Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐối thoại Shangri-La: Phải tính tới đại cục

Đối thoại Shangri-La: Phải tính tới đại cục

Tối 10/6, Đối thoại Shangri-La (SLD)- Diễn đàn an ninh hàng đầu châu Á – đã khai mạc ở Singapore, sau hai năm tạm dừng vì đại dịch Covid-19. Nội dung chính của Diễn đàn là các vấn đề an ninh châu Á. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn của các nước lại là hai điểm nóng: cuộc chiến Nga-Ukraine và mối quan hệ căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ -Trung Quốc.

Khoảng 40 quốc gia được mời tham dự và phát biểu trong ba ngày họp tại Shangri-La. Dư luận thế giới chờ đợi ở SLD những nhận định, những giải pháp mới với tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn để Diễn đàn thật sự mang lại hiệu quả, giảm căng thẳng trong khu vực. Với tinh thần ấy, trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nói về “tầm nhìn” của Tokyo về an ninh quốc tế, chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời gian tới.

Theo đó, 5 trụ cột trong đối ngoại của nước này là: duy trì trật tự quốc tế mở và tự do dựa trên luật lệ; tăng cường an ninh của Nhật Bản, bao gồm củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ; thúc đẩy thế giới phi hạt nhân; tăng cường chức năng của LHQ, bao gồm cải cách HĐBA; thúc đẩy hợp tác quốc tế về an ninh kinh tế.

Thủ tướng Kishida lo ngại rằng, cuộc chiến Nga- Ukraine dễ trở thành “hiệu ứng” có thể xảy ra ở Đông Á. Cuộc chiến “điên rồ” ấy đã làm lung lay “nền tảng của trật tự quốc tế”, khiến thế giới đứng trước ngã ba đường. Cuộc chiến ở rìa phía đông châu Âu đã làm hàng chục nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Ông Kishida cam kết, Nhật Bản sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong việc chống lại bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.

Cũng trong ngày đầu diễn ra hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã họp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Điểm nóng mà hai bên trao đổi là vấn đề Đài Loan, và những căng thẳng trên Biển Đông. Bắc Kinh và Washington bất đồng trên nhiều hồ sơ, từ chiến tranh Ukraine cho đến tự do hàng hải ở Biển Đông.

Ông Ngụy vẫn một điệp khúc quen thuộc: Đài Loan là một phần của Trung Quốc, kêu gọi Bộ trưởng Austin không “lợi dụng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc”. Chúng tôi sẽ đập tan bất cứ nỗ lực nào nhằm tìm độc lập cho Đài Loan”. Về phía Mỹ, một thông báo đưa ra sau cuộc gặp, Bộ trưởng Austin nêu rõ: Trung Quốc cần “kiềm chế không có thêm những hành động gây bất ổn về Đài Loan”. Đây vẫn là những lời kêu gọi mang tính đạo lý và chưa có giải pháp khả thi.

Hồi tháng 5, Tổng thống Joe Biden tuyên bố khả năng Mỹ sẽ can thiệp quân sự nếu Trung Quốc thâu tóm Đài Loan bằng vũ lực. Tuy vậy, Mỹ kiên định nguyên tắc một nước Trung Quốc, không ủng hộ Đài Bắc đòi độc lập.

Trong ngày đầu hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng đã làm việc với đồng cấp Hàn Quốc Lee Jong Sup. Nội dung hai bên trao đổi là, vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên; khả năng Bình Nhưỡng tiếp tục thử vũ khí nguyên tử; Hàn Quốc muốn khởi động lại kế hoạch lắp đặt hệ thống phòng thủ THAAD của Mỹ.

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sẽ trình bày “tầm nhìn của Bắc Kinh về khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương”. Đây sẽ là một tham luận được chú ý vì Trung Quốc liên tục gây mất an ninh trong khu vực, gây căng thẳng trên Biển Đông.

Mặc dù cả Mỹ và Trung Quốc đều tuyên bố, muốn mối quan hệ của hai nước trở nên tốt đẹp hơn, thế nhưng rất khó, bởi sự phân cực trong một số vấn đề an ninh, từ vấn đề Đài Loan đến hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương và cuộc chiến Nga – Ukraine đã qua mốc 100 ngày, lối thoát vẫn còn mờ mịt.

Mới qua một ngày diễn ra Diễn đàn quan trọng của Châu Á bàn về vấn đề an ninh, về hợp tác và phát triển đã có thể “nghe nhạc hiệu, đoán chương trình”. Rằng tuy có khoảng 40 đoàn tham gia, nhưng tiếng nói quan trọng nhất của các “ông lớn” thì đã rõ. Tiếp theo sẽ là những phát biểu hô hào quyết tâm, góp thêm những giai điệu mờ nhạt. Các cuộc gặp song phương giữa các Bộ trưởng rồi cũng sẽ khó tìm ra vấn đề gì mới hơn.

Muốn giải quyết cái nhỏ phải tính tới cái lớn, cái đại cục. Ở đây là âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Là một nước lớn nhưng bị che chắn ở phía Đông bởi Nhật Bản, Hàn Quốc, kể cả “đứa con” cứng đầu Đài Loan là những đồng minh hoặc là nước nằm dưới ô bảo hộ của Mỹ. Do đó, Trung Quốc khó lòng tiến xa về phía Đông. Hướng Nam ở khu vực Biển Đông trở thành hướng bành trướng trên biển quan trọng nhất hiện nay của Trung Quốc.

Nói như thế để thấy, có bàn giải pháp này kia cũng chỉ là thay những tấm áo. Trong việc cải tổ, nâng cao vị thế và chất lượng hoạt động của các tổ chức đa phương quốc tế, quốc gia nào cũng nói phải chân thành, cởi mở, tin cậy. Nhưng những mục tiêu riêng mà các bên theo đuổi thì không thể xa rời lợi ích quốc gia dân tộc. Cho nên, hi vọng về một khu vực ổn định, không có leo thang căng thẳng trước hết vẫn phụ thuộc vào thái độ của các nước lớn, ở đây là Mỹ, Nga, Trung Quốc… Còn nếu theo nếp cũ thì các Diễn đàn, Hội nghị chỉ là dịp cho các quan chức… đi du lịch.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới