Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhi ông Tập và ông Lý “chỏi nhau”

Khi ông Tập và ông Lý “chỏi nhau”

Đấu tranh nội bộ giữa các phe phái chính trị và thế lực của ĐCSTQ ngày một nóng hơn, khốc liệt hơn khi Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 sắp khai mạc. Ngoại giới không ngừng viết về tranh chấp “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường. Nhưng mục đích thực sự đằng sau đó có vẻ như chưa hẳn là tranh chấp quyền lực, dường một ai đó phải “đứng mũi chịu sào”, phải có trách nhiệm trước các thất bại không thể tránh khỏi về kinh tế, xã hội…

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược?

Theo các phương tiện truyền thông của nhà nước Trung Quốc cũng như NTDVN đã đưa tin, ngày 25/5 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tổ chức một cuộc họp quy mô lớn chưa từng có, lên tới 100.000 người, được gọi là “Hội nghị trực tuyến quốc gia về ổn định kinh tế”.

Trong Hội nghị này, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc nhất với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, yêu cầu các quan chức cân bằng tốt hơn nữa giữa kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế. Một ngày trước đó, ông Lý Khắc Cường chủ trì một cuộc họp của Hội đồng Nhà nước và đưa ra một giải pháp gồm 33 mục, trong đó không hề nhắc tới chính sách “Không Covid” mà ông Tập Cận Bình khăng khăng theo đuổi.

Trang United Daily News của Đài Loan đăng một bài bình luận nói rằng Hội nghị trực tuyến quy mô lên tới 100.000 người tham dự của ông Lý Khắc Cường để ổn định kinh tế là chưa từng diễn ra trong lịch sử, phản ánh “hai khó khăn lớn”, hiếm có ở Trung Quốc đại lục.

Hai khó khăn lớn bao gồm: thứ nhất, kinh tế khó khăn và khủng hoảng lương thực, năng lượng đang đè nặng lên Trung Quốc. Năm 2022, các số liệu vĩ mô cho thấy Trung Quốc đã bước vào thời kỳ khó nhất trong 40 năm cải cách và mở cửa; thứ hai, phản kháng của người dân ngày bùng phát vì “zero covid”, vì mưu sinh và công bằng xã hội ngày một suy giảm. Người dân Thượng Hải bắt đầu thực hiện phản kháng, tự động gỡ bỏ phong tỏa. Tại Bắc Kinh, đã diễn ra các cuộc biểu tình của sinh viên đại học Bắc Kinh, đại học Sư Phạm và Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc.

Bởi vậy, những ngày này, chế độ Bắc Kinh đang ngồi trên con thuyền tròng trành, ổn định kinh tế mới có thể dẫn tới ổn định xã hội và tái khẳng định rằng sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là lựa chọn duy nhất đúng đắn của người Trung Quốc như họ vẫn tuyên truyền.

Không để ảnh hưởng tới uy tín của ông Tập, ông Lý Khắc Cường bị đẩy ra tuyến đầu
Nhưng bất chấp thực tế kinh tế lao dốc, truyền thông Nhà nước Trung Quốc không tiếc lời tung hô “những thành tựu to lớn” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Từ ngày 23/5, Tân Hoa Xã đã ra mắt phim ngắn trực tuyến dài 50 tập về “Dấu chân”; một bộ phim ca ngợi Tập Cận Bình, mở đường cho việc Tập Cận Bình tái đắc cử chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20.

Phân tích mới nhất của tạp chí The Economist nói rằng tin tức về sự chia rẽ đảng và sự phản đối cấp cao đối với Tập Cận Bình là chưa đủ, nhưng nó đáng được quan tâm trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 20. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa cho thấy có bất kỳ trở ngại thực sự nào đối với nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập.

Bài báo cho biết chắc chắn, các cuộc phong tỏa chống Covid-19 trên diện rộng và thiệt hại kinh tế lớn do chính sách “Không Covid” gây ra đang gây ra áp lực chính trị đối với Tập Cận Bình. Sự bất mãn của công chúng đối với cách xử lý của chính phủ đối với dịch bệnh đang ngày càng gia tăng, ngay cả trên các phương tiện truyền thông xã hội được kiểm duyệt chặt chẽ của chế độ này.

Ông Tập Cận Bình cũng đã tạo ra nhiều “kẻ thù” trong đảng và trong giới tinh hoa trong những năm qua. Chiến dịch chống tham nhũng của ông đã xóa sổ 4 triệu quan chức lớn nhỏ, trong đó có khoảng 400 quan chức cấp thứ trưởng trở lên. Nhiều trí thức cũng bày tỏ sự không hài lòng với việc ông Tập siết chặt kiểm soát tư tưởng và trấn áp những người bất đồng chính kiến.

Đáp lại những tin đồn gần đây tập trung vào việc Lý Khắc Cường xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông nhà nước, các bài phát biểu của ông trước cộng đồng doanh nghiệp và nhận xét của ông về nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, tờ The Economist viết rằng bằng chứng cho tranh chấp Tập – Lý là không mạnh và rằng ông Tập vẫn có ảnh hưởng rất lớn.

Bài báo cho rằng quyền lực trong nội bộ đảng của Tập Cận Bình vượt trội, nhưng khi đối mặt với sức ép của suy thoái kinh tế, ông đã đẩy Lý Khắc Cường ra tuyến đầu. “Vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang chịu áp lực rất lớn, chẳng hạn như thời điểm này, việc ông Tập Cận Bình đẩy người khác lên trước là điều bình thường”.

Ông Tập và ông Lý luôn không cùng quan điểm
Nhà bình luận thời sự Li Linyi nói rằng hiện tại, có sự chia rẽ trong nội bộ ĐCSTQ, mặc dù trên hình thức ông Tập và ông Lý vẫn đang cùng đứng trên sân khấu để duy trì tình hình.

Đánh giá từ một số chi tiết, ông Lý Khắc Cường có ý tưởng riêng của mình ở một số khía cạnh. Ví dụ, trong cuộc họp gần đây với 100.000 người do ông Lý Khắc Cường tổ chức, Thủ tướng Trung Quốc đã sử “Chỉ số Lý Khắc Cường” như sản xuất điện để đo lường nền kinh tế thay vì sử dụng các chỉ số mà ông Tập và quan chức của quốc gia này đề cập. “Chỉ số Lý Khắc Cường” được ông Lý sử dụng nhiều khi mới nhậm chứ Thủ tướng. Sau đó, với sự gia tăng quyền lực điều hành kinh tế của ông Tập Cận Bình, chỉ số này dần biến mất. Bây giờ ông Lý sử dụng lại. Việc này ít nhất cho thấy ông Lý có chủ kiến ​​của riêng mình ở một số khía cạnh và không muốn nghe theo ông Tập về mọi mặt.

Ông Li Linyi cho biết, thêm vào đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường hiếm khi khẳng định chính sách “thanh minh động lực” của ông Tập trước công chúng, vì vậy mối quan hệ giữa hai người có thể mô tả chính xác hơn bằng câu nói: “Ông Tập và Lý có trái tim khác nhau trên cùng một sân khấu”.

Cả hai ông Tập và Lý đều không thể vãn hồi nền kinh tế Trung Quốc
Để cứu nền kinh tế Trung Quốc, trước tiên ĐCSTQ phải quyết tâm thực hiện cuộc đại phẫu. Ông Tập Cận Bình cầm quyền được mười năm đã đánh bại đường lối cải cách mà Trung Quốc theo đuổi thành công 30 năm trước. Hiện tại, ông Tập đã dựng lên ít nhất ba chướng ngại vật để phá hủy nền kinh tế Trung Quốc. Ba trở ngại này là:

Thứ nhất, “không Covid” đã đóng cửa nền kinh tế vốn tăng trưởng nhờ vào xuất khẩu và bơm máu (nhận vốn) từ nhà đầu tư nước ngoài. Không Covid đã khóa chặt động lực tăng trưởng của nền kinh tế này. Ngay cả khi Trung Quốc từ bỏ “Không Covid”, hậu quả nó để lại là mất niềm tin từ nhà đầu tư nước ngoài, mất niềm tin của dân cư, tổn thất của lực lượng lao động và khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ do đóng cửa quá lâu, tổn thất của thị trường bất động sản… sẽ khiến nền kinh tế khó lòng có thể vực dậy trong ngắn và trung hạn.

Thứ hai, đàn áp kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp công nghệ lớn. Khi ĐCSTQ muốn kiểm soát chặt chẽ hơn khối tư nhân, họ đã hình thành các chi bộ đảng trong mọi công ty tư nhân và giám sát chặt chẽ hoạt động của khu vực này. Nhưng đó chỉ là bước đầu, xu hướng quốc hữu hóa kinh tế tư nhân đã bắt đầu. Khu vực kinh tế tư nhân luôn hoạt động hiệu quả vượt trội so với khu vực kinh tế nhà nước. Nhưng khát vọng tăng cường kiểm soát để duy trì quyền lực tuyệt đối của ĐCSTQ cũng như đảm bảo các tội ác, sự thật của chế độ được tẩy trắng đã khiến Bắc Kinh không thể không tăng cường kiểm soát khu vực kinh tế tư nhân trong điều kiện làn sóng công nghệ 4.0 đang phát triển như vũ bão. Chưa kể, việc phân nhỏ các ông lớn công nghệ, đàn áp, giám sát họ cũng như sáng kiến “Thịnh vượng chung” phân chia lại nguồn lực từ người giầu sẽ khiến Trung Quốc bị tiêu tán tài sản, kiệt quệ dòng vốn tích lũy đầu tư. Về lâu dài, đây là đòn đánh thẳng vào dạ dày của nền kinh tế này.

Thứ ba, biến cả thế giới phương Tây thành kẻ thù. Mỹ và phương Tây chính là các nền kinh tế đã đổ tiền vào Trung Quốc nhiều nhất, là “nguồn máu” tạo nên sự thịnh vượng của nền kinh tế này trong 40 năm qua. Nhưng ông Tập Cận Bình đã cảm thấy Trung Quốc đủ mạnh đến mức thay đổi chiến lược ngoại giao, từ “giấu mình chờ thời” sang “ngoại giao sói chiến”. Tất cả khiến cả thế giới phải giật mình nhìn lại Trung Quốc, lặng lẽ rời khỏi thị trường 1,4 tỷ dân. Cùng với sự lạnh đi của quan hệ ngoại giao, các tội ác của chế độ này vốn luôn được Mỹ và phương Tây ‘im lặng’ giúp thì nay không còn nữa; tội ác diệt chủng lạnh người thiểu số và có đức tin của Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, người tu luyện Pháp Luân Công đang bị thế giới thừa nhận và công bố. Sức ép này càng buộc Trung Quốc phải chuyển sang chiến lược “hướng vào trong”, từ bỏ chủ nghĩa toàn cầu.. Tất cả chỉ để che giấu tội ác và bảo vệ sự tồn vong của ĐCSTQ.

Với ba lý do trên, trong cả ngắn và dài hạn, cả ông Lý và ông Tập, không một ai trong số này, có thể vãn hồi nổi một nền kinh tế đang đổ vỡ về cấu trúc, đang mất đi động lực tăng trưởng trong dài hạn, đang khủng hoảng niềm tin trong nội bộ cũng như với các nhà đầu tư quốc tế.

Nhưng tại sao ông Lý lại ra mặt lúc này? Một nhà báo người Hong Kong đã chỉ ra rằng, trong nhiều năm, Lý Khắc Cường không dám đứng ra cứu kinh tế, vì cấp cao trong ĐCSTQ không cho phép. Ông ấy đã nhiều năm kêu “sáu ổn, sáu đảm”, miệng khô môi cháy mà chẳng ai thèm để ý đến, bây giờ để ông ấy tổ chức, lãnh đạo một Hội nghị cán bộ 100.000 về “ổn định kinh tế”; đó chắc chắn là một hành vi được ủy quyền, được cho phép bởi ban lãnh đạo cấp cao nhất.

Vì sao giới lãnh đạo cấp cao đứng sau hậu trường của ĐCSTQ không muốn trao quyền cho ông Lý sớm hơn? Bởi vì trao quyền cho Lý Khắc Cường tương đương với việc giảm bớt quyền lực của ông Tập Cận Bình. Ông Tập Cận Bình là người kế nhiệm đã được quyết định bởi các trưởng lão chính trị ở hậu trường, và ông ta cũng có danh dự riêng, muốn cắt quyền lực của ông ta lúc này cần phải có sự đồng thuận ở cấp trên.

Sự thay đổi này liên quan quá nhiều và không dễ phối hợp, vì vậy nó kéo dài quá lâu cho đến khi ĐCSTQ phạm phải một sai lầm lớn. Một ai đó phải đứng ra, nếu làm tốt thì là do đảng sáng suốt chỉ đạo, nếu không tốt thì là do cá nhân ông ấy đã không hoàn thành, không làm tốt theo chỉ đạo của ĐCSTQ mà thôi.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới