Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNếu con Covid-19 biết nói…

Nếu con Covid-19 biết nói…

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2022, ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhom vừa có một tuyên bố tưởng như làm thức dậy lạc quan về một COC có thể được thông qua trong năm nay. Tuy nhiên…

Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin AKP (Hãng thông tấn quốc gia Campuchia) ngày 21/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn cho rằng, cần phải có COC để tránh xảy ra vi phạm và đối đầu giữa tất cả các nước liên quan.

Tuyên bố đưa ra hai tuần trước Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) và các cuộc họp liên quan diễn ra từ ngày 29/7 đến 5/8 tại Phnom Penh, có ý nghĩa như “lời giáo đầu” cho sự kiện quan trọng mà Campuchia là nước chủ nhà đăng cai.

Qua các đặt vấn đề đó, một mặt, ông Prak Sokhonn muốn nhấn mạnh: Campuchia, trong tư cách Chủ tịch, kêu gọi các bộ trưởng ngoại giao tham dự AMM-55 đừng sao nhãng một nội dung trọng tâm của sự kiện này, là tập trung hoàn tất đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC); mặt khác, như muốn để cho các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế thấy xứ xở Chùa Tháp có trách nhiệm như thế nào đối với những vấn đề quan trọng của khu vực, từ đó, mà thay đổi cái nhìn “định kiến” với quốc gia này.

Tại sao lại ông Prak Sokhonn – một nhà ngoại giao chuyên nghiệp – lại khiến dư luận nghĩ rằng, ông đang mang tâm trạng day dứt về điều có thể xem như “mặc cảm tội lỗi” với các quốc gia ASEAN trong vấn đề liên quan đến COC?

Những người quan tâm tình hình Biển Đông và khu vực đều biết, COC – một bộ quy tắc có tính ràng buộc pháp lý – có ý nghĩa như thế nào với mong muốn vãn hồi tình hình đang ngày một xấu đi trên Biển Đông, tiến tới đưa nơi này thành khu vực ổn định, hòa bình.

Đòi hỏi về COC càng cấp thiết hơn khi Tuyên bố về ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC), trong suốt 20 năm qua gần như chỉ có tính hình thức, thất bại hoàn toàn trong ngăn cản, kiềm chế sự hung hăng và tham vọng nuốt trọn Biển Đông của Trung Quốc.

Dư luận càng trở nên chán nản, thất vọng hơn khi năm 2016, Phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA) bác bỏ hầu hết các yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, bị Bắc Kinh gạt phắt; đồng thời, ngoài thực địa, hoạt động quân sự hóa các đảo, đá cưỡng chiếm trái phép, cũng như quấy nhiễu các nước láng giềng thăm dò, khai thác dầu khí…càng được Trung Quốc đẩy mạnh hơn.

Tuy nhiên, càng quyết tâm, COC vẻ như càng lùi xa như một bến bờ ảo vọng, bởi quá trình đàm phán, các bên không thể gỡ nổi một nút thắt – đó là “đường 9 đoạn”.

Trung Quốc, một mặt hô hoán “cần COC” lắm. Thậm chí, gần đây, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn vỗ về các nước ASEAN rằng, các bên đã ‘thống nhất được lời nói đầu”.

Cho là thế đi, thì “lời nói đầu” có ý nghĩa gì khi Bắc Kinh khăng khăng 90% Biển Đông là của họ. Không chấp nhận yêu sách, thì Trung Quốc chỉ có lắc đầu, tự các nước còn lại bàn với nhau. Mà gật với Trung Quốc, hóa ra Việt Nam, Philippines, Malaysia… “cúng” không Biển Đông cho Trung Quốc, chưa nói những vấn đề liên quan tự do hàng hải trong một tuyến giao thương quan trọng bậc nhất thế giới.

Trong trường hợp đó, COC phỏng có ý nghĩa gì? Của Trung Quốc cả, dùng thế nào, cho ai thuê, ai qua…, là toàn quyền Trung Quốc. Vẽ ra chuyện bàn soạn làm gì cho mất thời gian?

Và các nước ASEAN cũng biết, trong khối, liên quan câu chuyện Biển Đông, ai là quốc gia theo đuôi Bắc Kinh. Trong danh sách ngắn đó, nếu được hỏi, chẳng ai có thể gạt Campuchia ra ngoài.

Oan Campuchia chăng? Không! Ông Prak Sokhonn có muốn, cũng cãi sao nổi, cách đây đúng 10 năm: năm 2012, do sự giật dây của Trung Quốc, Campuchia lợi dụng cương vị Chủ tịch ASEAN, đã cố tình ngăn cản để AMM 45 không đưa ra được thông cáo chung về Biển Đông, khiến dư luận chưng hửng và thất vọng.

Năm 2016, khi Tòa Trọng tài (PCA) ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, Campuchia cũng là bị các hãng tin nước ngoài chỉ đích danh là bên phản đối các ngoại trưởng ASEAN ra tuyên bố chung về Biển Đông. Lý do ai cũng hiểu, PCA đã xử thắng cho Philippines.

Gần đây, dư luận lại đang eo xèo, đặt dấu hỏi về việc Campuchia để cho Trung Quốc biến quân cảng Ream thành bàn đạp mở rộng bành trướng trên Biển Đông cũng như kết nối với Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương để cạnh tranh với Mỹ; tất nhiên, đổi lại, Campuchia nhận mớ tiền chắc chắn là lớn.

Gắn với Trung Quốc đến mức ấy, một khi Trung Quốc đã không muốn thấy mặt COC thì ông Prak Sokhonn lạc quan thế, chứ hơn thế, dư luận cũng vội tin sao được?

Khuất tất, biết điều thì lặng im là thượng sách. Vậy mà ông Prak Sokhonn lại hành xử dại dột, lờ tịt nguyên nhân chính là sự ngang ngạnh, thiếu thiện chí của Trung Quốc, để đổ rằng: COC có thể đã được thống nhất trong những năm trước, nhưng đã bị trì hoãn vì các quốc gia đang bận rộn với cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, cùng trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin AKP ngày 21/7 nêu trên.

Nếu con Covid-19 mà biết nói…

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới