Trả lời cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn nhìn nhận, khó khăn về trang, thiết bị ngành y tế là vấn đề bức xúc thời gian qua. Chính phủ liên tiếp tổ chức các cuộc họp để tháo gỡ.
Sáng 10/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tham dự buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Buổi làm việc còn có sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ, lãnh đạo TP Cần Thơ.
Tại hội nghị, cử tri quận Ninh Kiều, Cái Răng, huyện Phong Điền cũng đại diện các chức sắc tôn giáo của địa phương đã gửi gắm tới Thủ tướng nhiều tâm tư, nguyện vọng về vấn đề phát triển kinh tế – xã hội tương xứng với vị thế của đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
“Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đã nêu rõ Cần Thơ là động lực phát triển của Đồng bằng Sông Cửu Long và cần được ưu tiên. Sự ưu tiên ấy cần nhìn trên tổng thể của cả đất nước và cần cân đối”, Thủ tướng chia sẻ.
Người dân lo lắng lạm phát, giá cả leo thang
Tại buổi tiếp xúc, 9 cử tri đại diện cho người dân TP Cần Thơ cùng chung ý kiến, sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, địa phương cùng cả nước đã đạt được sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế – xã hội trong 6 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, những vấn đề cản trợ sự phát triển và những nỗi lo của người dân vẫn còn tồn tại.
Ông Nguyễn Văn On – cử tri quận Cái Răng – nêu rõ, vấn đề giá cả leo thang, giá xăng dầu tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống các tầng lớp người dân. Trong đó, những hộ dân đang làm nông nghiệp có thể coi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
“Giá xăng dầu tăng cao, kéo theo giá nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng. Đặc biệt đối với hộ làm nông nghiệp, họ gần như chỉ làm để đủ vốn, không có lời”, ông On phản ánh.
Cử tri Nguyễn Xuân Xinh (quận Ninh Kiều) kiến nghị Chính phủ tập trung nguồn lực cho tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ. Khi các dự án này hình thành, Cần Thơ sẽ tăng thêm khả năng liên kết vùng, tạo điều kiện phát triển kinh tế mạnh mẽ.
Ông Bùi Trọng Nghĩa – quận Ninh Kiều – nêu lại, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Cần Thơ được coi là trung tâm vùng, đầu mối kết nối giao thông khu vực.
“Cần Thơ cần tranh thủ các cơ chế, chính sách của Trung ương để phát triển liên kết vùng. Hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị cần được đầu tư mới tương xứng, thay vì chỉ cải tạo những cái sẵn có như hiện nay”, cử tri quận Ninh Kiều góp ý.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cử tri mong muốn Cần Thơ sẽ được ưu tiên hơn về ngân sách nhằm tạo nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông thời gian tới. Ngoài ra, người dân bày tỏ quan tâm đến hạn chế, bất cập của ngành y tế; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; việc xử lý 12 đại dự án thua lỗ 63.000 tỷ đồng ngân sách.
Phải cùng nhau “làm to chiếc bánh ngân sách”
Trả lời ý kiến cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Trong bối cảnh ngân sách hạn chế, vấn đề cốt lõi là các địa phương phải cùng nhau làm “chiếc bánh ngân sách” to lên. Từ đó, ngân sách chia về cho các địa phương mới có thể tăng thêm. Cốt lõi phải cùng nhau làm tổng thu ngân sách tăng lên. Trên cơ sở đó, ngân sách sẽ phân bổ theo nguyên tắc ngân sách Trung ương chủ đạo, ngân sách địa phương chủ động.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, trước hết các địa phương cần tăng thu, tiết kiệm chi. Khi xem xét phân bổ ngân sách cho các địa phương, Trung ương sẽ căn cứu tiêu chuẩn và khả năng, điều chỉnh mức đầu tư công cho cả giai đoạn.
Theo Thủ tướng, TP Cần Thơ được xác định là đô thị động lực của vùng nên cần được ưu tiên. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là sự ưu tiên ấy phải đảm bảo cân bằng, phù hợp ngân sách của cả nước, đem lại hiệu quả cao.
Thủ tướng nhận định, khi nguồn lực ít, đầu tư dàn trải sẽ gây lãng phí, không hiệu quả. Thay vào đó, thành phố cần tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư cái gì xong cái đó rồi mới tính việc khác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn nhìn nhận, khó khăn về trang, thiết bị ngành y tế là vấn đề bức xúc thời gian qua. Chính phủ liên tiếp tổ chức các cuộc họp để tháo gỡ.
“Bộ Y tế vừa rồi đã có một số quyết định để giải quyết vấn đề này nhưng chưa đáp ứng mong muốn của người dân. Tôi đã chỉ đạo Bộ Tài chính vào cuộc, tháo gỡ. Trong quá trình đó, Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến người dân, báo chí”, Thủ tướng nêu giải pháp.
Đối với lo lắng của người dân về giá cả tiêu dùng, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong tình hình hiện nay. Chính phủ đã thống nhất về việc thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt, thận trọng, an toàn.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt giá cả thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm hiện tượng đầu cơ, tích trữ, găm hàng, nâng giá, gian lận thương mại. Bên cạnh đó, nguồn cung năng lượng, lương thực sẽ được giữ vững, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong điều kiện hiện nay.
Báo cáo với cử tri về tình hình xử lý 12 đại dự án gây thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng, Thủ tướng cho hay, về cơ bản, vấn đề của 7/12 doanh nghiệp đã được xử lý. Trong đó, 4 ngân hàng, tổ chức tín dụng đã được khắc phục, giải quyết tồn tại.
T.P