Chưa được cấp thêm ”room” tín dụng, nhiều ngân hàng đối diện với nguy cơ có tiền mà không cho vay được, nhất là khi NHNN vừa bơm một lượng lớn thanh khoản ngắn hạn vào hệ thống trong đầu tháng 6.
Tại báo cáo thị trường mới phát hành, Chứng khoán MB cho biết đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021 và tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2022, phù hợp với diễn biến tích cực của nền kinh tế. Trong bối cảnh gói hỗ trợ lãi suất 2% đang triển khai, các ngân hàng thương mại đang dần tiệm cận với hạn mức tín dụng sẽ khiến nguy cơ xảy ra tình trạng có tiền mà không cho vay được.
Mặt khác, với một lượng thanh khoản lớn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm vào hệ thống trong mấy tháng vừa qua trong khi hoạt động giải ngân lại đang chậm lại, lãi suất liên ngân hàng (LSLNH) giảm xuống tới mức thấp nhất trong vòng một năm qua.
Trước đó, nhiều đơn vị phân tích cũng nhận định rằng việc nhiều NHTM đã hết ”room” tín dụng trong khi NHNN vẫn chưa thực hiện nới hạn mức đã khiến cho tín dụng không đẩy thêm được ra ngoài từ những ngày cuối tháng 5.
Thực tế, số liệu mới được NHNN công bố cho thấy dù vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, tốc độ tăng của tín dụng đang chậm lại rõ rệt so với những tháng đầu năm (5,97% tới cuối tháng 3; 6,75% tới cuối tháng 4; 8,04% tới cuối tháng 5). Đồng thời, mức tăng trưởng 8,17% đến ngày 9/6 cũng không còn là mức cao nhất trong vòng 10 năm (cùng kỳ năm 2017 đã tăng 9%).
Theo BVSC, việc các NHTM đều tiến sát tới mức ”room” tín dụng được NHNN cấp từ đầu năm nhiều khả năng là lý do chính khiến cho khả năng cho vay thêm của các NHTM giảm xuống, làm tăng trưởng tín dụng chững lại, đồng thời kéo theo việc LSLNH tiếp tục duy trì mặt bằng thấp trong các tuần gần đây.
Trong khi SSI Research cho rằng tín dụng tăng chậm lại một phần là do thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trong giai đoạn chững lại (giao dịch trái phiếu doanh nghiệp được tính trong tăng trưởng tín dụng). Một phần khác, tăng trưởng tín dụng tại hầu hết các ngân hàng lớn đã gần chạm mức trần tín dụng mà NHNN đặt ra đầu năm, và do vậy giải ngân tín dụng mới sẽ được các ngân hàng cân nhắc hơn.
Tại hội nghị được NHNN tổ chức mới đây, các ngân hàng đã đồng loạt đề xuất được nới ”room” tín dụng để tham gia hỗ trợ khách hàng phục hồi sau đại dịch.
Ông Nguyễn Việt Cường – Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết hết tháng 4, tín dụng Vietcombank đã tăng trưởng ở mức “đáng kinh ngạc” – trên 9%, tương đương tăng ròng khoảng 100.000 tỷ đồng.
Theo ông Cường, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sau 2 năm Covid giống như ”cơn khát nước sau trận hạn hán”, nên tăng rất nhanh. Với ”room” tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ. Vì vậy, đại diện Vietcombank đề nghị NHNN nới ”room” tín dụng cho các ngân hàng một cách phù hợp để tham gia hỗ trợ khách hàng.
Đồng quan điểm, đại diện BIDV cho biết theo khảo sát trong quý IV/2021, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của khách hàng tốt là ngày càng lớn, trong khi room tín dụng chỉ ở mức hơn 10% gây khó khăn cho ngân hàng. Do đó, ngân hàng rất mong NHNN xem xét nới room tín dụng cho BIDV và các tổ chức tín dụng lớn để có thể triển khai được Nghị quyết 31.
Phó Tổng Giám đốc VietinBank Lê Duy Hải cũng chia sẻ: “Room tín dụng hiện nay của các ngân hàng là tương đối eo hẹp. Khi triển khai chủ trương hỗ trợ khách hàng sẽ gây áp lực lớn cho tăng trưởng ngắn hạn và trung, dài hạn của ngân hàng.”
Tương tự, đại diện ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam cho rằng khi chưa gói hỗ trợ lãi suất thì nhu cầu tín dụng đã cao rồi, nay có gói hỗ trợ lãi suất thì nhu cầu càng cao hơn. Do đó, vị này cũng kiến nghị NHNN nới ”room” tín dụng.
Không thể đẩy tín dụng ra thêm khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng trở nên dư thừa trong những tuần gần đây. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, số dư của hệ thống ngân hàng trên tài khoản thanh toán liên ngân hàng (CITAD) tại NHNN đến ngày 24/5 đạt 342 nghìn tỷ đồng. Diễn biến này đi cùng số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng quốc doanh cũng duy trì mức cao khoảng 118 nghìn tỷ đồng, đã hỗ trợ thanh khoản VNĐ của hệ thống và khiến lãi suất VND trên liên ngân hàng ở các kỳ hạn ngắn – vốn là kỳ hạn mà hầu hết các giao dịch liên ngân hàng diễn ra – giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 tới nay.
Trong một diễn biến liên quan, lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020, NHNN đã hút ròng 200 tỷ thông qua kênh tín phiếu kỳ hạn 7 ngày. Trước đó, nhà điều hành đã liên tục ”buông” kênh này nhằm duy trì thanh khoản hệ thống, chủ động giữ lãi suất siêu thấp trong và sau đại dịch Covid.
Con số 200 tỷ tuy khiêm tốn với kỳ hạn ngắn và phải quan sát thêm để xác nhận, nhưng nó thể hiện NHNN đã bắt đầu hành động với lãi suất và sẵn sàng hút bớt thanh khoản ra khỏi hệ thống ngân hàng.
T.P