Sunday, November 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội8 điểm nghẽn của thị trường bất động sản Việt Nam

8 điểm nghẽn của thị trường bất động sản Việt Nam

Phát biểu tại Đại hội Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sáng 9/6, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV đã nêu 8 điểm nghẽn của thị trường bất động sản Việt Nam. Không tháo gỡ những điểm nghẽn này thì thị trường khó phát triển bền vững, lành mạnh.

TS Cấn Văn Lực.

Theo TS Cấn Văn Lực, hiện hệ thống pháp luật về thị trường bất động sản chưa đồng bộ, rõ ràng và còn phức tạp, sửa đổi không kịp thời, như quy định về condotel (căn hộ và khách sạn), officetel (văn phòng và khách sạn) đã nhắc đến 5 năm rồi nhưng đến này chưa có gì cả.

Thứ hai, chính sách về phát triển thị trường bất động sản chưa phù hợp, đặc biệt là tính công khai, minh bạch của thị trường rất thiếu và yếu. Nếu thông tin còn mù mờ thì thị trường không thể phát triển lành mạnh, công tác quản lý cũng gặp khó khăn.

Thứ ba, công tác quy hoạch cần chú trọng hơn, nhất là tại những khu đô thị mới.

Thứ tư là tài chính bất động sản, bao gồm thuế, phí, các kênh dẫn vốn khác nhau còn bất cập. Như chính sách thuế, đề xuất đánh thuế từ bất động sản thứ hai bàn cãi rất nhiều nhưng cũng chưa có phương án, lộ trình thực hiện khả thi.

Thứ năm là năng lực, tư duy của các chủ thể tham gia thị trường, tính bài bản, chuyên nghiệp, dài hơi còn có vấn đề.

Thứ sáu, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đặc biệt là đất đai vô cùng phức tạp, cần có giải pháp để khơi thông những điểm nghẽn này trong thời gian tới.

Thứ bảy, những thị trường hỗ trợ thị trường bất động sản cũng phát triển chưa tốt, như thị trường tài chính, lao động, vật liệu xây dựng.

Thứ tám là thông tin dữ liệu, chuyển đổi số trong ngành bất động sản còn chậm so với các ngành khác.

TS Cấn Văn Lực cho rằng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cần có tiếng nói chất lượng và kịp thời hơn để đảm bảo quyền lợi cho hội viên.

Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho rằng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cần bám sát Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 được Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 của Chính phủ, Chương trình hành động và nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Xây dựng để xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động của Hiệp hội phù hợp với tình hình thực tiễn, cụ thể: Góp ý về giải pháp phát triển đô thị gắn với sự vận hành và phát triển minh bạch của thị trường bất động sản, nhất là các đô thị vệ tinh của một số đô thị lớn; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước nâng cao chất lượng phát triển đô thị cả về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của người dân.

Góp ý về giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; phát triển đô thị có tầm nhìn dài hạn; hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; xây dựng các đô thị theo hướng đô thị xanh, văn minh, ứng phó biến đổi khí hậu…

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới