Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngTàu thuyền TQ vẫn neo đậu dài ngày tại một số bãi...

Tàu thuyền TQ vẫn neo đậu dài ngày tại một số bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa

Từ giữa năm 2021 đến nay ghi nhận việc tàu thuyền Trung Quốc vẫn neo đậu dài ngày, tại một số bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa (khánh Hòa).

“Nếu như giữa năm 2021, các tàu cá Trung Quốc tập trung hàng trăm chiếc, cao điểm lên đến gần 300 chiếc tại bãi Ba Đầu, thì đến nay chỉ có khoảng 30 chiếc nằm lì ăn vạ trong bãi”.

“Nhẵn mặt từ mấy năm nay”

Đó là khẳng định của nhiều thuyền trưởng tàu cá của huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) thường xuyên đánh bắt thủy sản ở cụm đảo Sinh Tồn, và cho biết thêm: “Số neo đậu phía ngoài và tản mát ở các khu vực lân cận khoảng gần 100 chiếc. Tất cả đều là tàu dân binh Trung Quốc và chúng tôi đã nhẵn mặt từ mấy năm nay”.

Bãi Ba Đầu thuộc lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông, nằm cách đảo Sinh Tồn Đông (do bộ đội Lữ đoàn 146, Vùng 4 hải quân đóng giữ) khoảng 8 hải lý (gần 15 km). Đây là rạn san hô lớn nhất cụm đảo Sinh Tồn và là điểm mút đông bắc của cụm, nhìn từ trên cao xuống, giống hình chiếc lưỡi cày.

“Bãi Ba Đầu thường chìm sâu dưới nước khoảng 1,5 – 2 m. Khi thủy triều xuống và nước cạn, đá san hô trong bãi Ba Đầu mới lúp xúp nổi lên ngang mặt nước. Đặc biệt, ở rìa cánh cung bên trái phía tây bãi Ba Đầu, khi thủy triều xuống, sẽ nổi lên 2 bãi cát nằm gần nhau, mỗi bãi dài khoảng 50 m, rộng 10 m giống như sân bóng đá mini”, đại tá Nguyễn Đức Thắng, nguyên Phó tham mưu trưởng Vùng 4 hải quân, cho biết và nhấn mạnh: “Bãi Ba Đầu là vòng cung chắn giữ toàn bộ phía bắc cụm đảo Sinh Tồn nên có vị trí chiến lược rất quan trọng về phòng thủ. Đây cũng là nơi tập trung nhiều loài thủy hải sản quý hiếm, nên ngư dân Việt Nam coi là ngư trường truyền thống từ rất nhiều năm nay”.

Tàu thuyền Trung Quốc 'ăn vạ' ở Trường Sa: Nằm lì ở Ba Đầu - ảnh 2
Mặc dù thời tiết tốt, sóng yên biển lặng nhưng các tàu cá dân binh Trung Quốc không hoạt động

Năm 2014 – 2015, sau khi hoàn tất việc xây dựng trái phép căn cứ quân sự trên các bãi đá cưỡng chiếm của Việt Nam, phía Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện của các loại tàu (trong đó nhiều nhất là tàu cá) tại quần đảo Trường Sa. Ở các bãi cạn không người, đặc biệt là bãi Ba Đầu, họ cho neo đậu từ vài đến hàng chục tàu cá, cả cũ kỹ lẫn mới đóng.

Từ cuối năm 2020, tàu cá Trung Quốc xuất hiện nhiều ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, và đầu năm 2021 các tàu này neo đậu dày đặc ở bãi cạn Ba Đầu (thuộc phạm vi lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông, H.Trường Sa, Khánh Hòa).

Tàu thuyền Trung Quốc 'ăn vạ' ở Trường Sa: Nằm lì ở Ba Đầu - ảnh 3
Một người trên tàu dân binh Trung Quốc câu cá trên thuyền gỗ

Xâm phạm chủ quyền của Việt Nam

“Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc”, ngày 25.3.2021, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã cực lực phản đối, và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.

Do bị Việt Nam và các quốc gia khác phản đối dữ dội và nhất là sự cương quyết, kiên trì xua đuổi, ngăn chặn của các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, các tàu cá Trung Quốc neo đậu dài ngày tại khu vực bãi Ba Đầu đã giải tán, di chuyển đến các khu vực khác, chỉ để lại vài chục chiếc neo đậu rải rác trong khu vực.

Số khác di chuyển, phân tán ra các bãi ngầm Đức Hòa, Bình Sơn, đá Bia, An Bình… Các tàu cá này tập trung nhiều ở bãi Ken Nan – nằm phía tây bãi Tư Nghĩa (Huy Gơ), nơi Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ tháng 2.1988 và hiện đã xây dựng trái phép căn cứ hiện đại trên đó.

“Các tàu này là tàu dân binh có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam của Trung Quốc”, một cán bộ kiểm ngư cho biết và khẳng định: “Chủ công ở khu vực Ba Đầu là đội hình tàu dân binh mang chữ hiệu Quỳnh Tam Sa được đóng mới rất hiện đại. Từ đầu năm 2022, các tàu Quỳnh Tam Sa di chuyển về neo đậu, bảo vệ quanh các căn cứ của Trung Quốc ở khu vực Trường Sa như Xu Bi, Chữ Thập, Châu Viên, Vành Khăn… và đi theo hộ tống các tàu thăm dò dầu khí, nghiên cứu biển của Trung Quốc. Khi có tình hình, chúng cơ động ngay về khu vực”.

Trong tháng 4 – 5.2022, khi tới khu vực bãi cạn Ba Đầu và quan sát bằng thiết bị chuyên dụng từ đảo Sinh Tồn Đông, chúng tôi ghi nhận khoảng 15 – 17 tàu cá dân binh Trung Quốc co cụm trong bãi ngầm. Mặc dù thời tiết tốt, sóng yên biển lặng, nhưng tàu cá Trung Quốc vẫn neo đậu nằm yên ở các vị trí có luồng ra vào bãi. Hãn hữu lắm mới thấy vài ngư dân Trung Quốc chèo thuyền nhỏ thả lưới, bắt cá ăn hằng ngày.

RELATED ARTICLES

Tin mới