Chuyến thăm kéo dài 10 ngày của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới các quần đảo Thái Bình Dương giàu tài nguyên đã đưa nơi từng bị coi là “vùng nước khuất ngoại giao” trở thành tâm điểm chú ý trên bản đồ địa chính trị thế giới.
Trọng tâm của chuyến đi là cuộc thảo luận về một thỏa thuận an ninh được đề xuất giữa ông Vương với các ngoại trưởng của 10 quốc đảo Thái Bình Dương.
Trung Quốc đã không nhận được sự đảm bảo về hiệp ước từ các lãnh đạo ngoại giao nói trên, nhưng mối quan tâm mới của họ đối với khu vực đã thu hút sự chú ý từ những nước gắn kết truyền thống ở Thái Bình Dương như Mỹ, Australia và New Zealand.
Theo giới quan sát, cho đến nay, quần đảo Thái Bình Dương đã từ chối bị lôi kéo vào cuộc chơi địa chính trị, nhưng có thể tìm cách giảm bớt ràng buộc với các cường quốc chiếm đóng thuộc địa cũ bằng cách gắn kết với nhiều quốc gia hơn, bao gồm cả Trung Quốc.
Nỗ lực tiếp cận
Chuyến công du cuối tháng 5 đã đưa ông Vương đến quần đảo Solomon, Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu và Papua New Guinea. Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc cũng có các cuộc đối thoại trực tuyến với những người đồng cấp từ quần đảo Cook và Micronesia.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, giữa lúc đó, Ngoại trưởng Australia Penny Wong đã hạ cánh ở Samoa trong chuyến công du thứ 2 tới khu vực này chỉ trong vòng 10 ngày sau khi nhậm chức. Bà Wong đề xuất tặng một tàu tuần tra mới cho Samoa vào năm sau để thay thế một chiếc đã bị mắc cạn.
Khu vực này cũng là trọng tâm của cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, trong đó ông Biden nói rằng hai bên “có nhiều việc phải làm ở các đảo Thái Bình Dương”.
“Thái Bình Dương, theo kinh nghiệm của tôi, chưa bao giờ chứng kiến mức độ hoạt động của Ngoại trưởng Trung Quốc như vừa qua. Tôi nghĩ, việc Trung Quốc không giành được một thỏa thuận khu vực chỉ càng củng cố quyết tâm của họ trong việc đưa ra một đề xuất hấp dẫn hơn. Đại lục đã làm điều mà Australia và New Zealand chưa từng làm. Thái Bình Dương có thể mong đợi nhiều làn sóng ngoại giao hơn từ Trung Quốc, Australia, New Zealand và thậm chí cả Mỹ”, Henry Ivarature, một nhà nghiên cứu về Thái Bình Dương tại trường Chính sách công Crawford thuộc Đại học quốc gia Australia nhận định.
Theo Yu Lei, trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu các quốc đảo Thái Bình Dương thuộc Đại học Liêu Thành ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, các đảo Thái Bình Dương cũng có thể tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ của họ ngoài các cường quốc chiếm hữu thuộc địa trước đây để phát triển kinh tế.
Những quốc đảo Thái Bình Dương từng là thuộc địa của các cường quốc ở châu Âu, Mỹ và Nhật cũng như Australia và New Zealand cho đến những năm 1960, khi họ bắt đầu lần lượt giành được độc lập. Ông Yu cho rằng, việc gắn kết với nhiều quốc gia hơn có thể tạo ra đối trọng cho mối quan hệ giữa các quốc đảo với những cường quốc chiếm hữu thuộc địa cũ. Sự cạnh tranh ngày càng tăng, theo một cách lành mạnh, cũng có thể thúc đẩy nền kinh tế của chính các đảo Thái Bình Dương.
Cảnh giác với nguy cơ bị lôi kéo vào cạnh tranh địa chính trị
Tuy nhiên, một số quốc gia Thái Bình Dương cũng cảnh giác với việc bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh. Bắc Kinh không cho biết lí do tại sao các quan chức khu vực từ chối thỏa thuận an ninh, nhưng một số nhà lãnh đạo đã bày tỏ lo ngại về sự cạnh tranh quyền lực địa chính trị.
“Thái Bình Dương cần những đối tác thực sự chứ không phải những siêu cường chỉ tập trung vào quyền lực”, Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama viết trên Twitter sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc ở Suva.Học thuyết Monroe của Australia giữa thỏa thuận an ninh Trung Quốc – Solomon
Thủ tướng Samoa Fiame Naomi Mataafa, một trong số các nhà lãnh đạo quốc đảo kêu gọi trì hoãn thỏa thuận, bày tỏ các quyết định lớn về khu vực nên được thông qua Diễn đàn các quần đảo Thái Bình Dương (PIF), cơ quan chính trị hàng đầu của khu vực.
Hãng thông tấn Talamua của Samoa dẫn lời bà Fiame cho hay: “Chúng tôi chưa đưa ra quyết định vì không có đủ thời gian để xem xét nó”.
Học giả Yu lưu ý, phía Trung Quốc đã tiên lượng khả năng hiệp ước an ninh với các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ không được thông qua trong chuyến công du của Ngoại trưởng Vương Nghị. “Đó là một thỏa thuận khu vực và có thể một số quốc đảo vẫn còn nghi ngờ, nhưng tôi nghĩ sẽ có một số cuộc thảo luận tiếp theo, chẳng hạn theo cách song phương”, ông Yu nói.
Nhà nghiên cứu Ivarature lại cho rằng, đây là một bài học cho Bắc Kinh về sự cần thiết phải tìm hiểu thêm về khu vực, với các ngôn ngữ và văn hóa khác nhau của người Micronesia, Polynesia và Melanesia cũng như các thách thức phát triển kinh tế khác nhau. Ông cũng tin là sai lầm khi thảo luận một đề xuất mang tính khu vực tại một cuộc họp chỉ quy tụ 10/14 quốc đảo tại đây.
Tuy nhiên, ông Ivarature nhấn mạnh, các quan chức Trung Quốc đã tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương trong chuyến công du và lắng nghe nhu cầu của họ. Qua đó, Bắc Kinh có thể điều chỉnh để đưa ra một đề xuất mới, trong bối cảnh các quốc đảo coi họ là đối tác phát triển và sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc như những gì đã làm với Australia, New Zealand và các nước khác.
Ngoài ra, Trung Quốc và các đảo Thái Bình Dương có chung quan điểm về Bộ Tứ, một nhóm hợp tác an ninh không chính thức giữa Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản. Cụ thể, Bắc Kinh coi Bộ Tứ là một phần của mạng lưới liên minh do Washington dẫn đầu nhằm chống lại ảnh hưởng của họ trong khu vực. Trong khi đó, các đảo Thái Bình Dương phản đối nhóm vì Mỹ, Australia… không tham vấn họ, đồng thời định nghĩa khu vực của họ là “Thái Bình Dương xanh” và phản đối việc bị kéo vào khuôn khổ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
“14 quốc gia trong khu vực quần đảo Thái Bình Dương đại diện cho 14 phiếu bầu và về mặt ngoại giao, chúng tôi (Trung Quốc) cần sự ủng hộ của họ. Hiện cũng có tiềm năng lớn trong hợp tác kinh tế khi quần đảo kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế với diện tích hơn 30 triệu km2”, ông Yu nhấn mạnh.