Saturday, January 11, 2025
Trang chủThâm cung bí sửẢnh hưởng của chính quyền TQ đến chế độ Pol Pot ở...

Ảnh hưởng của chính quyền TQ đến chế độ Pol Pot ở Campuchia

Khi một đoàn khách du lịch đến thăm Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng, nơi trước kia từng là trường học sau đó chuyển thành nhà tù và trung tâm tra tấn dưới thời Khơ me Đỏ, người hướng dẫn viên dừng lại và hỏi có ai trong đoàn đến từ Trung Quốc không?

Từ trái sang: Mao Trạch Đông tiếp Pol Pot và Ieng Sary tại Bắc Kinh. (Ảnh: Internet)

Khi không thấy cánh tay nào giơ lên, anh tiếp tục kể về vai trò của chính quyền Trung Quốc trong nạn diệt chủng do Khơ me Đỏ gây ra từ năm 1975-1979, khiến ít nhất 1.7 triệu người Campuchia thiệt mạng.

Sau đó người hướng dẫn viên giải thích vì sao anh hỏi xem có ai trong đoàn đến từ Trung Quốc không: “Vì người Trung Quốc rất tức giận khi tôi nói rằng chính vì chính quyền Trung Quốc nên Pol Pot mới có thể giết hại nhiều người như vậy. Họ nói đó không phải sự thật và: “Giờ chúng ta là bạn rồi, đừng nói về quá khứ.””

Huynh đệ sát cánh

Trong một phát biểu trên truyền hình vào tháng 3/2015, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói: “Là lãnh đạo của một quốc gia, khi thừa kế thành quả từ những người tiền nhiệm, họ cũng cần phải gánh vác trách nhiệm về những tội ác của thế hệ trước.” Đối chiếu với phát biểu đó, một số nhà sử học độc lập từ Trung Quốc đã nhấn mạnh vai trò của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong tội ác diệt chủng tại Campuchia thời Khơ me Đỏ. Nhà sử học Zhang Lifan phát biểu: “Chính quyền Trung Quốc luôn tuyên truyền những việc mà họ thấy có lợi và tránh né những vấn đề mà họ có thể bị chỉ trích, bằng cách kiểm duyệt truyền thông và cấm xuất bản sách”.

Theo bài viết của tác giả Dan Levin trên Thời báo New York, trong thập niên 70, ông Mao Trạch Đông muốn tạo dựng một nước chư hầu trong thế giới các nước đang phát triển để đối chọi với sự ảnh hưởng của Mỹ và Liên Xô. Ông ta tìm ra nước láng giềng Campuchia. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Andrew Mertha, tác giả cuốn sách “Brothers in Arms: China’s Aid to the Khmer Rouge, 1975-1979,” (tạm dịch: “Huynh đệ sát cánh: Viện trợ của Trung Quốc cho Khmer Đỏ, 1975-1979”) cho biết: “Để chứng tỏ là một thế lực đang trỗi dậy, chính quyền Trung Quốc cần thiết lập vây cánh, và họ chọn Campuchia.” Theo ông Mertha, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Trung Quốc và châu Á Thái Bình Dương tại Đại học Cornell, Trung Quốc đã cung cấp ít nhất 90% viện trợ nước ngoài cho Khơ me Đỏ, từ lương thực và thiết bị xây dựng đến xe tăng, máy bay và trọng pháo. Thậm chí khi Khơ me Đỏ đang tàn sát người dân Campuchia thì các kỹ sư Trung Quốc và các cố vấn quân sự tiếp tục đào tạo đồng minh Cộng sản này ở Campuchia. Ông nói: “Nếu không có trợ giúp của chính quyền Trung Quốc thì chính quyền Khơ me Đỏ đã không thể tồn tại được 1 tuần.”

Son Sen (ở giữa), Bộ trưởng Quốc phòng của Khơ me Đỏ, cùng các cố vấn quân sự của chính quyền Trung Quốc năm 1977. (Ảnh: Trung tâm Tư liệu Campuchia)

Son Sen (ở giữa), Bộ trưởng Quốc phòng của Khơ me Đỏ, cùng các cố vấn quân sự của chính quyền Trung Quốc năm 1977. (Ảnh: Trung tâm Tư liệu Campuchia)

Năm 2010, đại sứ Trung Quốc tại Campuchia, Zhang Jinfeng, đã đưa ra lời thừa nhận chính thức hiếm hoi về sự hỗ trợ của Trung Quốc đến Khơ me Đỏ, nhưng nói rằng Bắc Kinh chỉ viện trợ “thực phẩm và dụng cụ nông nghiệp như: cuốc, hái.” Theo lời khai của cựu viên chức Khơ me Đỏ, Youk Chhang, một người còn sống sót thời diệt chủng và từng là giám đốc Trung tâm Tài liệu Campuchia, thì khác hẳn: “Các cố vấn Trung Quốc đã ở đây, sát cánh cùng Khơ me Đỏ, từ cai ngục đến các lãnh đạo cao nhất. Nhưng chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận và xin lỗi về điều này.” Theo tờ The Diplomat, các học giả cho rằng có khoảng 5.000 cố vấn và kỹ thuật viên của Trung Quốc có mặt tại Campuchia thời điểm đó để hỗ trợ chính quyền Khơ me Đỏ.

Lao Mong Hay, cựu giám đốc của Viện Dân chủ Khmer tại Phrom Penh nói: “Trung Quốc nợ người dân Campuchia một lời xin lỗi. Họ đã ủng hộ Khơ me Đỏ trước và trong khi nắm chính quyền bất kể điều gì xảy ra với người dân Campuchia.” Theo ông Mong Hay, Trung Quốc đã viện trợ 1 tỷ USD cho Khơ me Đỏ trước năm 1979 và thêm 1 tỷ USD nữa sau năm 1979 để họ đánh lại quân Việt Nam ở Campuchia.

Chính quyền Trung Quốc nỗ lực định hình câu chuyện quá khứ của họ ngay từ trong trường học. Bốn cuốn sách giáo khoa lịch sử cấp 3 được dùng rộng rãi nhất tại Trung Quốc đã tránh không đề cập đến chế độ Khơ me Đỏ. Họ cũng bỏ qua cuộc chiến xâm lược Việt Nam vào năm 1979, cuộc chiến kéo dài 1 tháng do Đặng Tiểu Bình khai chiến để trừng phạt Việt Nam vì lật đổ chính quyền Khơ me Đỏ. Vì vậy đa phần sinh viên đại học Trung Quốc giờ đây không biết gì về cuộc chiến này.

Pol Pot gặp gỡ Đặng Tiểu Bình, tháng 9/1977, tại Bắc Kinh. (Ảnh: Internet)

Pol Pot gặp gỡ Đặng Tiểu Bình, tháng 9/1977, tại Bắc Kinh. (Ảnh: Internet)

Nguồn gốc tội ác của Khơ me Đỏ?

Nguyên nhân của diệt chủng đã được thế giới phân tích kỹ, phần lớn chuyên gia cho rằng chính quyền Pol Pot đã nóng vội thực thi Chủ nghĩa Cộng sản một cách cực đoan và bạo lực. Mong muốn của chính quyền Khơ me Đỏ là hoàn thành Chủ nghĩa Cộng sản “trong sạch” trong vài ba năm, tiêu diệt hết những gì khác biệt. Dù vậy nguồn gốc phải xuất phát từ những học thuyết và tư tưởng ảnh hưởng đến Pol Pot từ ban đầu.

Thực tế, Pol Pot là người tôn thờ Mao Trạch Đông. Đầu năm 1965, Pol Pot đến thăm Trung Quốc 4 lần để đích thân nghe Mao Trạch Đông thuyết giảng. Ngay từ tháng 11/1965, Pol Pot đã ở Trung Quốc 3 tháng để đàm luận với các lãnh đạo Trung Quốc về các lý thuyết như “quyền lực chính trị lớn lên từ nòng súng”, “đấu tranh giai cấp”, “chuyên chính vô sản” v.v… Sau đó, những điều này đã trở thành cơ sở cho cách thức Pol Pot cai trị Campuchia. Sau khi quay trở về Campuchia, Pol Pot đổi tên đảng của mình thành Đảng Cộng sản Campuchia và dựng lên các cơ sở cách mạng theo mô hình quây tròn các thành phố khỏi các vùng nông thôn của ĐCSTQ. Có thể coi Trung Quốc đã ‘xuất khẩu’ những ‘Cách mạng văn hóa’, ‘Đại nhảy vọt’ sang đất nước Campuchia dưới thời Khơ me Đỏ.

Sau chiến thắng của Đảng Cộng sản Campuchia năm 1975, Pol Pot đã vội vã bắt đầu thiết lập Chủ nghĩa xã hội — một thiên đường trong xã hội loài người — không có khác biệt giai cấp, không có cách biệt giữa thành thị và nông thôn, không có tiền tệ và thương mại. Cuối cùng thì, các gia đình đã bị xé nát và thay thế bằng các đội lao động nam và các đội lao động nữ. Tất cả đều phải làm việc và ăn chung, và mặc các bộ quần áo đồng phục cách mạng màu đen hoặc quần áo bộ đội. Các cặp vợ chồng chỉ được gặp nhau một tuần một lần khi được duyệt. Tuyên bố rằng đất nước bắt đầu lại từ đầu và gọi là “Năm số 0”, Pol Pot đã cách ly người dân khỏi thế giới và biến các thành phố trở lên hoang vắng, loại bỏ tiền tệ và sở hữu cá nhân, loại bỏ tôn giáo và thiết lập các hợp tác xã nông thôn. Bất cứ ai bị coi là trí thức đều bị giết, ngay cả những người đeo kính hoặc biết ngoại ngữ. Các bệnh viện và các bác sỹ cũng bị xóa sổ. (Xem bài chi tiết)

ĐCSTQ không chỉ ảnh hưởng đến Khơ me Đỏ về tư tưởng mà còn các biện pháp thực thi bạo lực. Các nhà tù thời Khơ me Đỏ nổi tiếng các hình thức tra tấn và giết người vô tội vạ. Những ít người biết rằng chính các “các chuyên gia và các kỹ thuật viên chuyên nghiệp” của chính quyền Trung Quốc đã truyền dạy cho Khơ me Đỏ tất cả các cách tra tấn này. Trung Quốc thậm chí còn đào tạo những người chụp ảnh để chuyên chụp ảnh các tù nhân trước lúc họ bị giết chết để lưu lại làm hồ sơ hoặc là để giải trí. Các hình thức tra tấn khủng khiếp còn được ĐCSTQ tiếp tục khai thác trong nhà tù ở chính đất nước họ trong nhiều năm về sau (xem bài chi tiết)

Tội ác lớn hơn “diệt chủng” ngay tại Trung Quốc

Rõ ràng là, nếu tội ác diệt chủng của Khơ me Đỏ mà không dựa vào các lý thuyết và hỗ trợ vật chất của ĐCSTQ, thì nó đã không thể thực hiện được. Như vậy Trung Quốc đã đóng vai trò lớn trong việc 1,7 triệu người dân Campuchia bị giết hại dã man, một trong nhưng vụ tàn sát lớn nhất của thế kỷ 20.

Nhưng, thực ra sau đó ĐCSTQ còn trực tiếp gây ra một tội ác còn lớn hơn vậy, tại chính đất nước của họ, từ năm 1999. Một quyết định đàn áp vô lý của Giang Trạch Dân (Tổng Bí thư Đảng CSTQ lúc bấy giờ), khiến tất cả bộ máy tuyên truyền, an ninh, công an, quân đội được huy động để đàn áp những người tập luyện Pháp Luân Công (theo thống kê có khoảng 70-100 triệu học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc vào năm 1999). Sự kiện này đã khiến một phần mười dân số Trung Quốc bị đàn áp dã man dưới nhiều hình thức và một phần tư ngân sách cả nước được dùng cho cuộc đàn áp trong hơn chục năm qua. Tội ác còn lớn hơn nữa khi có khoảng 2 triệu học viên Pháp Luân Công bị giết hại dã man, bị mổ sống để lấy nội tạng phục vụ cho ngành công nghiệp Ghép tạng người, mang lại hàng tỷ USD cho ngân sách Trung Quốc. (Xem bài chi tiết)

Khi tội ác bị phơi bày, người Trung Quốc chắc hẳn cũng nhìn rõ một “Khơ me Đỏ” trong lịch sử của họ, nhiều “cánh đồng chết” trên đất nước của họ, và nhiều kẻ “Pol Pot” trong hàng ngũ lãnh đạo đất nước họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới