Quý vị hãy thử hình dung xem, nếu Trung Quốc trở thành một quốc gia dân chủ thì sẽ mang đến những cơ hội nào cho Hoa Kỳ và các nước đồng minh?
Khi Trung Quốc là một nền dân chủ
Giả như Trung Quốc là một nền dân chủ, đó có lẽ là một nền dân chủ nghị viện, đa đảng với đặc trưng là sự ‘phân hoá’ đảng phái chính trị: phe cánh tả, trung lập và cánh hữu. Đương nhiên, lúc đó các quốc gia phương Tây sẽ công nhận tính hợp pháp của hệ thống chính trị nước này, là đại diện hợp pháp của người dân Trung Quốc. Một Trung Quốc dân chủ sẽ có hồ sơ nhân quyền tốt đẹp, không những đối với toàn bộ nhân dân Trung Quốc mà còn với cả các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số.
Vậy làm sao để một Trung Quốc thời hậu cộng sản trở thành một nền dân chủ? Quá trình chuyển đổi này không chắc sẽ khiến cho hệ thống dân chủ ổn định ngay lập tức. Nhiều khả năng, nó sẽ phải ‘kinh qua’ chủ nghĩa độc tài, một tiền lệ từng xảy ra ở Trung Âu và Đông Âu sau khi Khối Liên Xô sụp đổ.
Slovakia dưới thời ông Vladimir Meciar, cũng là lãnh đạo của Đảng Nhân dân – Phong trào vì một Slovakia Dân chủ là một ví dụ. Quá trình chuyển đổi sang dân chủ bị ngăn cản bởi sự cai trị độc tài, trước khi chịu sức ép của Liên minh Châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Sự ổn định ngày càng tăng giữa các đảng dân chủ đã cho phép nước này chuyển đổi sang dân chủ.
Một thất bại đáng kể nhất là việc Nga chuyển đổi từ chủ nghĩa cộng sản sang “liệu pháp đột ngột” của những năm 1990. Tiếp đến là sự kết thúc hoàn toàn nền dân chủ non trẻ ở nhiệm kỳ thứ hai của [cựu tổng thống] Boris Yeltsin rồi mới đến kỷ nguyên của ông Vladimir Putin. Quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ vừa thất bại, vừa khó khăn của Nga là một hồi chuông cảnh báo, đặc biệt đối với những cường quốc.
Do những khó khăn của quá trình chuyển đổi kể trên, cộng với tàn dư và truyền thống chính trị của Trung Quốc khiến cho kết quả chuyển đổi của nước này sẽ có đôi chút ‘khác biệt’. Nó chuyển đổi sang nền dân chủ nhưng trên thực tế, đó dường như là một nền chuyên chế. Quá trình chuyển đổi sang dân chủ sẽ hiệu quả hơn nếu được chia ra làm nhiều giai đoạn, như ở Đài Loan. Đài Loan chuyển đổi từ chế độ độc tài dưới thời Tưởng Giới Thạch và con trai ông – Tưởng Kinh Quốc, sang ông Lý Đăng Huy và những người kế nhiệm. Quá trình chuyển đổi này theo từng bước.
Những rủi ro của quá trình chuyển đổi là rất đáng kể. Tuy nhiên, một Trung Quốc dân chủ sẽ tạo ra những cơ hội cho Hoa Kỳ trong việc cải thiện mạnh mẽ mối quan hệ với Bắc Kinh. Do đó, bảo đảm rằng căng thẳng an ninh Mỹ-Trung sẽ dịu xuống đáng kể.
Trung Quốc sẽ diễn giải nền dân chủ như thế nào?
Giả sử Trung Quốc là nền dân chủ, thì cách diễn giải nền dân chủ của họ sẽ khác biệt với phương Tây và thậm chí khác với Đài Loan ở hai khía cạnh.
Thứ nhất, nền dân chủ Trung Quốc sẽ bao gồm chủ nghĩa Đại Hán mạnh mẽ bao trùm các đảng phái chính trị. Biểu hiện cụ thể là: những lời kêu gọi chủ nghĩa dân tộc, các tuyên bố về lãnh thổ, những câu chuyện kể về sự vượt trội của dân tộc Hán so với tất cả các dân tộc khác – bất kể đó là dân tộc thiểu số ở Trung Quốc hay với các nhóm dân số khác trên thế giới. Điều này cũng sẽ liên quan đến yếu tố chủng tộc mạnh mẽ.
Thứ hai, một Trung Quốc dân chủ sẽ không chịu lệ thuộc vào cái khung ‘định nghĩa dân chủ’ của phương Tây về cách thức hoạt động, các tiêu chuẩn mà các nền dân chủ khác cũng như các nhân vật quốc tế có thể phán xét hay đánh giá. Thay vì là một sinh viên, Trung Quốc dân chủ sẽ tìm cách trở thành một giáo sư, tìm cách dẫn dắt thế giới, gồm cả các quốc gia phương Tây và ‘điều chỉnh’ hệ tư tưởng dân chủ. Việc Trung Quốc cần phải duy trì vị thế dẫn đầu là cố hữu trong thế giới quan của người Hán, họ cũng sẽ luôn duy trì vị thế đó trên bản đồ thế giới.
Cả hai khác biệt trên đều sẽ là nguồn cơn gây ra xung đột trong mối quan hệ Mỹ-Trung.
Một thế giới ổn định hơn
Bất chấp những khó khăn không thể tránh khỏi, một chính thể dân chủ sẽ cho phép Trung Quốc chia sẻ nhiều lợi ích chung với Hoa Kỳ hơn. Bởi lẽ cả hai quốc gia đều có chung hệ tư tưởng chính trị. Mâu thuẫn về ý thức hệ là yếu tố chính thúc đẩy cuộc cạnh tranh an ninh Mỹ-Trung. Đương nhiên, khi không còn mâu thuẫn nữa thì tình trạng căng thẳng này cũng sẽ lắng dịu đi, giống như với các quốc gia khác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Một Trung Quốc dân chủ sẽ là ứng cử viên tiềm năng góp mặt trong cấu trúc an ninh tương lai, bao gồm các thành viên Đối thoại An ninh Bộ Tứ hiện tại: Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Hơn nữa, một Trung Quốc dân chủ cũng sẽ mở ra con đường hòa bình một cách khả thi để thống nhất với Đài Loan. Vì cả hai đều là nền dân chủ và có thể đi theo cách làm của Đông Đức-Tây Đức trong việc thống nhất và hội nhập về chính trị. Tuy nhiên, sự thống nhất này sẽ khác xa với mô hình giữa hai miền nước Đức.
Trong một Trung Quốc dân chủ, chủ nghĩa Đại Hán sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy sự thống nhất theo các điều khoản của đại lục. Ngược lại, di sản của các dân tộc bản xứ và sự phát triển về chính trị của Đài Loan kể từ năm 1949 sẽ là một ‘phản lực’ trong công cuộc thống nhất. Ngay cả dưới sự bảo trợ dân chủ của Bắc Kinh và Đài Bắc, sự thống nhất này sẽ vấp phải những khó khăn đáng kể. Bởi vì, Bắc Kinh không nên đánh giá thấp sức phản kháng của hòn đảo này.
Cuối cùng, mặc dù các tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc sẽ vẫn còn đó với Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia ASEAN ở Biển Đông, nhưng một Trung Quốc dân chủ sẽ đưa ra các biện pháp thay thế để giải quyết những vấn đề phức tạp này. Tuy nhiên, các tranh chấp lãnh thổ thường leo thang khi chủ nghĩa dân tộc bị tác động trực tiếp.
Để duy trì sự ổn định ở Biển Đông, Hoa Kỳ sẽ phải duy trì sự hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chắc chắn sẽ gây ra căng thẳng với một Trung Quốc dân chủ.
Một Trung Quốc dân chủ sẽ trả tự do cho người dân Trung Quốc và thế giới. Hệ tư tưởng của chế độ Trung Quốc hiện nay bảo đảm rằng sự đối đầu với Hoa Kỳ và các nước đồng minh sẽ tiếp tục leo thang. Một Trung Quốc dân chủ cho phép thế giới có cơ hội tránh được cuộc đại xung đột, ngay cả khi các yếu tố gây căng thẳng không được loại bỏ hoàn toàn. Các tiếng nói quan trọng trong chính phủ cựu Tổng thống Trump đã nhận ra điều này. Chính phủ Tổng thống Biden thì không, nên chắc chắn rằng hệ tư tưởng dân chủ sẽ không được sử dụng trong cuộc chiến chống lại ĐCS Trung Quốc để làm suy yếu tính hợp pháp của nó.
Còn Trung Quốc thực tại như thế nào? Một Trung Quốc được trang bị công nghệ giám sát khắp mọi nơi, phong toả do đại dịch COVID-19, chính trị hóa các phương tiện truyền thông xã hội, đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền “thông tin sai lệch”, thiếu những tiếng nói phơi bày tội ác diệt chủng ở Tân Cương và là một ‘tấm gương sáng chói’ về hồ sơ vi phạm nhân quyền.
Do đó, Hoa Kỳ cần duy trì bền vững nền dân chủ tự do của mình và làm suy yếu ĐCS Trung Quốc. Có như vậy thì Trung Quốc mới có khả năng tiến tới một hệ thống chính trị dân chủ.
T.P