Thursday, December 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiMột năm TP.HCM gồng mình chống dịch, những ký ức không thể...

Một năm TP.HCM gồng mình chống dịch, những ký ức không thể quên

Cách đây tròn 1 năm, đúng 0h ngày 31/5, TP.HCM lần đầu tiên áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 trên toàn thành phố khi số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao. Sau đó là liên tiếp các đợt giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, 16 kéo dài.

Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng (giữa) cùng Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (trái) và Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trong ngày phong tỏa bệnh viện sau khi phát hiện chùm ca Covid-19 từ nhân viên y tế bệnh viện.

Đó là những ký ức không thể quên đối với mỗi người dân, đặc biệt với người đứng đầu ngành y tế thành phố.

“Cả thành phố hoang mang, lo lắng”

Biến chủng Delta được phát hiện tại TP.HCM vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021 từ những ca chỉ điểm đầu tiên ở quận 7, sau đó là chùm ca nhiễm ở điểm truyền giáo Phục Hưng và bắt đầu lan rộng ra các địa phương khác trên địa bàn thành phố. Có lẽ, ít ai có thể nghĩ rằng, từ đây TP.HCM bước vào giai đoạn vô cùng khó khăn, chưa có tiền lệ trong quá trình phát triển, để lại những hậu quả vô cùng to lớn, thậm chí đau thương, với hơn 20.300 trường hợp tử vong.

Những ngày cuối tháng 4/2021, khi hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang còn đang là ổ dịch của cả nước, TP.HCM ghi nhận ca nhiễm Covid-19 biến chủng Delta đầu tiên ở quận Bình Tân. Hơn nửa tháng sau, ngày 18/5, thành phố tiếp tục phát hiện hai ca mắc trong cộng đồng tại quận 7 và TP.Thủ Đức.

Tối 26/5, tòa nhà văn phòng trên đường Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận bất ngờ bị phong tỏa. Cùng thời điểm ấy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM tiếp tục thông tin về hai ca dương tính khác tại phường Thạnh Lộc, quận 12. Điều tra dịch tễ cho thấy, những ca mắc này đều sinh hoạt chung tại điểm nhóm Truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp).

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhớ lại, ngày lịch sử mà TP nhớ mãi là ngày 27/5, một bệnh viện đầu ngành của TP báo về Sở Y tế có 3 trường hợp Covid-19 trong bệnh viện. Một thông tin gây bàng hoàng cả Sở Y tế, kể cả lãnh đạo thành phố.

“Từ 800 ca/tuần vào tháng 6, sau đó tăng lên 32.000 ca/tuần, xác định chủng gây bệnh chính là biến thể Delta. Số ca tử vong cao nhất vào ngày 23/8 với 340 ca. TP.HCM quá tải hệ thống y tế và hệ thống cấp cứu. Xe cứu thương chạy lòng vòng từ bệnh viện này đến bệnh viện khác. Tâm lý xã hội bất an”, ông Thượng chia sẻ.

Cùng với đó là các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức, trạm y tế lưu động… được thành lập liên tiếp. Tính đến ngày 17/8/2021, thành phố đã thành lập 25 bệnh viện dã chiến (với tổng quy mô lên 39.398 giường) và chuyển công năng 54 bệnh viện (với 15.261 giường).

Trong vòng 1 tháng sau đó, thành phố tiếp tục thành lập thêm các bệnh viện dã chiến và đầu tư khẩn cấp bổ sung thêm nguồn oxy cho các bệnh viện (từ hơn 2.000 giường oxy đã tăng lên 13.000 giường oxy). Tổng cộng, thành phố đã thành lập 32 bệnh viện dã chiến (42.798 giường) và chuyển công năng 64 bệnh viện (17.062 giường).

Có thể nói, từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9, cả thành phố đã trải qua những ngày hết sức khó khăn do đỉnh điểm của dịch bệnh kéo dài suốt hơn 2 tháng.

Ngày 1/10, sau hàng loạt biện pháp kiểm soát dịch của chính phủ, dịch bệnh Covid-19 đi xuống, nhưng sau đó lại tăng trở lại, số tử vong tăng theo. Từ sau Tết Nguyên đán 2022, dịch bệnh ổn định, nhưng lại tăng vọt do biến thể Omicron, gần như nhà nào cũng có người mắc.

Những giải pháp kiểm soát dịch được thực hiện, đó là sử dụng thí điểm thuốc kháng virus Molnupiravir vào cuối tháng 8/2021. Đến đầu tháng 10/2021, có 70% dân số TP.HCM được tiêm vaccine Covid-19.

“Có tiêm chủng, có thuốc nhưng tại sao sau 1/10 số mắc và tử vong vẫn gia tăng, mặc dù cũng là chủng Delta? Cả thành phố hoang mang, lo lắng”, PGS.TS Tăng Chí Thượng trăn trở.

Áp dụng nguyên lý quản lý nguy cơ

Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, câu hỏi đặt ra là có thể áp dụng nguyên lý quản lý nguy cơ để giảm tử vong hay không? Theo ông, nguyên lý rất đơn giản, xác định có nguy cơ, đánh giá nguy cơ, đưa ra biện pháp và lượng giá hiệu quả.

Theo đó, mỗi ngày TP.HCM phân tích và đã xác định được người nguy cơ tử vong. Kết quả cho thấy, tử vong tập trung vào nhóm người trên 50 tuổi, đặc biệt trên 65 tuổi; người có bệnh nền hơn 90% tử vong; số tử vong chưa tiêm vaccine chiếm 50%. Từ đó, ưu tiên nhóm trên 65 tuổi và người có bệnh nền. Bên cạnh đó, tập trung đánh giá những người chưa tiêm vaccine Covid-19, người chậm phát hiện ra bệnh (mắc bệnh mà không biết)

Sau đó, TP.HCM triển khai trên toàn thành phố chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ bằng các giải pháp: Giảm nguy cơ lây nhiễm trên người cao tuổi, người có bệnh nền, tiêm vaccine; hạn chế tối đa tiếp xúc F0 trong gia đình; phát hiện và điều trị sớm bằng test nhanh định kỳ; kiểm soát các yếu tố nguy cơ.

Cụ thể là lên danh sách người thuộc nhóm nguy cơ trên từng địa bàn phường, xã; cho xét nghiệm hàng loạt phát hiện F0 điều trị bằng thuốc kháng virus; phát hiện người chưa tiêm vaccine thì tiêm ngay, tiêm tại nhà; tổ chức tư vấn từ xa.

“Đã có rất nhiều gia đình từ chối tiêm vaccine cho người thuộc nhóm nguy cơ, phải thuyết phục nhiều lần, thậm chí phải triển khai đến nhà để tiêm”, PGS.TS Tăng Chí Thượng chia sẻ.

PGS.TS Tăng Chí Thượng cho biết sau khi triển khai các biện pháp, đánh giá kết quả, thấy rõ nhất là tử vong giảm hẳn, hơn 1 tháng nay, TP không có ca tử vong. Đợt cao điểm thứ nhất vào ngày 6/9/2021 có 154.000 ca mắc và 1.058 ca thở máy xâm lấn. Đợt cao điểm thứ hai vào ngày 8/12/2021 có 84.643 ca mắc và 455 ca thở máy xâm lấn. Đợt cao điểm thứ ba vào ngày 13/3/2022 có 108.30 ca mắc nhưng chỉ có 80 ca thở máy xâm lấn. Điều này cho thấy việc áp dụng nguyên lý quản lý nguy cơ đã cải thiện ca nặng và giảm tử vong.

“TP chủ động phát hiện 637.000 người thuộc nhóm nguy cơ, 25.333 người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm vaccine (đã tiêm được 13.874 người) và phát hiện 5.402 người mắc Covid-19 mà không biết, đưa vào điều trị sớm”, ông Thượng thông tin.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế chiều 31/5, TP.HCM chỉ có 32 ca mắc mới. Toàn quốc đã có gần 9,5 triệu ca được chữa khỏi. Hiện toàn quốc chỉ còn 150 bệnh nhân đang thở oxy, trong đó 24 ca thở máy xâm lấn, 6 ca ECMO, chỉ có 1 ca tử vong tại Bình Dương.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới