Thursday, November 7, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNgộp thở với "rừng cao ốc"

Ngộp thở với “rừng cao ốc”

Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều tồn tại, thậm chí vi phạm nghiêm trọng pháp luật, làm trái quy hoạch của Thủ tướng khi thanh tra tại TP Hà Nội.

Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn vừa ký ban hành Kết luận số 39 thanh tra Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP Hà Nội, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội và hàng loạt chủ đầu tư dự án có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch và quản lý xây dựng khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính. Đây là tuyến đường rất “nóng” ở TP Hà Nội hiện nay, bởi mật độ cao ốc dày đặc khiến người dân luôn sống trong tình trạng đường tắc nghẽn trong giờ cao điểm.

Nhiều vi phạm, sai sót

Theo kết luận vừa được ban hành, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, sai sót, tồn tại trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch tại một loạt dự án dọc tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính.

Qua kiểm tra, rà soát, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ có nhiều nội dung về chỉ tiêu hạ tầng xã hội, cây xanh dọc tuyến đường này vi phạm quy chuẩn xây dựng. Rất nhiều dự án không đáp ứng được các chỉ tiêu hạ tầng xã hội, cây xanh và không tuân thủ quy định tại điều 3 của Quyết định 130 ngày 23-1-2015 của Thủ tướng.

Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng cũng nêu rõ UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội điều chỉnh quy hoạch sai quy định của pháp luật. Quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu đã cơ bản nghiên cứu tính toán sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Song khi thực hiện triển khai quy hoạch lại theo đề xuất của chủ đầu tư, nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án thiết kế rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án theo xu hướng: chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, diện tích sàn (có dự án điều chỉnh 5 lần, nhiều dự án chuyển chức năng từ văn phòng, từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng – dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán), có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng.

“Việc điều chỉnh sai quy định dẫn đến tình trạng tăng dân số, chỉ tiêu quy hoạch không bảo đảm Quy chuẩn xây dựng Việt Nam đối với từng dự án, từng ô quy hoạch, từng khu quy hoạch và đô thị; thiếu đất dành cho giáo dục, trường học, thiếu diện tích cây xanh, các công trình phục vụ không bảo đảm bán kính phục vụ” – Thanh tra Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Về quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, chấp thuận, điều chỉnh tổng mặt bằng, phương án thiết kế, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra việc lập, thẩm định, phê duyệt đồ án đã vi phạm khi chỉ tiêu quy hoạch tại đồ án phê duyệt sau không phù hợp đồ án đã phê duyệt trước; đồ án có tỉ lệ nhỏ hơn không phù hợp với đồ án tỉ lệ lớn hơn mà không thuyết minh về sự sai khác, không tính toán sự đáp ứng về kỹ thuật, hạ tầng xã hội…

Phải làm rõ trách nhiệm

Về mặt pháp lý, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội – Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ rõ các vi phạm, sai sót kéo dài từ lâu và có hệ thống, thể hiện việc làm trái các quy định của Thủ tướng, “xé nát” một trong những tuyến đường giao thông huyết mạch của Hà Nội.

Dù những sai phạm này đã rất rõ nhưng vẫn không được xử lý kịp thời. Rõ ràng, các cá nhân gây ra sai phạm đã đặt lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm lên trên lợi ích của cộng đồng, xã hội, bất chấp quy định của Thủ tướng. Những công trình xây dựng sai quy hoạch thường có xu hướng tăng tối đa lợi ích của nhà đầu tư nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân.

“Liệu có hay không yếu tố ưu ái “sân sau”, cố ý bao che cho hành vi sai phạm? Các cơ quan chức năng cần phải xác minh, điều tra nhằm xử lý vi phạm, tránh tình trạng “sân trước, sân sau” cộng sinh thực hiện hành vi tham nhũng, nhận hối lộ. Những vi phạm trắng trợn của các cơ quan đã dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng và khó có thể khắc phục ngay được. Để góp phần khắc phục hậu quả, cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức nhằm có cơ sở xử lý các vi phạm một cách nghiêm minh, kịp thời.

Các cơ quan chức năng cần xác định có hay không hành vi tham nhũng, nhận hối lộ giữa các cán bộ và chủ đầu tư để đưa ra mức xử lý phù hợp. Đối với những người đứng đầu, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, kiểm soát cần xử lý theo hướng tăng nặng, tăng mức chế tài để răn đe.

Thay vì áp dụng hình thức kiểm điểm như Thanh tra Bộ Xây dựng đề xuất, cần mạnh tay áp dụng các chế tài hình sự để không những xử lý các hành vi của cá nhân vi phạm mà còn răn đe, giáo dục, tuyên truyền đối với các địa phương khác để lập lại kỷ cương, thực thi theo chủ trương, đường lối của Đảng” – luật sư Trần Xuân Tiền nêu vấn đề.

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ đều có những quy định, luật pháp của thời kỳ đó, không thể dùng luật mới để áp vào thời kỳ cũ. “Tôi được biết hiện các sở, ngành của Hà Nội đang chuẩn bị để phản hồi, giải thích lại kết quả của Thanh tra Bộ Xây dựng. Đề nghị là phải khách quan, thấy rõ được những tồn tại, hạn chế trong các bộ luật hiện nay cũng như của các thời kỳ trước. Về kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, phải lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức khác để khách quan hơn” – ông Nghiêm nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới