Ngày 30/4/1982, sau 9 năm đàm phán, văn bản đàm phán cuối cùng về Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) được nhất trí thông qua và ngày 10/12/1982 thì mở ký.
Tới nay, sau 40 năm, Công ước là một trong những thành tựu quan trọng nhất của luật pháp quốc tế và LHQ trong thế kỷ 20, có 168 thành viên và là cơ sở hình thành, bảo vệ trật tự pháp lý trên biển một cách toàn diện.
Hiến pháp về biển và đại dương
Tmmy Koh, Chủ tịch hội nghị Luật biển lần thứ 3 đã gọi UNCLOS là Hiến pháp về biển và đại dương. Điều này được toàn thể cộng đồng quốc tế thừa nhận vì:
Công ước thể hiện cao nhất tính pháp điển hóa tập quán quốc tế và sự phát triển tiến bộ của luật quốc tế trong lĩnh vực biển. Ngoài phần liên quan đến đáy biển – di sản chung của loài người, hầu hết các quy định đều mang tính tập quán nên một số quốc gia không tham gia như Mỹ cũng được thừa hưởng các thành quả của Công ước.
“Hiến pháp về biển và đại dương” cần được hiểu bao gồm Công ước UNCLOS và các văn kiện liên quan được thoả thuận trên tinh thần phù hợp với Công ước như Thỏa thuận về áp dụng phần 11 của Công ước ký năm 1994, hiện có 150 nước là thành viên, Hiệp định thực hiện các điều khoản của Công ước Luật biển của LHQ năm 1982 về bảo tồn và quản lý đàn cá xuyên biên giới và di cư xa (UNSFA-1995) với 90 nước gia nhập, và Công ước về đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia đang đàm phán vòng thứ 4.
Công ước LHQ về Luật Biển lần đầu tiên phân bổ rõ ràng các không gian đại dương trên Trái đất, với tất cả các tài nguyên sinh vật và không sinh vật, tất cả tiện ích trên biển trên cơ sở công bằng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các quốc gia nhỏ, các quốc gia đang phát triển.
Từ nguyên tắc “Đất thống trị biển”, Công ước cho phép các quốc gia ven biển mở rộng chủ quyền ra một vùng nước tiếp liền lãnh thổ với tên gọi lãnh hải 12 hải lý.
Các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền về mặt kinh tế và các quyền tài phán trên vùng biển đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở và vùng thềm lục địa là sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền ra biển cho tới rìa ngoài của thềm lục địa, hoặc kết thúc ở khoảng cách 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2500m.
Nơi nào rìa ngoài của thềm lục địa kết thúc ở khoảng cách gần hơn 200 hải lý thì thềm lục địa kéo ra đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
Trong khi thực hiện các quyền và lợi ích của mình, quốc gia ven biển tôn trọng quyền qua lại không gây hại trong lãnh hải, các quyền tự do biển cả trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà các quốc gia khác được hưởng. Công ước quy định đầy đủ nhất chế độ pháp lý các vùng biển cả và vùng đáy biển di sản chung của loài người.
Thiết lập bộ quy tắc cho hoạt động biển và đại dương
Công ước thiết lập lần đầu tiên một bộ quy tắc cho các hoạt động biển và đại dương, xây dựng trật tự pháp lý mới trên biển đầy tiềm năng; thiết lập và thúc đẩy chế độ pháp lý quản lý và bảo tồn tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển một cách đồng bộ, hiệu quả trên cơ sở tiếp cận tích hợp và dựa trên hệ sinh thái.
Sau Công ước, một loạt sáng kiến trong các lĩnh vực này đã được triển khai. Ví dụ sau chương 17 của Kế hoạch hành động 21 hội nghị LHQ về môi trường và phát triển năm 1992, Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết số 66/288 ngày 27/7/2012 về “Tương lai chúng ta mong muốn” công nhận rằng đại dương, biển và vùng ven biển tạo thành một thành phần tích hợp và thiết yếu của hệ sinh thái Trái đất.
Nghị quyết số 71/312 của Đại hội đồng ngày 6/7/2017 “Đại dương của chúng ta, tương lai của chúng ta” kêu gọi hành động thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 14: Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển để phát triển bền vững.
Các quốc gia cam kết hành động để giảm tỷ lệ và tác động của ô nhiễm đối với các hệ sinh thái biển, bao gồm thông qua việc thực thi hiệu quả các công ước có liên quan được thông qua trong khuôn khổ của tổ chức Hàng hải quốc tế và theo dõi các sáng kiến có liên quan.
Có thể kể tới Chương trình hành động toàn cầu bảo vệ môi trường biển khỏi các hoạt động trên đất liền, phấn đấu đến năm 2025, dựa trên dữ liệu khoa học thu thập được, đạt được sự giảm đáng kể các mảnh vụn biển, đặc biệt là rác thải nhựa, chất ô nhiễm hữu cơ bền vững, kim loại nặng và các hợp chất dựa trên nitơ, từ một số nguồn vận chuyển biển và có nguồn gốc từ đất liền; Những nỗ lực đấu tranh khắc phục tình trạng mực nước biển dâng cao, trong đó có việc Ủy ban Luật quốc tế đưa vào chương trình nghiên cứu “Nước biển dâng cao và luật biển quốc tế” trong thời gian 2019-2023.
UNCLOS quy định các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với tài nguyên sinh vật, thực hiện các biện pháp quản lý và bảo tồn tài nguyên trên cơ sở xác định tổng khối lượng đánh bắt cho phép và khả năng đánh bắt. Đây là cơ sở để đấu tranh ngăn chặn nạn đánh cá trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
IUU ảnh hưởng tiêu cực đến nghề cá thế giới và của mỗi quốc gia. IUU tác động đến an toàn thực phẩm, liên kết tới các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia như buôn bán ma túy, hạn chế và bóp nghẹt các nghề cá quy mô nhỏ của các quốc gia đang phát triển, tiếp sức cho tham nhũng, rửa tiền và gian lận thương mại. Lượng cá đánh bắt phi pháp hàng năm được ghi nhận khoảng 11 đến 26 triệu tấn, trị giá 11 đến 23,5 tỷ USD.
T.P