Khi chứng kiến các phản ứng mạnh mẽ, liên tục từ chính quyền Trung Quốc để phản đối cuộc ghé thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi, nhiều người đã nghĩ đến khả năng xảy ra một cuộc động binh lớn.
Thật ra, từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, tâm lý lo ngại Trung Quốc phát động chiến tranh vũ trang đối với Đài Loan đã có. Người ta cho rằng cách hành xử của Nga tạo tiền đề cho Trung Quốc làm chuyện tương tự. Nhưng gần 6 tháng qua, Trung Quốc vẫn chưa có động thái gì có vẻ như sẽ phát động chiến tranh thật sự với Đài Loan. Đất nước này chỉ thực hiện biện pháp cấm nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, cá biển quy mô nhỏ, không đáng kể dành cho Đài Loan và một số cuộc tập trận bắn đạn thật trong phạm vi phòng vệ của đảo này.
Với chuyến ghé thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, liệu tình hình có trở nên nguy hiểm? Câu trả lời mà giới quan sát đưa ra được lúc này là “không biết chắc”. Có thể đề cập đến một số lý do mà Trung Quốc chưa hoặc không phát động chiến tranh đối với Đài Loan trong tương lai gần.
Kinh tế luôn là lý do đầu tiên của mọi cuộc chiến tranh?
Không phải hoàn toàn, nhưng phần lớn là như vậy. Nếu Trung Quốc gặp bất lợi về kinh tế, họ sẽ không vội vàng phát động chiến tranh. Xưa nay, Trung Quốc tự hào với tên gọi “công xưởng của thế giới”. Họ sản xuất mọi thứ mà thị trường thế giới cần và đưa hàng hóa ra thế giới bằng đường hàng hải. Ngược lại, để có nguyên liệu cho “công xưởng”, Trung Quốc nhập rất nhiều nguyên vật liệu và nhiên liệu từ các nước khác, mà đường hàng hải là con đường vận tải chính.
Điển hình, hàng năm, Trung Quốc cần hơn 200 triệu tấn than để cung cấp cho nhiệt điện và các ngành liên quan. Từ sau trục trặc quan hệ với Úc, Indonesia trở thành nhà cung cấp chính cho Trung Quốc. Ngoài than đá, Trung Quốc còn nhập khẩu khí đốt nhiều nhất thế giới, và phải mua dầu thô từ Nga, các nước Ả-rập để cân đối nhu cầu nhiên liệu trong nước. Thực tế, năng lực khai thác dầu thô của Trung Quốc chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của nền kinh tế. Bên cạnh nhiên liệu, nguyên liệu cho các ngành sản xuất chủ lực, đặc biệt là điện – điện tử – trí tuệ nhân tạo, cần nguồn chất bán dẫn, mà Đài Loan đứng đầu danh sách nhà cung cấp. Chưa kể, vấn đề lương thực đáp ứng cho 1,4 tỷ dân.
Trung Quốc thực sự phụ thuộc rất nhiều vào việc mua hàng hóa công nghệ cao của Mỹ. Ví dụ, trong những năm gần đây, Trung Quốc nhập khẩu chip trị giá hơn 300 tỷ USD mỗi năm. Năm 2021, Tổng lượng chip Trung Quốc nhập khẩu lên đến 380 tỷ USD.
Hẳn nhiên, muốn phát động một cuộc chiến tranh đối với Đài Loan, Trung Quốc phải dành nhiều thời gian chuẩn bị. Trên thực tế, các kho dự trữ dầu thô, các kho dự trữ lương thực lớn hay nguyên vật liệu cho sản xuất công nghiệp, hàng tiêu dùng của Trung Quốc có thể đảm bảo cung cấp an toàn cho nhu cầu của người dân, doanh nghiệp khoảng 12-18 tháng liên tục, nhưng lâu hơn thì tình hình sẽ nhanh chóng hỗn loạn.
Không chỉ liên quan đến nhập khẩu mà xuất khẩu cũng là vấn đề khiến Trung Quốc suy nghĩ. Trung Quốc sản xuất cho nhu cầu của thế giới, chứ nhu cầu tiêu dùng trong nước của họ không thật sự lớn. Một khi không xuất hàng hóa được, mọi thứ sẽ là thảm họa. Điều này được nhận thấy rõ nhất khi Mỹ áp các lệnh trừng phạt nghiêm khắc lên hàng hóa Trung Quốc trong giai đoạn cao điểm của cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung. Hàng loạt các nhà máy đã đóng cửa, tình trạng thiếu việc làm gia tăng ở các địa phương tập trung đông nhân công cho các ngành sản xuất hàng xuất khẩu.
Chính quyền Trung ương Trung Quốc phải ra các lệnh yêu cầu công sở, bệnh viện, trường học trong nước ưu tiên mua sắm trang thiết bị, hàng hóa nội địa, để giảm tình trạng dôi dư hàng hóa. Dù các số liệu Trung Quốc công bố nhỏ giọt và bị hoài nghi về tính xác thực, nhưng theo tính toán của Kearney – một công ty tư vấn quản lý toàn cầu uy tín, riêng xuất khẩu hàng chế tạo của Trung Quốc sang Mỹ trong năm 2021 đã giảm hơn 50 tỷ USD so với năm 2018, do thuế quan làm tăng chi phí đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Khi những khó khăn của tình hình xuất khẩu và sự gián đoạn một phần chuỗi cung ứng trong nước do chính sách “Zero Covid” vẫn còn thì liệu Trung Quốc có nghĩ đến một cuộc chiến tranh?
Chính trị không thuận lợi và nguy cơ sa lầy khi gây chiến
Có thể thấy sự phụ thuộc của Trung Quốc với nguồn cung nguyên- nhiên liệu từ các nước trên thế giới lớn hơn Nga rất nhiều. Hơn nữa, Đài Loan không phải là Ukraine. Hòn đảo này luôn gắn bó với quyền lợi chính trị của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương một cách mật thiết. Một phản ứng có tính cực đoan đối với Đài Loan lúc này không còn là chuyện giữa Trung Quốc và Đài Loan nữa.
Không ai dám chắc các đồng minh thân cận của Mỹ ở Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc đứng ngoài cuộc chiến nếu nó xảy ra. Điều này có thể tiên liệu được do các bất đồng “căn cơ” giữa Nhật Bản -Trung Quốc (chiến tranh trong quá khứ giữa 2 nước), Hàn Quốc -Trung Quốc (vấn đề Triều Tiên).
Nếu Trung Quốc phát động chiến tranh lúc này, Đài Loan sẽ trở thành vấn đề quốc tế, không còn là việc “thống nhất Trung Quốc” theo cách Trung Quốc vẫn hay nói mỗi khi họ tổ chức tập trận gần hòn đảo này nữa.
Một cuộc chiến, vốn được định sẽ diễn ra chớp nhoáng như cuộc xung đột Nga – Ukraine mà đến nay vẫn chưa thấy hồi kết thì liệu cuộc chiến tranh Trung Quốc sẽ phát động đối với Đài Loan có nhanh tàn? Chắc chắn là không vì tính quốc tế của cuộc chiến này có cơ sở hơn so với cuộc chiến của nước Nga. Càng nhiều dây nhợ chính trị, sẽ càng đẩy Trung Quốc vào bất ổn.
Tạm thời, ngoài những pha nắn gân đe dọa từ hai bờ eo biển Đài Loan, có lẽ sẽ chưa thấy khói lửa trên đảo Đài Loan, ít nhất là cho đến tháng 11 năm nay, khi Đại hội Đảng Trung Quốc diễn ra.
T.P