PGS. TS Dương Đăng Huệ cho rằng, Luật PPP (đối tác công tư) mới chỉ tập trung vào hình thức BOT mà bỏ sót các hình thức đầu tư khác…
Tiếc cho lĩnh vực giao thông
Tại Hội thảo “Tháo gỡ rào cản chính sách để thực hiện tốt Luật PPP” ngày 13/7, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông là một trong các dự án đã và đang lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện.
Đây là dự án nằm trong số 3 dự án chuẩn bị đầu tư, 12 dự án đang lựa chọn nhà đầu tư của Bộ GTVT. Thế nhưng các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông này đã phải chuyển từ hình thức PPP sang đầu tư công khi nhà nước đưa ra phương án hấp dẫn mà vẫn không thu hút được nhà đầu tư tư nhân.
“Nguyên nhân là các doanh nghiệp có năng lực không còn hào hứng bởi họ hầu như không thể tiếp cận được vốn tín dụng”, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia luật Ban Pháp chế (VCCI) giải thích.
Ông Đức cho biết, dư nợ các dự án PPP giao thông là khoảng 114 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 1% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Nợ xấu của tín dụng giao thông đã đến cuối năm 2021 là 7,4 nghìn tỷ, tương đương tỷ lệ 6,5%, cao hơn nhiều so với nợ xấu trung bình hệ thống cùng thời điểm là 1,5%.
Chính vì thế, PPP giao thông trở thành lĩnh vực rủi ro tín dụng cao.
Bên cạnh đó, thời gian của dự án giao thông thường kéo dài 20-30 năm. Trong khi đó, chính sách hạn chế dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn cũng khiến thanh khoản lĩnh vực này bị “siết” lại.
Chỉ riêng hai yếu tố trên đã khiến các nhà đầu tư tư nhân khó vay vốn ngân hàng để đầu tư dự án PPP.
Theo số liệu VCCI, Bộ GTVT đang quản lý 72 dự án và 139 nhà đầu tư PPP, ngoài các dự án ở giai đoạn chuẩn bị, các dự án đang triển khai cũng gặp khó khăn khi có 49 dự án có doanh thu thấp hơn dự kiến, 4 dự án chưa được thu phí hoặc phải dừng thu một trạm, nhiều dự án chỉ thu được 13-15% dự toán. Doanh thu trung bình chỉ khoảng 50-80% dự toán.
Tất cả những khó khăn trên dẫn đến hệ quả là nguy cơ chậm tiến độ, đội vốn như trước đây và dẫn đến phải quay lại cơ chế đầu tư công.
“Nếu so sánh với các lĩnh vực PPP khác như môi trường, hạ tầng đô thị… thì PPP giao thông có lợi thế về nhân lực, kinh nghiệm quản lý dự án. Bên cạnh đó là cơ sở pháp lý thực hiện và các tài liệu cũng được chuẩn bị bài bản hơn nhưng hiện nay lại không được sử dụng”, đại diện VCCI tiếc nuối.
Trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng rất lớn, riêng theo quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ 2021-2030 thì đến 2025 cần 78 nghìn tỷ đồng mỗi năm; Từ 2026-2030 cần đầu tư khoảng 102 nghìn tỷ mỗi năm.
PPP quá phức tạp mà luật còn quá đơn giản
Đây là ý kiến của PGS. TS Dương Đăng Huệ, cố vấn pháp lý, Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI).
“Hình như từ thời có Luật PPP, các dự án ngày càng teo lại”, ông Dương nhận định.
Vì sao lại như vậy? Ông Huệ lý giải ngay là do chính bản thân của Luật PPP. “PPP là lĩnh vực vô cùng phức tạp mà Luật PPP lại quá đơn giản, không đi hết được vào các vấn đề của lĩnh vực này; Cũng chưa đủ nội dung điều chỉnh, giải quyết các vấn đề phát sinh của lĩnh vực PPP”, ông Huệ nói.
Là một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực này, ông Huệ chỉ ra, trong PPP có có 5 hình thức phổ biến: Xây dựng – chuyển giao (BT); Xây dựng – cho thuê – chuyển giao (BLT); Xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT); Xây dựng – chuyển giao – vận hành BTO) và xây dựng – sở hữu – vận hành (BOO).
Nhưng nay, trong Luật PPP của ta mới chỉ có 11 Điều, mà chủ yếu tập trung vào BOT mà không bao hàm được hết các hình thức khác, có bao nhiêu vấn đề khác bị bỏ sót. Như thế ai dám đầu tư? Nhà đầu tư muốn vào cũng không đủ cơ sở pháp lý tham gia.
Từ Luật, PGS TS Dương Đăng Huệ cho biết cả Nghị định và Thông tư hướng dẫn cũng mờ nhạt dẫn đến cả Luật, Nghị định, Thông tư không đi vào cuộc sống.
“Sự nghèo nàn của pháp luật đã cản trở chính sách. Chừng nào chưa sửa Luật , Nghị định và các văn bản liên quan để tạo sự đồng bộ như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Kinh doanh… thì không thể áp dụng được”, ông Huệ nói.
Hai là sự kết hợp Nhà nước – Tư nhân không bình đẳng. Ông Huệ cho rằng, bản thân Luật cũng quy định Nhà nước quyết, tư nhân không có vai trò gì.
Ông Nguyễn Trọng Hiệp, giám đốc Công ty TNHH Luật HPVN nói thêm, theo Điều 70 Luật PPP, giải ngân đúng tiến độ là một nghĩa vụ cơ bản của nhà nước đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chế tài mang tính chất xác định trách nhiệm pháp lý của chủ thể đặc biệt là nhà nước, từ đó dẫn đến quyền lợi của các bên liên quan không được đảm bảo, gây bất lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
Hay quy định chỉ có cơ quan ký kết hợp đồng dự án, ở đây là cơ quan nhà nước, mới có quyền yêu cầu Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán. Trong khi đó, bên nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án lại không có quyền này.
“Nhà nước chiếm đã ưu thế trong mối quan hệ với doanh nghiệp”, ông Hiệp nói.
Kiến nghị cơ cấu nợ cho tín dụng giao thông
Các chuyên gia kiến nghị cần hoàn thiện chính sách pháp luật đối với Luật PPP và các văn bản pháp luật có liên quan để đồng bộ khung pháp lý cho lĩnh vực PPP.
Ngoài ra, theo kiến nghị của VCCI, sau khi các dự án cao tốc Bắc – Nam chuyển sang đầu tư công, nhiều doanh nghiệp đang hướng đến cơ chế O&M (hình thức hợp đồng kinh doanh, bảo trì) do đó cần sớm hoàn thiện quy định pháp luật về O&M giao thông theo Luật PPP mới.
Riêng đối với vấn đề tín dụng, VCCI kiến nghị phân loại theo từng dự án. Ví dụ Dự án thu phí mở thường bị hụt doanh thu nhiều hơn so với thu phí đóng do phải miễn giảm cho người dân địa phương.
“Có lẽ cần một Thông tư về cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các dự án giao thông tương tự như Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu lịa nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng khó khăn do Covid-19”, đại diện VCCI kiến nghị.
VCCI cũng kiến nghị các ngân hàng thương mại chủ động giám sát doanh thu để giảm thiểu rủi ro tín dụng cho các khách hàng đã có nợ xấu từ các dự án BOT trước đó.
T.P