Trước khi xung đột Nga – Ukraine diễn ra, cụm từ “khủng hoảng lương thực” chỉ thường được nhắc tới ở thì tương lai. Nhưng bây giờ, tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu đã trở thành tâm điểm của mọi quốc gia. Nó đến quá nhanh và còn là một trong những yếu tố mà khiến các tổ chức quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới World Bank (WB) nhận định sẽ đẩy nhiều nước rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng.
Trong bối cảnh như trên, Việt Nam đã được nhắc tới nhiều hơn. Là nước xuất khẩu lớn về lương thực, lại có mối quan hệ tốt đẹp với mọi quốc gia, cho nên lợi ích về mặt kinh tế dường như đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, vẫn còn một lợi ích to lớn hơn nữa nếu chúng ta nhìn ở một góc độ khác, bởi tâm điểm sắp tới sẽ là căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan. Dù chưa có dấu hiệu gì rõ ràng nhưng nó đã làm cho tâm lý bất an ngày một dâng cao. Từ đây, nhu cầu tích trữ lương thực của các quốc gia sẽ tăng rất mạnh, họ không chỉ có nhu cầu mua để dùng, mà sẽ còn mua để tích trữ, phòng ngừa những rủi ro.
Và trong đó, các nước đang thiếu tự chủ về lương thực như Singapore hay Trung Quốc sẽ là những nơi có sức mua rất mạnh sắp tới. Và cũng từ đây, chúng ta cũng xác định được rằng, nhu cầu về các loại lương thực sẽ tăng mạnh trong một thời gian rất dài, không phải một cú tăng rồi nhanh chóng hạ nhiệt sau một sớm một chiều. Các loại lương thực gồm lúa gạo, ngô, khoai, sắn… sắp tới sẽ có ý nghĩa rất rất quan trọng sự sống còn của rất nhiều quốc gia.
Hiện nay, những nước được cho sẽ gánh vác nhiệm vụ cung ứng nguyên liệu cho thế giới là Ấn Độ, Brazil, Argentina, thì đều đã có những động thái hạn chế xuất khẩu. Hành động của họ đều có lý, bởi vì an ninh quốc gia nên phải đặt trên hết. Nhưng chủ nghĩa bảo hộ lương thực trỗi dậy đúng trong giai đoạn này lại sẽ đẩy chi phí tiếp tục lên cao, tổn hại sức mua của người tiêu dùng và đẩy ngân hàng trung ương của các nước vào thế khó khi vừa phải kiềm chế lạm phát, vừa phải duy trì tăng trưởng.
Một tin mừng vừa qua Việt Nam đã được bầu làm làm Phó chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Việt Nam sẽ đại diện cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đảm nhiệm vị trí này trong vòng một năm. Giữ chiếc ghế quan trọng, Việt Nam sẽ có quyền thảo luận và đưa ra kiến nghị về các vấn đề thuộc phạm vi Hiến chương hoặc bất kỳ vấn đề nào thuộc thẩm quyền của các cơ quan của Liên Hiệp Quốc, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn cầu. Và nếu sau đó, Việt Nam lên tiếng sẽ thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh nhiều nước đề cao chủ nghĩa bảo hộ lương thực thì tin chắc vị thế Việt Nam sẽ được nâng cao hơn.
Một khi được các nước công nhận là có những đóng quan trọng cho thế giới tại Liên Hiệp Quốc thì Việt Nam sẽ trở thành cửa ngõ để ASEAN vươn mình mạnh mẽ ra thế giới. Lấy xa đánh gần, lấy lớn chế nhỏ, thì tiếng nói Việt Nam ngày càng có trọng lượng trong khối ASEAN. Và Việt Nam không thể bỏ qua cơ hội trăm năm có một này, vì bên cạnh lợi ích kinh tế, thì đây cũng là bước đệm để chúng ta xây dựng một quyền lực mềm, củng cố tiếng nói của mình trên trường quốc tế.
Việt Nam sẽ không đi vào “vết xe đổ” của Trung Quốc
Tại Trung Quốc, trong suốt những năm công nghiệp hóa, bao nhiêu ngân sách là bấy nhiêu đổ vào các đô thị xa hoa rộng lớn. Các hạ tầng về giáo dục, y tế, dịch vụ công, … ở nông thôn hầu như bị bỏ xó trong nhiều năm, đổi lấy sự ưu tiên đầu tư vào các thành thị.
Trung Quốc không chỉ thiếu người làm nông, mà còn thiếu luôn cả đất. Diện tích đất canh tác nông nghiệp của Trung Quốc chỉ còn lại 13% tổng diện tích của toàn quốc vì tốc độ đô thị hóa quá cao cộng thêm việc khai thác khoáng sản gây ô nhiễm nặng nề. Phải đến năm 2017 trở đi, Bắc Kinh mới phát động một chiến dịch cải cách mang tên ” Chấn hưng nông thôn”. Mục tiêu là thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa nông thôn và thành thị cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều hơn vào nông thôn để giải quyết vấn nạn thiếu lương thực ngày càng nguy cấp ở nước này. Tóm lại, Trung Quốc có thể là công xưởng toàn cầu, nhưng không thể là bếp ăn của thế giới được như Việt Nam.
Và may mắn là ngành nông nghiệp Việt Nam đã không bị bỏ lại phía sau. Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII đã nhấn mạnh, phát triển Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của vùng và các địa phương trong vùng. Cách đây một tuần, hơn 300 nông dân từ khắp mọi miền Tổ quốc cũng đã tụ họp về Sơn La để trực tiếp đối thoại với Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính. Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, đã có hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp và các nhà khoa học được gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Việc lắng nghe người dân, lắng nghe nhịp đập của người làm nghề nông, đã cho thấy sự quan tâm rất lớn của Chính phủ Việt Nam.
Dù vậy, cần phải biết thực tế vẫn luôn có thách thức
Cơ hội và nền tảng đều đã có, nhưng thách thức với Việt Nam vẫn là rất lớn. Bởi hiện nay, khi đất phố đã hết thị phần, thì cò lái lại tìm về nông thôn. Đất rừng, đất núi đến đất nông nghiệp cũng chẳng tha. Đáng nói, cái hại của phân lô bán nền lại không nằm ở đất mà hại ở chỗ là nó gây tâm lý ỷ lại cho người nông dân. Cày mò cuốc bẫm 10 năm không bằng ngày bán lô đất. Nhân lực làm nông vốn chẳng dư thừa và còn có nguy cơ thiếu hụt, nếu để cơn đại dịch phân lô thổi giá lan đến đất nông nghiệp thì gốc rễ ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ lung lay nghiêm trọng. Đất nông nghiệp Việt Nam tuy nhiều, nhưng cũng bằng không nếu không được dùng đúng chỗ, vì thế ngành nông nghiệp rất cần sự can thiệp mạnh tay từ chính phủ.
Ngoài việc ban hành luật sử dụng đất đai chặt chẽ hơn thì chúng ta cũng cần có một kế hoạch quy hoạch đồng bộ. Thay vì để nông dân trồng tự phát, thì các cơ quan ban ngành cần có một kế hoạch đầu tư cụ thể, bao gồm định hướng, đưa các công nghệ mới vào trồng trọt, tìm kiếm thêm nguồn giống tốt, kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu, kể cả việc thay nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm cũng phải được thực hiện. Nhìn một cách tổng thể là chúng ta cần tạo ra một quy trình chặt chẽ để khai thác tối đa khả năng cung ứng của đất trồng. Từ đó tạo được thu nhập bền vững cho bà con, tránh để cái nghèo cái đói bủa vây nông thôn để rồi họ chẳng còn cách nào khác ngoài việc bán đất kiếm lời. Tới đây thì thách thức lớn nhất vẫn là làm sao để các địa phương thực hiện được đúng chủ trương mà Trung ương đề ra.
Một thách thức khác nữa là tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Ví dụ như ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Dù là trung tâm sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất Việt Nam nhưng hàng chục năm qua, việc thiếu thốn về hạ tầng giao thông khiến nơi đây vẫn là vùng trũng của cả nước. Hay vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ bao gồm 8 tỉnh, thành phố vốn chiếm tới gần 45% GDP, đóng góp gần 42% ngân sách quốc gia nhưng tới nay vẫn chưa được đầu tư cao tốc tương xứng, có dấu hiệu phát triển lệch pha so với cả nước. Nếu như cả nước hiện có 1.160 km cao tốc thì khu vực phía Nam chỉ có chưa đầy 100 km. Nên liệu tốc độ đầu tư công có đủ nhanh để giúp nền nông nghiệp Việt Nam bắt kịp được cơ hội đang hiện hữu ở trước mắt không? Vẫn cần chính phủ tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc trong việc giải ngân dòng vốn đầu tư công trên cả nước.
Cờ đến tay thì phải phất, nhưng phất sao thì vẫn cho trúng và đúng thì phải chờ vào kết quả sắp tới.
T.P