Đợt tập trận hải quân lớn nhất thế giới do Hoa Kỳ dẫn đầu, Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), khởi sự hôm thứ tư 29/6. Mục đích được cho biết nhằm tăng cường hợp tác hàng hải trong khu vực hiện đang bị phủ bóng bởi đối thủ cạnh tranh Trung Quốc.
Kỳ tập trận lần này với sự tham dự của tất cả các nước thành viên Nhóm Đối Thoại An Ninh Bốn bên (QUAD) đưa ra một thông điệp rõ ràng cho Bắc Kinh khi mà căng thẳng Eo Biển Đài Loan gia tăng và cuộc chiến tại Ukraine đang kéo dài.
Trung Quốc lâu nay chỉ trích sự hợp tác của nhóm QUAD gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc như là nỗ lực nhằm thành lập ‘phiên bản NATO Châu Á- Thái Bình Dương’.
Hải quân Hoa Kỳ cho biết đợt tập trận hai năm một lần kỳ này có 26 quốc gia tham dự với 38 chiến hạm mặt nước, bốn tàu ngầm, chín lực lượng mặt đất quốc gia, hơn 170 máy bay và xấp xỉ 25 ngàn nhân sự. Theo kế hoạch, RIMPAC 2022 diễn ra từ ngày 29/6 đến 4/8 năm nay.
Năm quốc gia ven Biển Đông gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore tham gia RIMPAC 2022. Trong số năm nước này, ba nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc tuyên bố họ có ‘chủ quyền lịch sử’ gần như toàn bộ.
Đợt tập trận RIMPAC 2022 là lần thứ 28 của hoạt động này kể từ khi khởi sự vào năm 1971.
Hồi đầu năm nay, đã có thảo luận đưa Đài Loan vào tham gia RIMPAC 2022; tuy nhiên điều này không thể thực hiện. Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một tỉnh cần phải được ‘tái thống nhất’ với Hoa Lục. Bắc Kinh cho rằng việc đưa Đài Loan vào tham gia RIMPAC như thế sẽ có ‘một hàm ý chính trị mạnh mẽ’.
Trung Quốc từng hai lần được mời tham dự RIMPAC vào năm 2014 và 2016; tuy nhiên do quan hệ song phương trở nên xấu đi, Washington từ năm 2018 không còn mời Bắc Kinh tham dự trong bối cảnh Trung Quốc tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông.
‘Tàn dư của Chiến tranh lạnh’
Theo một tuyên bố của Hải quân Hoa Kỳ, chủ đề của đợt tập trận RIMPAC 2022 là ‘Năng lực, Thích ứng, Đối tác’ và mục tiêu chính là cổ xúy cho một khu vực Ấn Độ Dương- Thái BÌnh Dương tự do và rộng mở.
Các lực lượng tham dự sẽ diễn tập một loạt những khả năng từ ‘cứu trợ nhân đạo và chiến dịch an toàn hàng hải cho đến kiểm soát biển cùng tác chiến phức tạp’.
Chương trình huấn luyện gồm có ‘hành quân đổ bộ, thao tác vận hành súng lớn- hỏa tiễn, diễn tập chống tàu ngầm và phòng không, cũng như tác chiến chống cướp biển, hoạt động tháo gỡ mìn, loại bỏ chất nổ, hoạt động lặn và trục vớt’.
Các hoạt động diễn tập được diễn ra tại và quanh đảo Haiwaii cùng khu vực nam bang California.
Nhiều đối tác của Hoa Kỳ và đồng minh gốm các nước thành viên NATO, Canada, Đức, Anh Quốc, Đan Mạch và Pháp tham gia đợt tập trận RIMPAC 2022.
Trung Quốc lên tiếng chế nhạo sự hiện diện của các nước thuộc Khối NATO trong khu vực này. Đại diện Thường trực của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân (Zhang Jun) nói rằng nước ông ‘mạnh mẽ phản đối sự can dự của NATO tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương hay sự thành lập nên một phiên bản NATO Châu Á- Thái Bình Dương.’
Một bài bình luận trên Global Times – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói thêm rằng ‘Tàn dư của Chiến tranh Lạnh không được phép tràn vào Thái Bình Dương.’
Giới phân tích có lưu ý rằng quốc đảo Tonga ở Thái Bình Dương được mời tham dự RIMPAC lần thứ hai.
Lời mời lần này được đưa ra vào khi Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng đồng minh đang tranh giành ảnh hưởng tại Thái Bình Dương. Bắc Kinh đạt được một thỏa thuận an ninh với đảo quốc Solomon hồi tháng ba; nhưng không thể ký kết một thỏa ước lớn hơn, tham vọng hơn với 10 đảo quốc Thái Bình Dương.