Để chuẩn bị cho các Hội nghị cấp cao ASEAN và cấp cao Đông Á vào tháng 11 tới đây, ngay từ bây giờ Trung Quốc triển khai mạnh mẽ công tác vận động lôi kéo các nước trên vấn đề Biển Đông mà hướng nhắm tới trước hết là các nước ven Biển Đông trong ASEAN. Từ ngày 9/8-13/8 ông Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Trung Quốc đã có chuyến công du đến 3 nước ven Biển Đông trong ASEAN là Indonesia, Malaysia và Brunei.
Nhiều chuyên gia cho rằng mục tiêu chuyến công du của ông Dương Khiết Trì là để lôi kéo các nước này trong vấn đề Biển Đông. Chúng ta hãy phân tích những động thái xung quanh vấn đề Biển Đông trong thời gian qua để tìm ra câu trả lời cho sự đánh giá nói trên.
Cộng đồng quốc tế đều biết rất rõ nguyên nhân của việc Hội nghị AMM 45 không ra được Tuyên bố chung là do Trung Quốc dùng vấn đề tài chính mua chuộc nước chủ nhà; không cưỡng nổi trước sự lôi kéo của Trung Quốc, Campuchia đã bán đứng lợi ích chung của các nước ASEAN. Sau Hội nghị AMM 45, các nước đều tỏ bày tỏ thái độ bất bình với cách hành xử của nước chủ nhà Campuchia và lên án việc làm khuất tất này của Bắc Kinh. Trong bối cảnh đó, do lo ngại trước hành động lấn lướt của Trung Quốc gây căng thẳng kéo dài ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến hòa bình ổn định ở khu vực và nhằm duy trì sự đoàn kết nhất trí trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông, ngay sau khi các Hội nghị ở Phnompenh kết thúc, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã tiến hành các hoạt động ngoại giao con thoi đến Philippin, Việt Nam và Campuchia để thúc đẩy ra một Tuyên bố riêng của ASEAN về vấn đề Biển Đông. Với những hoạt động tích cực của vị Ngoại trưởng này, cuối cùng các nước ASEAN đã ra được tuyên bố 6 điểm khẳng định lại các nguyên tắc lớn trong giải quyết các vấn đề tranh chấp tại Biển Đông. Với kết quả đó, Indonesia đã thể hiện vai trò “xung kích”, “đầu tàu” trong ASEAN, kể cả trên vấn đề Biển Đông. Chính vì lẽ đó mà ông Dương Khiết Trì đã chọn Indonesia là nước đầu tiên viếng thăm trong chuyến công du 3 nước ven Biển Đông trong ASEAN. Nước thứ 2 trong chuyến đi của ông Dương Khiết Trì là Brunei, nước sẽ là Chủ tịch ASEAN trong năm 2013. Tiếp theo, ông Dương Khiết Trì đã đến Malaysia. Một trong những nội dung quan trọng được ông Dương Khiết Trì trao đổi với Ngoại trưởng ba nước này là vấn đề Biển Đông. Ông Dương Khiết Trì yêu cầu các nước này ủng hộ quan điểm của Trung Quốc giải quyết song phương vấn đề Biển Đông, phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, không nêu vấn đề Biển Đông tại các hội nghị cấp cao ASEAN và Đông Á (EAS) sắp tới. Nội dung cụ thể trao đổi giữa ông Dương Khiết Trì không được tiết lộ, song không loại trừ khả năng, trong chuyến đi này, ông Ngoại Trưởng Dương Khiết Trì đã đưa các món mồi mới về kinh tế cho Indonesia, Brunei và Malaysia để đổi lấy việc lôi kéo các nước này ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Để tranh thủ Indonesia, nước có vai trò quan trọng trong ASEAN, ông Dương Khiết Trì còn tỏ ý “Trung Quốc ủng hộ việc Indonesia đứng ra làm trung gian hòa giải không chính thức tranh chấp Biển Đông”.
Dư luận cũng đặt câu hỏi vì sao ông Dương Khiết Trì không đến Việt Nam và Philippin mà chỉ đến Indonesia, Brunei và Malaysia? Chúng ta có thể thấy rõ ý đồ của Trung Quốc trong cách làm này là nhằm phân hóa chia rẽ nội bộ các nước ASEAN, cô lập Việt Nam và Philippin.
Việt Nam và Philippin được coi là hai “con ngựa bất kham” không chịu khuất phục trước những hành động lấn lướt của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, hai nước ASEAN này đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc tại các hội nghị vừa qua ở Phnompenh, liên tiếp có những phản ứng quyết liệt, đấu tranh không khoan nhượng trước những việc làm sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông. Chính vì lẽ đó ông Dương Khiết Trì khó có thể thuyết phục được hai nước này khi đề cập đến vấn đề giải quyết song phương tại Biển Đông trong các Hội nghị cấp cao ASEAN sắp tới. Bắc Kinh cho rằng cần thực hiện chính sách “chia để trị”, ly gián, tách Việt Nam và Philippin ra khỏi các nước ASEAN khác để gây sức ép.
Trước khi diễn ra các Hội nghị tại Phnompenh tháng 7/2012 Trung Quốc đã triển khai nhiều hoạt động lôi kéo các nước ASEAN lục địa (Lào, Campuchia, Mianma) ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã đạt được kết quả là nhận được “sự trợ thủ đắc lực” từ Campuchia trong việc thực hiện mưu toan gạt bỏ vấn đề Biển Đông ra khỏi nội dung các diễn đàn AMM 45, ARF 19, EAS và các Hội nghị giữa ASEAN với các đối tác. Với kết quả là các nước ASEAN đã không ra được Tuyên bố chung tại Phnompenh trong tháng 7 vừa qua, xem ra Trung Quốc có vẻ yên lòng với việc đã lôi kéo được các nước ASEAN lục địa trong vấn đề Biển Đông.
Từ trong những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8/2012, Mỹ ngày càng phản ứng mạnh mẽ trước các hành động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông: ngày 3/8/2012, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra Tuyên bố về vấn đề Biển Đông; ngày 7/8/2012, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục phát biểu khẳng định lại Tuyên bố ngày 3/8/2012; trước đó, Thượng viện Hoa Kỳ ra Nghị quyết số 524 về vấn đề Biển Đông, các Nghị sỹ Hoa Kỳ cũng có nhiều phát biểu lên án các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông…. Trước những động thái đó của Hoa Kỳ, Trung Quốc lo ngại Hoa Kỳ sẽ ngày càng can dự sâu thêm vào tranh chấp Biển Đông. Do vậy, mục tiêu trong chuyến đi Indonesia, Malaysia và Brunei của ông Dương Khiết Trì lần này còn nhằm mục tiêu ngăn chặn Hoa Kỳ tranh thủ các nước này trong thực hiện chiến lược quay trở lại Châu Á – Thái Bình Dương, can thiệp sâu thêm vào tranh chấp ở Biển Đông.
Tuy nhiên, sau cuộc gặp với ông Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã nhấn mạnh vấn đề chủ quyền ở Biển Đông rất nan giải, ASEAN và Trung Quốc cần hợp tác chặt chẽ thực hiện DOC và thảo luận để thông qua COC; Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman thì cho rằng nội bộ ASEAN cần thảo luận về những tranh chấp trước khi trao đổi với Trung Quốc. Qua đó có thể thấy Trung Quốc chưa thực hiện được mục tiêu trong chuyến công du của ông Dương Khiết Trì lần này là lôi kéo các nước này ủng hộ Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.
Đáng chú ý là khi đánh giá về chuyến thăm Indonesia, Malaysia và Brunei của ông Dương Khiết Trì, ngày 14/8/2012, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland đã nói: một nỗ lực nhằm chia rẽ, kiểm soát theo hình thức “chia để trị” và gây ra tình hình cạnh tranh giữa các nước có tranh chấp sẽ không giúp đi đến đâu; mặc dù các thảo luận song phương có thể được sử dụng hỗ trợ cho các thảo luận đa phương, nhưng Hoa Kỳ không cho rằng các thảo luận song phương có thể giải quyết được vấn đề Biển Đông mà cuối cùng các bên phải cùng nhau thỏa luận và tìm các biện pháp thống nhất thông qua COC. Trước đó, ngày 13/8/2012, phát biểu tại Quốc hội, Ngoại trưởng Singapore Shanmugam kêu gọi các nước Đông Nam Á phải nỗ lực đoàn kết và duy trì lập trường chung trên các vấn đề như tranh chấp Biển Đông.
Qua những phát biểu trên đây có thể thấy rõ các nước ASEAN và thế giới đang hết sức cảnh giác trước những động thái của Trung Quốc liên quan đến các nước ASEAN, nhất là với những âm mưu thủ đoạn của Trung Quốc trong việc phân hóa chia rẽ khối ASEAN về vấn đề Biển Đông.
Việt Chi