Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiG20 - sân khấu có ba diễn viên chính

G20 – sân khấu có ba diễn viên chính

Vậy là Indonesia cuối cùng cũng đã chọn được ngày 8/7, “ngày đẹp trời” mở hội nghị dành cho các “Ông lớn” của G20. Sau bốn tháng rưỡi cuộc chiến Nga-Ukraine đã phủ bóng mây đen lên toàn cầu, nay các ông Trùm mới có thể ngồi với nhau để bàn thảo về phát triển kinh tế.

Nói hội nghị bàn về kinh tế bởi ưu tiên số một của nhóm này là tìm các giải pháp thúc đẩy các chính sách toàn cầu liên quan đến kinh tế. Tên gọi G20 hay Nhóm 20 (Group of Twenty) là Diễn đàn quốc tế chính thức dành cho các nguyên thủ và thống đốc ngân hàng trung ương đến từ 19 nền kinh tế hàng đầu thế giới cùng với Liên minh châu Âu (EU).

Tuy bàn về kinh tế, nhưng hội nghị Bali lần này lại đề cập chủ yếu về cuộc chiến Nga-Ukraine. Sự nguy hại và tác động của nó đến tình hình thế giới? Bao giờ thì kết thúc? Trách nhiệm của Moscow đối với hòa bình, an ninh thế giới.

Không khí hội nghị căng thẳng đến mức, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov giữa chừng đã phải xách cặp chuồn khỏi hội trường.

Hội nghị ngoại trưởng nhóm G20 tuy đã không ra một quyết định cụ thể nào, nhưng lại khởi phát sự đối đầu giữa phương Tây và Nga. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng “các nước phương Tây đã thất bại trong việc tẩy chay nước Nga”. Thế nhưng thực tế thì ngược lại.

Bên lề Hội nghị Bali, đại diện nhóm Bộ Tứ Đại Tây Dương, bao gồm Mỹ, Pháp, Đức và Anh ngày đã gặp nhau. Các bên đã thảo luận nỗ lực chung nhằm cung cấp thêm viện trợ an ninh và nhân đạo cho Ukraine trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở nước này vẫn tiếp diễn. Các bên cũng xem xét lại các biện pháp nhằm giải quyết quan ngại về an ninh lương thực toàn cầu vốn là hệ lụy của cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Đại diện 4 nước cũng bày tỏ quan ngại về tiến triển trong chương trình hạt nhân của Iran và nhắc lại cam kết cùng quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân Iran đồng thời kêu gọi nước này từ bỏ các yêu cầu bất hợp lý và sớm đồng ý với một thỏa thuận đã được đưa ra gần đây.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, trong tư cách chủ nhà, khi phát biểu bế mạc đã “bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hậu quả nhân đạo của chiến tranh Ukraina”. Mặc dù cả nhóm G20 không lên án cuộc xâm lược của Nga, nhưng một số nước thành viên thì lên án Nga gay gắt. Các nước phương Tây khẳng định, họ đã thành công trong việc mở rộng mặt trận chống Nga. Moscow phải chịu trách nhiệm trong cuộc xâm lược Ukraina và trong các khủng hoảng năng lượng và lương thực toàn cầu.

Ngoại trưởng Pháp Catherine Colona trả lời phỏng vấn Hãng AFP: “Nước Nga đã bị cô lập đến mức ông Lavrov đã lẳng lặng rời khỏi hội nghị sau khi phát biểu. Không có một quốc gia nào, kể cả các nước trong nhóm BRICS, tức là những quốc gia lớn thân cận với Matxcơva, lên tiếng bênh vực hành động gây chiến tranh của Nga”.

Phải nói thẳng rằng: Chiến tranh Ukraina là một sai lầm lớn trong lịch sử thế giới trong những năm đầu thế kỷ XXI. Nó chia rẽ sâu rộng giữa một bên là Nga với điểm tựa là Trung Quốc và bên kia là Mỹ và các đồng minh phương Tây. Các nước khác G20 thì khó ăn khó nói, “chàng ơi thiếp có phụ chàng không đây?”. Nhưng có “phụ” thì cũng phải nói ra lẽ phải, không phải chỉ vì hòa bình sớm được lập lại ở Uraine mà là vì hòa bình, vì sự phát triển bền vững của toàn cầu.

G20 lần này trên thực tế là một sân khấu với ba diễn viên chính là Mỹ, Trung Quốc và Nga. Bắc Kinh và Matxcơva bắt tay nhau “đấu tố” Washington. Khác hẳn với thượng đỉnh G20 đầu tiên nhằm hợp sức khắc phục hậu quả khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Sự “hợp tác” lúc này là điều quá xa sỉ đối với ba cường quốc nói.

Sau bốn tháng rưỡi Nga phát động chiến tranh, nhân loại đã chứng kiến biết bao chuyện tồi tệ. Hơn 7 triệu người trên thế giới bị đẩy vào cảnh bần cùng (thông báo của tổ chức Chương trình phát triển Liên hợp quốc-UNDP). Hàng chục triệu người đang đứng trước nguy cơ lâm vào cảnh đói kém do giá lương thực thực phẩm tăng cao.

Trước sự bất đồng chính kiến sâu sắc, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cố nở nụ cười gượng gạo: “Điều quan trọng với nước chủ nhà là tạo ra bầu không khí thoải mái cho tất cả người tham gia”.

Nga và Trung Quốc cố tạo ra vẻ mặt bình thường. Còn các nước phương Tây cho rằng, họ đã thành công trong việc mở rộng mặt trận chống Nga. Trả lời AFP, ngoại trưởng Pháp Catherine Colona khẳng định: “Nước Nga đã bị cô lập đến mức không thể cứu vãn. Không có một quốc gia nào lại đi ủng hộ chiến tranh”.

Điều để lại dấu ấn là, mặc dù chủ nhà Indonesia cố giữ thái độ trung lập, nhưng ngay trong Diễn văn khai mạc hội nghị G20, ngoại trưởng Marsudi đã kêu gọi chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraina.

Hãy mau chấm dứt chiến tranh. Quay đầu lại là bờ. Hỡi các chiến binh Xô-viết một thời là niềm tự hào của Liên Xô vĩ đại!

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới