Sunday, November 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiQuả sầu riêng Việt Nam sắp được bán ở TQ

Quả sầu riêng Việt Nam sắp được bán ở TQ

Những ngày qua, việc Việt Nam ký Nghị định thư về kiểm dịch sầu riêng vào thị trường Trung Quốc được người trồng sầu riêng tại Đắk Lắk bàn tán xôn xao. Dân vui mừng, doanh nghiệp cũng hi vọng. Sầu riêng còn trên cây, thương lái đã nườm nượp hỏi mua.

Người trồng sầu riêng tại Tây Nguyên đang hết sức vui mừng, hi vọng giá sầu riêng sẽ ổn định sau khi Việt Nam ký kết Nghị định thư về việc kiểm dịch sầu riêng vào thị trường Trung Quốc.

Giá lên hàng ngày, thương lái lùng mua, nông dân, doanh nghiệp đều vui

Còn khoảng hơn 1 tháng nữa sầu riêng ở Đắk Lắk mới bước vào vụ thu hoạch thế nhưng những ngày qua, 2 ha sầu riêng của chị Lê Thị Thanh Thúy (Buôn Dung, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) ngày nào cũng có người hỏi mua.

Theo dõi thị trường, giá sầu riêng tăng lên từng ngày. Ở thời điểm hiện tại, mỗi ký sầu riêng đang được mua ở mức 50.000 đồng. So với cùng thời điểm năm ngoái, mức giá này tăng hơn gấp đôi.

Đặc biệt, ngày 11/7, khi Việt Nam ký kết Nghị định thư về việc kiểm dịch sầu riêng vào thị trường Trung Quốc, chị Thúy đang hi vọng về một mức giá cao hơn. Thế nên, dù nhiều người hỏi nhưng chị Thúy chưa đồng ý bán cho ai.

“Năm nay, sầu riêng mất mùa. Nhưng với mức giá hiện tại, người trồng sầu riêng cũng đủ bù đắp lại mất mát đó. Bây giờ Nhà nước ký kết Nghị định thư với Trung Quốc, người trồng sầu riêng chúng tôi càng phấn khởi”- chị Thúy nói.

“Những năm trước đây, giá sầu riêng hết sức bấp bênh. Thương lái tới mua, kêu giá bao nhiêu chúng tôi bán bấy nhiêu. Họ bán đi đâu, bán cho ai chúng tôi cũng chịu”- chị Thúy nói thêm.

Ông Đỗ Viết Hùng (xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) có 10 ha sầu riêng. Năm ngoái, ông Hùng thu lứa sầu riêng đầu tiên với hơn 110 tấn. Nếu với giá hiện tại, ông Hùng bỏ túi vài tỷ đồng. Nhưng thời điểm đó, toàn bộ vườn sầu riêng, ông Hùng chỉ bán được khoảng 2,7 tỷ đồng.

“Sầu riêng xưa nay đều được thương lái thu mua, xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc nên giá cả bấp bênh, không ổn định. Nghe thông tin, sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch, chúng tôi rất mừng. Vì như thế, giá sầu riêng sẽ ổn định hơn”- ông Hùng nói.

Không chỉ người trồng sầu riêng vui mừng mà các doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu sầu riêng cũng rất phấn khởi khi Nghị định thư được ký kết.

Ông Lê Anh Trung, Giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (xã Ea Kênh, huyện huyện Krông Pắk) nói: Đây cơ hội đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng.

Trước khi có Nghị định thư, dù doanh nghiệp đã xây dựng chuỗi liên kết và làm thủ tục cấp mã số vùng trồng, nhưng quả sầu riêng vẫn chỉ xuất khẩu tiểu ngạch, phải qua nhiều khâu trung gian khiến giá thành tăng cao.

Nông dân, doanh nghiệp, chính quyền đã sẵn sàng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch

Với mức đầu tư lớn, từ khi bước vào sản xuất, gia đình ông Hùng đã trồng theo hướng VietGAP, chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ. Từ ngay sau khi Nghị định thư được ký kết, ông Hùng đã lập tức liên hệ với các doanh nghiệp để liên kết cấp mã vùng trồng.

“Trung Quốc yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép; có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm… Nhằm đạt hiệu quả tôi đã liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng để được cấp mã vùng trồng. Khi được cấp mã thì mọi thông tin về cây sầu riêng của gia đình đều được thể hiện trên đó”- ông Hùng nói.

Ông Trần Quang Viên (xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) cũng cho biết, để chuẩn bị cho sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc thì gia đình ông đã tham gia HTX trên địa bàn. Khi tham gia HTX buộc gia đình ông Viên phải tuân thủ theo quy trình canh tác do HTX đưa ra để đảm bảo yêu cầu từ phía đối tác.

“Trước giờ đầu ra không ổn định, nếu sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì người dân có thu nhập ổn định. Tôi sẵn sàng tuân thủ các quy trình canh tác của HTX cũng như đối tác đưa ra để đảm quả sầu riêng đạt chuẩn”- ông Viên nói.

Để giúp những hộ dân có diện tích nhỏ đủ điều kiện cấp mã vùng trồng, bà Bùi Thị Thu Phương (huyện Cư M’gar) đã thành lập HTX Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Tấn Khang. Hiện HTX có 400 thành viên với diện tích hơn 500 ha trồng sầu riêng.

Theo bà Phương, gia đình bà là một trong những hộ trồng sầu riêng lớn tại địa phương. Khi gặp khó khăn trong mùa Covid-19 vừa qua, trái cây không được vận chuyển mua bán dẫn đến hàng bị ứ đọng nên bị thương lái vào ép giá.

“Thấy được khó khăn của người dân nên HTX thành lập để vận động người dân tham gia. Hiện HTX đã phân công các tổ sản xuất hỗ trợ người dân về kỹ thuật cũng như hoàn tất các hồ sơ để cấp mã vùng trồng. HTX đang chú trọng làm sao để các thành viên có kỷ luật, sản xuất theo một quy trình chuẩn nhằm đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu của phía Trung Quốc”- bà Phương cho biết.

Còn theo ông Lê Anh Trung, “từ năm 2020, chúng tôi cũng đã liên kết xây dựng vùng nguyên liệu với 33 mã số vùng trồng cho 1.160 ha. Đồng thời chúng tôi có 9 cơ sở đóng gói với diện tích mặt bằng xưởng gần 60.000m2, có thể đáp ứng năng lực thu mua những vùng liên kết của chúng tôi với sản lượng 200.000 tấn/năm”.

“Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã liên kết với 20 hợp tác xã với quy mô hơn 6.000 ha. Trong đó, công tác hoàn thiện các thủ tục về mặt hồ sơ vùng nguyên liệu để được cấp mã số vùng trồng thì chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ hơn 2.500 ha”.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, nơi có diện tích sầu riêng lớn nhất tỉnh Đắk Lắk cho biết, nhãn hiệu sầu riêng Krông Pắk đã được bảo hộ. Huyện sẽ tận dụng tốt cơ hội mở ra từ việc sản phẩm này được xuất khẩu chính ngạch.

“Khi Krông Pắk được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu sầu riêng tập thể, huyện đã tuyên truyền để người dân đẩy mạnh để nâng cao chất lượng sản phẩm sầu riêng, đảm bảo yêu cầu của bên nhập khẩu. Trong thời gian qua, huyện cũng tích cực xây dựng các tiêu chuẩn như tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời, tiếp tục đăng ký mã vùng trồng”- bà Trinh nói.

Theo ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk, hiện nay Đắk Lắk có khoảng 66 mã vùng trồng với diện tích khoảng 1.400ha (chiếm khoảng 10% diện tích sầu riêng Đắk Lắk).

So với các tỉnh phía Nam, đây là một lợi thế lớn của Đắk Lắk. Hơn nữa, sầu riêng Đắk Lắk chín muộn hơn so với các tỉnh phía Nam. Do đó, đợt sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sắp tới sẽ không thuộc về Đắk Lắk, tỉnh sẽ có cơ hội để rút kinh nghiệm làm tốt hơn.

Cũng theo ông Côn, trong tháng 7 này, Đắk Lắk sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức hội thảo tập huấn về các quy trình xây dựng mã vùng trồng cho người dân doanh nghiệp. Để chuẩn bị cho việc xuất khẩu sầu riêng, Sở đã làm tất cả những hoạt động để phía Trung Quốc kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng đủ tiêu chí cho sầu riêng xuất khẩu chính ngạch.

Cơ quan chức năng làm đã các động tác cấp mã số vùng trồng, tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho các chủ vườn, chủ cơ sở đóng gói. Sở sẽ tăng cường kiểm tra để đảm bảo không có việc gian lận trong hoạt động xuất khẩu. Đây là bước đầu rất quan trọng để sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới