Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLàm Bộ trưởng, cần chuyên môn giỏi hay chỉ cần quản lý...

Làm Bộ trưởng, cần chuyên môn giỏi hay chỉ cần quản lý giỏi?

Ngay sau khi bà Đào Hồng Lan nhận “ghế” Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế vào ngày 15/7, lập tức đã có những ý kiến đa chiều trong dư luận suốt những ngày qua.

Thạc sĩ Kinh tế Đào Hồng Lan là người đứng đầu Bộ Y tế đầu tiên không có chuyên môn về lĩnh vực y tế.

Một luồng ý kiến cho rằng người đứng đầu Bộ Y tế cần thiết phải xuất thân từ ngành y thì mới hiểu biết về chuyên môn để chỉ đạo đúng. Ngược lại là quan điểm cho rằng, Bộ trưởng là chính khách nên điều quan trọng nhất là khả năng quản lý.

Xin được trân trọng giới thiệu quan điểm của TS. Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, TS. Nguyễn Huy Quang – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế và GS.TS. Nguyễn Văn Đệ – Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, về vấn đề này.

TS. Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 14:

Việc đòi hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế phải có chuyên môn y khoa, hay cho rằng không cần chuyên môn, đều là cực đoan

– PV: Dư luận đang tranh cãi gay gắt về việc Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế có cần phải xuất thân từ ngành y hay không, và bên nào cũng có lý của mình. Ông có quan điểm thế nào trước vấn đề này?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Tôi cho rằng, việc đòi hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế phải có chuyên môn y khoa, hay cho rằng không cần chuyên môn, đều là cực đoan.

Bộ trưởng là chính khách, chứ không phải là người làm chuyên môn, nên vấn đề trọng yếu nhất là một mặt phải biết phát huy năng lực lãnh đạo của các lãnh đạo cấp dưới, để phân quyền, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; một mặt vẫn giúp cho các nhà chuyên môn khác thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phát huy được bản lĩnh chuyên môn của họ. Đấy mới là vai trò của một bộ trưởng.

Vì thế tôi không cực đoan về một mặt nào cả. Chúng ta cần phải chờ xem, vì chưa có thử nghiệm nhiều ở lĩnh vực này.

Có một thực tế là, trước đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đều là giáo sư, nhưng hiệu quả lãnh đạo quản lý ngành y tế trong giai đoạn ấy cũng không có gì bứt phá, rồi ông Long thì bị xử lý. Rõ ràng không phải những người giỏi chuyên môn thì lãnh đạo giỏi.

Biết đâu, bà Lan làm Bộ trưởng và vì không giỏi chuyên môn, nên sẽ tìm cách lãnh đạo bằng một phương pháp khác và làm tốt thì sao! Cho nên, theo tôi để thời gian trả lời. Tôi cũng không dám chắc bà Lan sẽ làm tốt hơn bà Tiến, ông Long, nhưng tôi khẳng định bà Lan sẽ ý thức được trách nhiệm cũng như khó khăn của mình, ý thức được cơ hội và nhất là, chắc chắn rút được bài học kinh nghiệm từ những người tiền nhiệm để có thể thực hiện được công việc mà cấp trên giao cho. Nếu bà Lan thực sự cầu thị, tham vấn nhiều ý kiến thì bà Lan sẽ có cơ hội lãnh đạo tốt.

Chưa “đời” Bộ trưởng Bộ Y tế nào nhận được sự quan tâm của dư luận như lần này. Ông nghĩ tại sao?

Ở nước ta có một vấn đề mà dư luận hay để ý là hầu hết các đồng chí ủy viên Trung ương thực hiện nhiệm vụ theo sự quyết định và sắp xếp cán bộ của cấp có thẩm quyền, nên người dân cũng có băn khoăn về việc ủy viên Trung ương thì làm việc gì cũng được. Ví như người không có nghiệp vụ thanh tra vẫn được giao làm lãnh đạo thanh tra, người không có nghiệp vụ y tế vẫn được giao nhiệm vụ lãnh đạo ngành y tế v.v…

Việc này diễn ra rất nhiều và người dân cũng mong muốn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước có sự nhìn nhận thấu đáo hơn, để đảm bảo khi sắp xếp vào vị trí thích hợp sẽ phát huy được năng lực, sở trường, sở đoản của cán bộ, đồng thời không làm mất đi cơ hội của người khác, cũng như không biến các vấn đề về quản lý nhà nước, hoạt động của nhà nước, hoạt động chuyên môn, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến con người và vận mệnh đất nước trở thành lĩnh vực đưa ra để làm thí điểm, vì rủi ro về những lĩnh vực đó rất lớn.

Ông cho rằng thực tài của Bộ trưởng mới là quan trọng?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Thực lực, thực tài của những nhà tham mưu quan trọng hơn. Thực tài của bộ trưởng là biết sử dụng những người tham mưu giỏi và đừng bao giờ định kiến về năng lực chuyên môn, đồng thời, phải biết tạo điều kiện cho người tham mưu làm đúng chức trách, đừng làm thay và đừng bao đồng.

Các nhà tham mưu thì phải thực hiện đúng chức năng tham mưu, đừng có ngần ngại, đặc biệt là nếu đón ý bộ trưởng để làm thì vấn đề quản lý nhà nước sẽ thành sai bét, thụ động.

– Nhưng “tư lệnh ngành” thì phải ra mặt trận thực chiến, như các cuộc chống dịch chẳng hạn và khi không có chuyên môn thì Bộ trưởng sẽ xoay xở ra sao khi gặp tình huống phải xử lý, thưa ông?

Chưa chắc đưa Bộ trưởng ra mặt trận đã là hay. Bộ trưởng là chính khách, ra mặt trận chỉ là để động viên thôi, nắm thực tế để lãnh đạo, đưa ra hành động chứ họ không phải nhà chuyên môn, nên để họ quản lý quá nhiều về chuyên môn không hẳn là đúng.

Bộ trưởng mà không biết sử dụng tham mưu, bao đồng làm hết hay bắt những người tham mưu làm theo ý tưởng của mình là sai và những người tham mưu chỉ chờ Bộ trưởng giao việc cũng là sai. Mà mỗi Thứ trưởng phải là người một nửa làm chuyên môn, một nửa làm quản lý, là đỉnh cao của thực hành và lý luận, giúp cho Bộ trưởng trong công tác lãnh đạo để hoạch định chính sách. Còn Bộ trưởng là người quản lý chính sách và tổ chức thực hiện chính sách, đồng thời, là người tham mưu cho Quốc hội, Thủ tướng và Chính phủ làm chính sách.

Các Thứ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về chuyên môn, tham mưu ra các chính sách chuyên môn. Dưới là các Vụ trưởng. Như vậy, Bộ trưởng có 2 tầng quan trọng để tham mưu cho mình. Các Vụ trưởng là những người rất quan trọng, là tham mưu trưởng của từng lĩnh vực được giao. Bộ trưởng là tổng chỉ huy mặt trận thì phải biết sử dụng các sĩ quan, để họ thông báo tình hình, đề ra được quyết sách để bộ trưởng lựa chọn, quyết định.

– Ông nghĩ thế nào về công tác tổ chức cán bộ của ta?

Dư luận cho rằng, công tác cán bộ của ta còn có những vấn đề bất cập. Tôi và đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cùng nhiều đại biểu khác đã nhiều lần nói như vậy. Chúng tôi khẳng định và có trách nhiệm nói điều này. Bởi vì chúng tôi đi gặp cử tri ở nhiều nơi trong cả nước và kể cả các đồng chí lãnh đạo cao cấp đã nghỉ hưu, người ta gặp chúng tôi đều nói những băn khoăn về công tác cán bộ của chúng ta có vấn đề trong một số nhiệm kỳ chứ không phải bây giờ. Điều đó đã chứng tỏ ở một loạt các quan chức, từ Bộ chính trị trở xuống, đã bị kỷ luật, vướng vòng lao lý, kể cả những sĩ quan công an và quân đội đã được đào tạo và rèn luyện tốt, nhưng hôm trước còn thề thốt, hôm sau đã phạm tội rồi, mặc dù Trung ương có nhiều quy định chấn chỉnh làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều cán bộ đảng viên vi phạm pháp luật, thoái hóa, biến chất, xa rời lý tưởng, thiếu trách nhiệm đối với Nhân dân và đất nước. Từ đó xa rời nhiệm vụ, không giữ được nhiệt tình cách mạng và lời hứa khi nhậm chức.

– Từ thực tế đang diễn ra và những gì ông đã trải nghiệm, ông có kiến nghị gì?

Theo tôi, cần chấn chỉnh và hoàn thiện hơn về thể chế đối với công tác cán bộ. Đây là điểm mẫu chốt nhất mà ngày xưa Bác Hồ cũng đã quan tâm rất nhiều. Nhưng hiện nay chúng ta làm vấn đề này vẫn còn hình thức. Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt của chúng ta có vẻ rất bài bản, nhưng thực chất người dân đánh giá không cao, còn sơ hở, vẫn bị lợi dụng.

Vấn đề thứ hai là thiếu sự lấy ý kiến của người dân, của các cơ quan đoàn thể một cách thực chất vào công tác cán bộ. Đảng nắm toàn quyền về công tác cán bộ không có nghĩa là không tham vấn những vấn đề xung quanh chúng ta để quyết định.

Xin cảm ơn ông!

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới