Saturday, September 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNHÌN LẠI TUYÊN BỐ NĂM 1992 CỦA ASEAN VỀ BIỂN ĐÔNG

NHÌN LẠI TUYÊN BỐ NĂM 1992 CỦA ASEAN VỀ BIỂN ĐÔNG

Biendong.net. Thời gian qua, báo chí Trung Quốc đều cho rằng Biển Đông là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN như Việt Nam và Phi-lip-pin. Từ đó, các báo Trung Quốc kết luận ASEAN không nên thảo luận vấn đề Biển Đông. Câu chuyện hoàn toàn khác những gì mà báo chí Trung Quốc chủ trương.

Cách đây 20 năm, vấn đề Biển Đông đã từng được ASEAN thảo luận và thậm chí ASEAN đã từng ký Tuyên bố của ASEAN về Biển Đông. Tuyên bố này khẳng định những nguyên tắc cơ bản mà các nước ASEAN đã thống nhất liên quan vấn đề Biển Đông.

Tuyên bố của ASEAN về Biển Đông “ASEAN Declaration on the South China Sea” gồm 7 đoạn mở đầu và 5 đoạn nội dung. Tuyên bố được ký tại Ma-ni-la vào ngày 22/7/1992. Sáu vị Ngoại trưởng ASEAN ký văn kiện này là ông Mohamed Bolkiah – Ngoại trưởng Brunei, ông Ali Alatas – Ngoại trưởng Indonesia, ông Daluk Abdulah Bin Hafi Ahmad Badawi – Ngoại trưởng Malaisia, ông Raul S. Manglapus – Ngoại trưởng Philippins, ông Wong Kan Seng – Ngoại trưởng Singapore và ông Ansa Sarasin – Ngoại trưởng Thái Lan.

Phần mở đầu của Tuyên bố nêu bật các quốc gia ven Biển Đông có mối quan hệ lịch sử, văn hoá và xã hội. Các nước ASEAN cùng chia sẻ những lý tưởng về tôn trọng lẫn nhau, tự do, chủ quyền và quyền tài phán của các bên liên quan trực tiếp. Các vấn đề Biển Đông liên quan các vấn đề nhạy cảm là chủ quyền và quyền tài phán của các bên liên quan. Do đó diễn biến phức tạp ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoà bình và ổn định của khu vực. Các nước ASEAN mong muốn thúc đẩy tinh thần thân ái, hữu nghị và hài hoà giữa các dân tộc cùng chung truyền thông và di sản của châu Á; đồng thời mong muốn thúc đẩy các điều kiện then chốt cho việc tăng cường hợp tác kinh tế và thịnh vượng.

alt

Ảnh minh họa: Internet.

Nội dung của Tuyên bố ASEAN về Biển Đông đề cập 5 nguyên tắc quan trọng đối với vấn đề Biển Đông.

Một là, Tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết mọi vấn đề chủ quyền và tài phán ở Biển Đông bằng các biện pháp hoà bình và không sử dụng vũ lực.

Hai là, Tuyên bố kêu gọi các bên kiềm chế để tạo bầu không khí thuận lợi cho giải pháp cuối cùng đối với các tranh chấp.

Ba là, Tuyên bố thể hiện quyết tâm tìm kiếm khả năng hợp tác ở Biển Đông liên quan đến giao thông hàng hải, bảo vệ môi trường biển, điều phối các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, các nỗ lực chống cướp biển và cướp có vũ trang cũng như sự hợp tác chống buôn bán ma tuý.

Bốn là, Tuyên bố kiến nghị các bên liên quan áp dụng các nguyên tắc trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á để làm cơ sở cho việc lập Bộ Quy tắc ứng xử quốc tế ở Biển Đông. Năm là, mời tất cả các bên liên quan tham gia Tuyên bố của ASEAN về Biển Đông.

Việc ASEAN ký Tuyên bố năm 1992 về Biển Đông trước hết thể hiện sự lo ngại của các nước ASEAN về các diễn biến căng thẳng ở Biển Đông thời gian đó. Trước đó 4 năm, vào năm 1988, Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm đóng một số đảo đá của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. ASEAN thấy rõ bản chất phi pháp của Trung Quốc trong sự cố này. Lúc đó, ASEAN không lên tiếng vì một lý do chính trị. Ông Severino R.C nguyên Tổng Thư ký của ASEAN đã viết vào thời điểm đó ASEAN với sự giúp đỡ của Trung Quốc và Mỹ đang chống lại việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia. Ông này cũng phân tích năm 1974, khi Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ tay quân đội Sài Gòn thì ASEAN cũng im lặng. Lúc đó ASEAN thấy được sự phi pháp của Trung Quốc nhưng vì ba trong năm thành viên ASEAN đang chuẩn bị thiết lập quan hệ với Bắc Kinh nên ASEAN không muốn làm mất lòng Bắc Kinh. Ngoài ra ASEAN thấy chính quyền Sài Gòn sắp thất bại trước chính quyền Bắc Việt Nam thân Trung Quốc.

Sau khi tình hình Campuchia đi vào giải pháp chính trị, ASEAN thấy rằng ASEAN không thể không lên tiếng khi tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng. Nếu ASEAN tiếp tục im lặng thì hoà bình và ổn định ở Biển Đông sẽ tiếp tục bị đe doạ và lợi ích chung của ASEAN bị đe doạ. Điều đó dẫn đến việc ra đời của Tuyên bố năm 1992 của ASEAN về Biển Đông. Ông Severino cho biết năm đó Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham và Ngoại trưởng Nga là khách mời của Chủ tịch ASEAN. Các Ngoại trưởng ASEAN đã đề nghị ông Tiền tham gia ký Tuyên bố về Biển Đông. Ông Tiền đã gọi điện về Bắc Kinh thỉnh thị và ông nhận điện chỉ đạo không ký vì Bắc Kinh không tham gia soạn thảo Tuyên bố.

Tuyên bố là văn kiện chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông. Việc ký Tuyên bố đã khẳng định ASEAN có trách nhiệm trong vấn đề duy trì hoà bình và ổn định ở vùng biển này. Những nguyên tắc mà Tuyên bố năm 1992 khẳng định cũng chính là những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc mà các nước ASEAN và Trung Quốc là thành viên. Trung Quốc không chỉ là thành viên Liên hợp quốc mà là một trong 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an nhưng lại từ chối một văn kiện khẳng định các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.

Điều 2 của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á mà Trung Quốc cũng đã tham gia quy định 6 nguyên tắc quan hệ là tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của mọi quốc gia; quyền của mỗi quốc gia quyết định phát triển của dân tộc mình không bị bên ngoài can thiệp, cưỡng bức; không can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia khác; giải quyết các bất đồng và tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình; không đe doạ vũ lực và hợp tác có hiệu quả.

Tuyên bố ASEAN năm 1992 về Biển Đông đã nêu việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trên cơ sở các nguyên tắc này. Chính Tuyên bố năm 1992 đã mở đường cho việc tiến tới Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Việt Nam lúc đó chưa tham gia ASEAN, nhưng đã công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với Tuyên bố năm 1992 của ASEAN về Biển Đông. Các Tuyên bố của các Hội nghị Ngoại trưởng Phong trào Không liên kết (thường gọi tắt là NAM) và các Hội nghị cấp cao của Phong trào này sau đó cũng hoan nghênh Tuyên bố này và kêu gọi các nước tuân thủ các nguyên tắc trong Tuyên bố.

Cuối cùng, việc ASEAN ký Tuyên bố về Biển Đông năm 1992 là bằng chứng hiển nhiên cho thấy Biển Đông không phải là câu chuyện riêng của một hay hai nước ASEAN. Nhận thức rằng vấn đề Biển Đông chỉ là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và một vài nước ASEAN là ấu trĩ./.

Chí Tâm

RELATED ARTICLES

Tin mới