Một mặt, Mỹ xây dựng liên minh để kiềm chế Trung Quốc, mặt khác, Mỹ lại lôi kéo chính Trung Quốc vào nỗ lực cô lập Nga.
Nhân chuyến thăm châu Á và dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) tại Bali (Indonesia), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Đây là cuộc gặp song phương đầu tiên giữa ngoại trưởng hai nước kể từ tháng 10/2021 và diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gia tăng liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có phản ứng đối với cuộc xung đột tại Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã có cuộc hội đàm kéo dài gần 5 giờ đồng hồ với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị để thảo luận về một loạt vấn đề từ những mối quan tâm chung như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hay cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đến những vấn đề đang gây căng thẳng như vấn đề Đài Loan hay cuộc xung đột tại Ukraine.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng rất chú trọng đến việc duy trì mối quan hệ ổn định giữa hai quốc gia. Đáng chú ý, Ngoại trưởng Blinken cho biết Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có cuộc thảo luận trong những tuần tới. Ông nói: “Tôi rất trân trọng cơ hội thảo luận với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Không có gì có thể thay thế cho ngoại giao trực tiếp. Trong một mối quan hệ phức tạp và mang tính hệ quả như giữa Mỹ và Trung Quốc, chúng ta có rất nhiều điều để nói và tôi rất mong đợi những cuộc trò chuyện hiệu quả và mang tính xây dựng”.
Theo các nhà phân tích, cuộc gặp một lần nữa cho thấy cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Biden đối với Trung Quốc. Một mặt, Mỹ không ngừng xây dựng các liên minh để kiềm chế Trung Quốc, thể hiện rõ nhất thông qua kết quả hội nghị thượng đỉnh Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hồi tuần trước tại Tây Ban Nha, với việc lần đầu tiên xác định Trung Quốc là “thách thức hệ thống” lâu dài đối với an ninh châu Âu- Đại Tây Dương. Tuy nhiên mặt khác, Washington cũng đang cố gắng tập hợp một nỗ lực toàn cầu đề cô lập Nga liên quan cuộc xung đột tại Ukraine. Đây là một mục tiêu khó có cơ hội thành công nếu không có sự hợp tác của Trung Quốc hay những quốc gia như Ấn Độ, Brazil hay Saudi Arabia.
Và thực tế là dù đang tình trạng cạnh tranh chiến lược, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn là đối tác thương mại lớn của nhau. Tổng thống Bi đang xem xét loại bỏ thuế quan đối với một loạt hàng hóa Trung Quốc để kiềm chế lạm phát gia tăng, trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới. Chính vì thế, dù không mong đợi bất kỳ bước đột phá nào, song các quan chức Mỹ hi vọng những cuộc trao đổi như thế này có thể giúp hai bên duy trì đường dây liên lạc cởi mở, tạo chỗ dựa vững chắc trong việc chỉ dẫn hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giải quyết các vấn đề ngày càng phức tạp và có khả năng bùng nổ xung đột.
Mỹ thời gian qua đã thận trọng theo dõi các động thái của Trung Quốc khi nước này từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, đồng thời chỉ trích biện pháp trừng phạt của phương Tây và cáo buộc Mỹ và NATO kích động xung đột. Giới chức Mỹ đã cảnh báo về những hậu quả, bao gồm cả các lệnh trừng phạt, nếu Trung Quốc hỗ trợ vật chất cho chiến dịch quân sự đặc biệt Nga tại Ukraine.
T.P