BienDong.Net: Trong hành động được coi là nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Clinton sẽ lần đầu tiên đặt chân tới đảo Cook, quốc đảo chỉ có 11.000 dân ở Nam Thái Bình dương vào ngày 31.8.
Chuyến đi này diễn ra nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh của khu vực do Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương (PIF) tập hợp 15 nước, chủ yếu là các đảo nhỏ trong khu vực, cùng với hai đồng minh quan trọng của Mỹ là Australia và New Zealand tổ chức để bàn về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoại trưởng Mỹ Clinton ( ảnh Internet )
Theo giới quan sát, từ nhiều năm nay, nếu như Mỹ có sự hiện diện nổi bật tại khu vực Bắc và Trung Thái Bình Dương, thì họ lại hầu như vắng mặt tại vùng phía Nam, trong khi Trung Quốc ngày càng tăng cường ảnh hưởng ở khu vực này thông qua con bài tài chính.
Cụ thể, Mỹ đã có lãnh thổ riêng của mình ở Thái Bình Dương, như tại Guam, Bắc Marianas và American Samoa cũng như có mối quan hệ thân cận với Palau, Micronesia và Quần đảo Marshall. Tuy nhiên, ngoài American Samoa tất cả đều tập trung ở bắc và trung Thái Bình Dương, các quốc đảo nhỏ ở Nam Thái Bình Dương đã bị gạt ra ngoài mối quan tâm của Washington cho tới những năm gần đây.
Trong khi đó, nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình, từ năm 2005, Bắc Kinh đã cấp khoảng 600 triệu USD tín dụng cho các đảo Tonga, Samoa, Cook với những điều kiện rất hấp dẫn và thời hạn rất dài.
Ngoại trưởng Australia, Bob Carr nhận định rằng sự hiển diện của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương giờ đây đã là một thực tế của cuộc sống. Ông nói trong bài trả lời phỏng vấn tờ Australian Financial Review: Thông điệp của tôi thực sự là Australia và New Zealand cần phải sống với thực tế là Trung quốc muốn cung cấp viện trợ tại khu vực này, và chúng ta không thể làm gì để ngăn chặn điều đó.
Trong bối cảnh đó, nhà cựu ngoại giao New Zealand Michael Powles, quan chức cấp cao ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược tại Wellington, đánh giá sự hiện diện của Ngoại trưởng Mỹ tại PIF sẽ gửi tín hiệu tới Bắc Kinh rằng Mỹ có ý định “tái xuất” tại khu vực này.
Bà Annmaree O’Keeffee, chuyên gia của viện Lowy tại Australia, cho rằng mối quan tâm mới của Washington đối với các đảo nhỏ ở Nam Thái Bình Dương nằm trong chiến lược rộng lớn hơn của Tổng thống Obama đối với Châu Á – Thái Bình Dương. Bà nói việc ngoại trưởng Clinton tham dự hội nghị FIP ở đảo Cook, nhằm cho thấy rằng kể cả tại những nơi hẻo lánh nhất của vùng Thái Bình Dương, Mỹ vẫn có mặt.
Theo chuyên gia Michael Powles, thật ra Trung Quốc không mấy e ngại hành động ngoại giao của Mỹ trong vùng, mà họ lo ngại nhiều hơn về mục tiêu quân sự của Mỹ. Bắc Kinh sợ rằng các đảo quốc này đi theo phương Tây, dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.
Khu vực Nam Thái Bình dương không chỉ chứng kiến sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Lo ngại ảnh hưởng của Bắc Kinh, hồi tháng 5.2012 Nhật Bản cũng cam kết viện trợ 500 triệu USD cho các đảo quốc Thái Bình dương trong 3 năm tới với mục đích tăng cường hợp tác an ninh biển và ứng phó với nguy cơ nước biển dâng.
Hoàng Sa ( theo RFI và AFP )