng, bao gồm cả giao thực phẩm thiết yếu đều không được phép vào các khu dân cư ở những quận trên. Điều này đã thu hút sự phàn nàn chỉ trích của người dân.

Theo số liệu chính thức của chính quyền thành phố, từ ngày 23/05 đến ngày 24/05, Bắc Kinh ghi nhận 71 ca nhiễm COVID-19 mới. Kể từ ngày 22/04, thành phố này ghi nhận tổng cộng 1,591 ca, liên quan đến 15 quận.

“Tôi không biết dữ liệu chính thức này có đúng hay không”, một người dân họ Lý ở Bắc Kinh nói với The Epoch Times. “Dù sao, lần này, Bắc Kinh [phong tỏa và kiểm soát] làm chặt hơn Thượng Hải”.

Trong những ngày gần đây, ở Bắc Kinh có báo cáo rằng cổng vào của các tòa nhà dân cư đã được hàn kín và hàng nghìn cư dân đã bị cưỡng chế chuyển ra khỏi nhà để đến các cơ sở cách ly tập trung.

Bà Cao Duệ (Gao Rui), một người dân sống gần Đường Kinh Lương ở thị trấn Trường Dương, quận Phương Sơn, nói với The Epoch Times rằng hàng chục ngàn người đang sinh sống trong hơn 10 cộng đồng ở khu vực này.

Bà Gao phàn nàn, “Cộng đồng của chúng tôi không có một ca nhiễm COVID nào mà vẫn đang bị phong tỏa, điều này rất vô lý”.

Khu này đã bị phong tỏa trước ngày 23/05 năm ngày. Các nhà chức trách đã không cung cấp cho người dân thực phẩm hoặc đồ tiếp tế, và họ chỉ có thể nhận được đồ tiếp tế bằng cách mua trên mạng khi có thể.

Những người dân bị ảnh hưởng đã phàn nàn về các biện pháp kiểm soát mới thông qua mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.

“Tại sao họ cấm giao hàng và mang đồ từ các khu vực có nguy cơ thấp vào cộng đồng dân cư này?”, một người dân đã hỏi trong một bài đăng trên Weibo.

“Một số khu dân cư cổ kính và không có thang máy. Có những người cao tuổi sống đơn độc ở nhà. Làm thế nào họ có được thức ăn [mà không được giao hàng]?” một người dân khác đăng lên.

“Người giao hàng và người đưa thư không được phép vào cộng đồng, và người dân phải tập trung ở lối vào để nhận hàng, [vì vậy chính các nhà chức trách] đã tạo ra hoàn cảnh để tụ tập đông người”, một người dân thứ ba cho biết.

Cho đến nay, toàn bộ người dân ở 14 trong số 16 quận của thành phố đã làm ít nhất 6 đợt xét nghiệm acid nucleic COVID-19.

Nhà virus học Thường Vinh Sơn (Chang Rongshan) cho biết, khi người dân xuống cầu thang xếp hàng để làm xét nghiệm acic nucleic, sẽ có nguy cơ xảy ra lây nhiễm chéo. Ông cho biết mục tiêu của nhà cầm quyền là xóa sổ hoàn toàn COVID-19 ở thành phố này vào tháng 6/2022 “nói thẳng ra là bất khả thi”, vì số lượng ca nhiễm mới hàng ngày đang tăng lên.

Lệnh phong tỏa ở Thượng Hải vẫn chưa được dỡ bỏ, mặc dù đã bắt đầu vào cuối tháng 3/2022. Thành phố đầu mối Thiên Tân ở phía bắc đất nước đã bị phong tỏa hôm 21/05, gây gián đoạn cho các hoạt động tại cảng.

Ông Nghiêm Huệ Tân (Yan Huixin), phó giám đốc điều hành của Trung tâm Tổ chức Thương mại Thế giới thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng tình trạng phong tỏa của Trung Quốc đã khiến nền kinh tế của nước này lao dốc nhanh chóng.

Hơn nữa, chính sách này đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng nhiều hơn đến các điểm đến xuất cảng chính của Trung Quốc — thị trường Hoa Kỳ và Châu Âu, bà Yan nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới