Năm 1982, Trung Quốc dự kiến phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm – sự kiện đánh dấu bước tiến quân sự mới của nước này. Tuy nhiên, vài tháng trước ngày trọng đại, tài liệu tối mật liên quan đến tên lửa biến mất không một dấu vết.
“Không cánh mà bay”
Ngày 7/10/1982, tên lửa đạn đạo Julang-1 do Trung Quốc nghiên cứu sản xuất được phóng thành công từ tàu ngầm. Trong lịch sử, đây là thời khắc được người dân cả nước tự hào, ăn mừng.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng chỉ 3 tháng trước, vụ phóng tên lửa, còn gọi là dự án “8291” suýt bị hủy bỏ hoàn toàn do các thông tin tối mật về dự án này “không cánh mà bay” chỉ trong 10 phút. Bốn thập kỷ trôi qua, vụ mất trộm “8291” dần hé lộ các tình tiết quan trọng.
Ngày 6/7/1982, các nhà lãnh đạo cấp cao, chuyên gia, nhân viên kỹ thuật có tên trong danh sách tham gia vào dự án “8291” tập trung tại nhà khách của Bộ Tư lệnh Hải quân tại D., thành phố ven biển ở Đông Bắc Trung Quốc. Họ cùng nhau tham dự buổi phóng tên lửa từ tàu ngầm đầu tiên do Trung Quốc nghiên cứu và thử nghiệm.
Sau một ngày làm việc bận rộn, đêm 6/7, kỹ sư trưởng Ding, làm việc tại Ủy ban Khoa học Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng Trung Quốc, trở về phòng nghỉ trong nhà khách. Sau khi khóa chặt cửa ra vào lẫn các cửa sổ, ông Ding cẩn thận đặt chiếc túi da đựng tài liệu tuyệt mật của dự án “8291” lên chiếc bàn cạnh giường rồi đi tắm.
Trở ra vài phút sau đó, ông Ding bàng hoàng nhận ra chiếc cặp đã “không cánh mà bay”. Sự thành bại của buổi phóng tên lửa phụ thuộc hoàn toàn vào những tài liệu quan trọng này nên ông Ding vội vàng báo cáo sự việc cho cấp trên.
Nhà khách lập tức bị phong tỏa, đội an ninh được cử đến điều tra, lục soát nhưng không phát hiện điều bất thường hay nhân vật khả nghi nào. Vụ việc đồng thời được báo cáo về Bắc Kinh, gây náo động trong chính quyền trung ương. Sáng sớm hôm sau, các chuyên gia của Bộ Công an, Cục An ninh Quân ủy Trung ương cùng các lực lượng điều tra lần lượt đến thành phố D. để tiến hành cuộc điều tra tại chỗ.
Sau khi quan sát kỹ lưỡng, đội điều tra phát hiện nhiều vết xước, vết giày bám trên tường trong, ngoài và khung cửa sổ của căn phòng nơi ông Ding nghỉ ngơi. Không có vật dụng nào khác trong phòng bị lấy mất. Điều này cho thấy, hung thủ đã cạy cửa sổ, trèo vào phòng lấy chiếc cặp đựng tài liệu tối mật rồi nhanh chóng bỏ trốn với mục đích rất rõ ràng.
Mô phỏng lại hiện trường, các chuyên gia phân tích, tên trộm đã ẩn mình trong bóng tối ngoài cửa sổ và quan sát phòng nghỉ qua khe hở trên rèm cửa. Khi ông Ding vào phòng tắm, hắn sử dụng một cây tăm nhỏ để cạy cửa sổ, sau đó đột nhập vào phòng, mang theo chiếc cặp rồi bò ra ngoài ban công. Với chiếc cặp tuyệt mật trên tay, hắn ta lập tức rời khỏi nhà khách mà không gây ra tiếng động.
Ngay sau đó, một cuộc họp khẩn cấp được tổ chức. Các điều tra viên của Bộ Công an nghi ngờ, kẻ trộm là gián điệp được các phe phái nước ngoài cài vào nội bộ rồi tuồn ra ngoài. Nhưng số khác phản biện tính bảo mật của dự án “8291” rất chặt chẽ, kẻ thù nước ngoài dường như không nắm được bất kỳ thông tin nào.
Giữa làn sóng tranh cãi, ông Wang Jizhang, Giám đốc Sở Công an thành phố D., đã đưa ra một giả thuyết táo bạo, kẻ trộm là người bình thường và không liên quan đến bối cảnh chính trị. Mặc dù, nhiều người không đồng ý với quan điểm này, cách nhìn của ông Wang Jizhang đã mang lại một cách nghĩ mới cho việc điều tra và phá án.
Án trộm liên hoàn
Trong khi vụ án “8291” chìm trong bế tắc, ngày 31/7/1982, Sở Cảnh sát Fujiazhuang quận Tây thành phố D. nhận được tin phòng số 6 trong Viện Điều dưỡng dành cho công nhân mỏ than bị trộm. Bọn chúng đã đánh cắp hơn 700 nhân dân tệ tiền mặt, hơn 100 kg tem phiếu thực phẩm ở tỉnh Liêu Ninh và một số nhu yếu phẩm.
Đầu những năm 1980, Trung Quốc vẫn sử dụng tem phiếu lương thực. Ngoài ra, thu nhập của người lao động thường chỉ từ 30 – 50 nhân dân tệ nên số tiền bị mất trộm không hề nhỏ. Sở Cảnh sát lập tức thành lập chuyên án điều tra.
Khi nhận được thông tin, Wang Jizhang đã tức tốc đến hiện trường. Kết quả điều tra cho thấy, tên tội phạm đã mở cửa sổ lưới nằm ngang cách mặt đất 2m rồi lẻn vào phòng. Hành vi phạm tội lần này rất giống với vụ án “8291” vì có nhiều vết xước, dấu chân trên tường và khung cửa sổ. Ông Wang đã đặt nghi vấn hai vụ án này có liên quan đến nhau.
Nửa tháng sau, một vụ trộm khác xảy ra ở khu điều trị thứ ba của Viện Dưỡng lão dành cho công nhân mỏ than. Lần này, tên tội phạm đã đột nhập và lấy cắp hai hộp thuốc lá nhân sâm, một máy ảnh cao cấp và một số vật dụng hàng ngày. Liên tiếp các vụ án có cách thức phạm tội giống nhau đã xác thực giả thuyết của ông Wang.
Ngày 15/8/1982, khi đang đi tuần, cảnh sát thành phố D. phát hiện Liu Yingfu, tên xã hội đen có biệt danh là “Đậu phụ khô” đang rình trộm ngoài nhà vệ sinh nữ. Trong quá trình truy bắt, họ phát hiện hai hộp thuốc lá nhân sâm trong vụ mất cắp tại khu điều trị thứ ba. Trước những bằng chứng rõ ràng, “Đậu phụ khô” khai nhận đã thực hiện 2 vụ trộm trong viện dưỡng lão với tổng số tiền hơn 10 nghìn nhân dân tệ.
Nhìn bề ngoài, hai vụ án này đã khép lại mỹ mãn. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm và sự nhạy bén nhiều năm làm nghề, ông Wang nghi ngờ vụ án “Đậu phụ khô” vẫn chưa kết thúc và có liên quan đến vụ án “8291”.
Dựa trên kết quả kiểm tra tại chỗ và thẩm định kỹ thuật, Wang Jizhang đã phân tích chi tiết vụ án “8291”, hai vụ trộm tại viện dưỡng lão và tìm ra những cơ sở chung trong phương thức hoạt động và mục tiêu tiếp cận của tội phạm.
“Đậu phụ khô”, Liu Yingfu, 25 tuổi, là công nhân tại một nhà máy sản xuất động cơ điện và từng là lính cứu hỏa. Hắn ta đã sử dụng những kỹ năng leo trèo trong khóa huấn luyện chữa cháy để ăn trộm.
Đặc biệt, nhà của Liu cách nhà khách của Bộ Tư lệnh Hải quân không xa. Vào ngày 6/7, khi vụ án xảy ra, nhà máy sản xuất nơi Liu làm việc cho nhân viên nghỉ làm. Trước những lập luận sắc bén của ông Wang, Liu Yiungfu đành nhận tội.
Liu Yingfu cho biết, vào ngày nghỉ 6/7, hắn ta rảnh rỗi đi dạo quanh nhà khách của Bộ Tư lệnh Hải quân và chứng kiến nhiều sĩ quan trông âu phục đẹp đẽ ra vào nhà khách. Điều đó khiến hắn ta nảy sinh suy nghĩ rằng “sĩ quan hải quân được trả lương hậu hĩnh nên sẽ có nhiều đồ vật có giá trị để ăn trộm”.
Nghĩ vậy, trong đêm khuya thanh vắng, “Đậu phụ khô” trèo qua tường rào đi vào nhà khách. Hắn ta trốn ngoài cửa sổ của một phòng nghỉ bất kỳ và phát hiện một chuyên gia đi vào phòng mang theo cặp tài liệu căng phồng. Khi người này đi tắm, Liu nhân cơ hội đó lẻn vào phòng, ôm theo chiếc túi da lớn rồi bỏ chạy.
Truy tìm mảnh ghép
Ngày 20/8, ông Wang đã báo cáo vụ việc với lực lượng đặc nhiệm vụ án “8291”. Theo nguyên tắc không được để lọt bí mật nghiên cứu khoa học quốc phòng, lực lượng đặc nhiệm quyết định lập tức tìm tung tích của tài liệu và khép lại vụ án sau khi xác nhận không bị lộ.
Theo Liu, sau khi lấy trộm chiếc cặp, hắn ta không về nhà mà trực tiếp đi xe điện đến Công viên Hải Tân. Hắn ta chui vào nhà vệ sinh công cộng ở gần đó để kiểm tra chiếc cặp nhưng nhanh chóng thất vọng vì bên trong chiếc cặp chỉ toàn tài liệu, giấy tờ mà không có vật tư nào giá trị.
Dưới ánh đèn mờ ảo, hắn ta giật mình khi nhìn thấy dòng chữ “Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” kèm theo dấu đỏ “Tối mật”. Dù trình độ học vấn không cao, Liu nhận ra mình đã gây họa lớn bởi các tài liệu thuộc tính “Tối mật” là “bất khả xâm phạm”. Những ai cố tình tiếp cận tài liệu này sẽ bị xử phạt nghiêm ngặt.
Hắn ta ngồi trong phòng vệ sinh lo lắng hồi lâu. Không thể đầu thú để tự kết liễu cuộc đời mình, Liu quyết định xé tập tài liệu thành nhiều mảnh, ném vào bể phốt trong nhà vệ sinh rồi nhanh chóng rời khỏi hiện trường và giả vờ như chưa có chuyện gì xảy ra.
Trước sức ép của cảnh sát, Liu cuối cùng cũng khai ra vị trí phi tang tài liệu. Vì vụ án đã xảy ra được một tháng, bể phốt đã được hút 3 lần và toàn bộ số chất thải được đưa đến khu vực đất nông nghiệp ở thôn Xinzhaizi, ngoại ô thành phố D., nhưng không ai biết chính xác số chất thải này đã được sử dụng trong khu đất nào.
Sáng hôm sau, hơn 200 cán bộ, cảnh sát vũ trang đã đến thôn Xinzhaizi. Mỗi người cầm một cái cào sắt, chịu trách nhiệm bới hai luống đất tìm tài liệu nhưng vừa phải đảm bảo rau màu không bị hư hại vừa đảm bảo không sót một tấc đất nào và khi tìm thấy tờ giấy nào có chữ phải nộp ngay cho lãnh đạo.
Khoảng giữa trưa, trong một ruộng trồng cà rốt, một người lính tìm thấy mảnh giấy có chữ bị mờ “Trung ương nghiên”. Người khác tìm được mảnh giấy ghi chữ “Quân uỷ”… Ghép các mảnh giấy lại với nhau có thể khẳng định đây là những mảnh giấy của tài liệu tuyệt mật trong vụ án “8291” bị đánh cắp. Sau hơn một tháng, vụ án trộm cắp lớn “8291” chính thức được phá.
Dự án “8291” là kế hoạch phóng thử nghiệm tên lửa quốc gia vào ngày 1/9/1982, dưới sự chỉ huy trực tiếp của tướng Zhang Aiping, Quốc vụ viện và Quân ủy Trung ương. Do tài liệu mật bị ăn cắp, dự án đã bị lùi sang tháng 10/1982.
Cốt lõi của dự án này là tên lửa đạn đạo Julang-1. Việc nghiên cứu tên lửa này bắt đầu từ năm 1969. Từ ngày 7 đến 16/10/1982, Trung Quốc đã phóng thành công tên lửa Julang-1 từ tàu ngầm ở khu vùng biển Nam Thái Bình Dương đúng theo kế hoạch.
Vụ phóng tên lửa thành công đánh dấu bước phát triển mới trong kỹ thuật chế tạo tên lửa của Trung Quốc, đồng thời khẳng định sức mạnh quân sự của quốc gia này.
T.P