Sáng 28.6, MDM phát bản tin “Cảnh báo đỏ” về mực nước sông Mê Kông. Nguyên nhân là do các đập thủy điện thượng nguồn ở Trung Quốc đóng đập, khiến mực nước sông Mê Kông tại Chiang Saen (Thái Lan) giảm 1,5 mét.
Sự sụt giảm 1,5 mét của mực nước sông Mê Kông tại Chiang Saen (Thái Lan) trong khoảng thời gian từ ngày 26 – 29.6, tại Luang Prabang (Lào) từ ngày 28.6 đến ngày 1.7 tại Chiang Khan (Thái Lan) từ ngày 29.6 đến ngày 2.7.
Trước bản tin cảnh báo đỏ, trong tuần qua Dự án MDM (Giám sát hoạt động các đập thủy điện sông Mê Kông) cũng đã phát đi 2 bản tin cảnh báo màu vàng với lý do tương tự nhưng mực nước sông giảm khoảng 0,7 – 0,8 mét.
Mùa mưa lũ trên sông Mê Kông bắt đầu từ tháng 6. Vào mùa này, các đập thủy điện bắt đầu tích nước làm dòng chảy tự nhiên thường xuyên thiếu hụt. Theo Eyes on Earth, dòng chảy tự nhiên của con sông bị thiếu hụt 23,5%. Khi các đập chứa lớn xả nước vào mùa khô để sản xuất điện và tích trữ nước trong mùa mưa đã làm biến đổi dòng chảy tự nhiên. Điều này sẽ làm đảo lộn môi trường tự nhiên của dòng sông ảnh hưởng đến sự sống và sinh sản của tất cả các loài động thực vật thuộc hệ thống tự nhiên sông Mê Kông. Nó cũng gây tác động tiêu cực đến sinh kế và kinh tế của người dân vùng châu thổ Mê Kông.
Dòng Mê Kông bị tổn thương
Tối 27.6, Trung tâm Stim son (Mỹ) tổ chức hội thảo về mùa mưa lũ Mê Kông 2022. Ông Alan Basist, Chủ tịch dự án Eyes on Earth, phân tích: Mực nước sông Mê Kông vào mùa khô năm nay cao hơn thông thường rất nhiều. Về tự nhiên, ở phía bắc cực nhiệt độ ấm hơn và thời gian ấm sớm hơn mọi năm làm băng tan; có một lượng nước lớn từ cao nguyên Tây Tạng chuyển vào dòng Mê Kông. Yếu tố trực tiếp là sự xả nước của các hồ thủy điện, đặc biệt ở thượng nguồn Trung Quốc.
“Hồi đầu năm nay, tôi có đến thăm các khu dự trữ sinh quyển ở Campuchia như khu rừng ngập nước Stung Treng và nhận thấy cây ở đây chết rất nhiều. Những người dân địa phương cũng phản ánh nhiều về hiện tượng này. Cảnh quan bị ảnh hưởng và các loài sinh vật cũng bị tác động tiêu cực. Nguyên nhân là tự nhiên bị đảo lộn. Có thể 50% diện tích các khu vực này sẽ biến mất nếu tình trạng đảo lộn tự nhiên vẫn tiếp diễn. Các quốc gia trong lưu vực cần hợp tác để duy trì dòng chảy tự nhiên, giảm thiểu tác động để bảo vệ dòng sông và chính cuộc sống người dân”, ông Alan nói.
Ông Ian Baird, Phó giáo sư địa lý Đại học Wisconsin (Madison), người có nhiều năm nghiên cứu về các khu vực ngập nước ở Campuchia nói: Hàng chục năm trước đây vào mùa khô, những nơi này nước chỉ ngập đến gối và người ta có thể dễ dàng đi bộ qua những khu vực này. Nhưng bây giờ vào mùa khô nước ngập rất cao và người ta phải bắc cầu mới có thể đi lại. Dòng sông đang gánh chịu nhiều tác động tiêu cực từ các đập thủy điện, đảo lộn quy luật tự nhiên.
Ông Alan cũng cảnh báo: Trong mùa mưa, các đập thượng nguồn sẽ giữ lại nước và dòng chảy có nguy cơ thiếu hụt, các hồ chứa tự nhiên ở hạ lưu vực đặc biệt như hồ Tonle Sap có khả năng không tích đủ nước. Tonle Sap hay Biển Hồ ở Campuchia là hồ điều tiết nước tự nhiên khu vực hạ lưu sông Mê Kông, tác động rất lớn đến vùng ĐBSCL. Nơi đây cũng là môi trường sống và sinh sản của rất nhiều loại thủy sản.
Bà Chea Seila, đến từ Dự án Kỳ quan sông Mê Kông (Mỹ tài trợ) cho biết: Việc gần đây Campuchia phát hiện sự tồn tại của những loài cá nước ngọt khổng lồ như con cá đuối nặng 300 kg là điều rất đáng mừng. Nó cho thấy dù dòng sông đang bị biến đổi nghiêm trọng nhưng ở một số nơi, môi trường sống vẫn được bảm bảo cho sự tồn tại của chúng. “Vẫn còn có hy vọng cho những nỗ lực bảo vệ môi trường và hệ sinh thái dòng sông. Hy vọng sẽ có sự chung tay của các quốc gia trong lưu vực. Cũng như sẽ không có thêm công trình nào làm tồi tệ thêm hệ sinh thái của dòng sông”, bà Chea Seila nói.
T.P