Thế giới từng lo ngại khi chiến sự Nga – Ukraine bùng nổ thì có thể đây sẽ là tiền đề để Trung Quốc tấn công Đài Loan. Tiếp đó Trung Quốc lại bày tỏ thái độ không đồng tình với việc cấm vận với Nga, thậm chí còn hỗ trợ Nga trong việc tiêu thụ dầu mỏ, khí đốt và vấn đề tiền tệ.
Gần đây vấn đề Trung Quốc – Đài Loan lại nóng lên khi bà Chủ tịch hạ viện Mỹ quyết đến thăm Đài Loan mặc dù đã bị Trung Quốc phản đối và đe dọa sẽ phải chịu hậu quả. Ngay lập tức Trung Quốc tổ chức tới sáu cuộc tập trận bắt đạn thật bao quanh Đài Loan. Nhiều chính trị gia, các nhà quân sự đều dự báo đây có thể là cái cớ, là thời gian thích hợp để Trung Quốc tấn công Đài Loan thực hiện quyết tâm một Trung Quốc bằng quân sự. Các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc đã lên phương án phòng vệ nếu cuộc chiến Trung – Đài nổ ra.
Nhưng rồi tình hình không như nhiều người dự đoán. Sau khi ồ ạt tập trận, dương vây hăm dọa quân đội Trung Quốc lại thu quân. Eo biển Đài Loan và vùng biển bao quanh lại trở lại bình yên. Vì sao vậy?
Vừa qua, một tạp chí Trung Quốc đã chỉ ra rằng: chính cuộc chiến Nga – Ukraine là “bài học lớn nhất” dành cho quân đội Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải xem lại tiềm lực quân sự, năng lực tác chiến trong điều kiện chiến tranh hiện đại như đã diễn ra ở Ukraine.
Nếu tiến đánh Đài Loan, mặc dù quân đội rất đông, hàng triệu người, nhưng Trung Quốc chỉ có thể sử dụng hải quân với lính thủy đánh bộ, không quân và tên lửa.
Thực tế chiến trường Ukraine cho thấy mặc dù tiềm lực quân sự của Nga vượt trội, đặc biệt là hải quân, không quân và tên lửa nhưng quân Nga đã không thể đánh nhanh, thắng nhanh như họ trù liệu mà còn chịu tổn thất rất lớn. Vào giữa tháng 4, Ukraine đã đánh chìm soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen thuộc Hải quân Nga bằng tên lửa chống hạm được phóng từ trên bộ. Chưa đầy một tháng sau, Ukraine lại đánh chìm chiếc tàu thứ hai của Nga ở Biển Đen bằng máy bay không người lái. Tên lửa và pháo tầm xa của Ukraine được Mỹ và các nước viện trợ đã tiêu diệt nhiều phương tiện chiến tranh, các căn cứ quân sự và kho vũ khí của Nga.
Từ đó, tạp chí Naval and Merchant Ships của Trung Quốc cho rằng bài học lớn nhất từ chiến sự Nga – Ukraine là nhu cầu cấp thiết phải tăng cường khả năng phòng không và hiệu quả tác chiến chống tên lửa của lực lượng lính thủy đánh bộ Trung Quốc. “Nhiệm vụ chính của các hạm đội hộ tống là cung cấp nhiều sự hỗ trợ khác nhau, chẳng hạn như lá chắn phòng không và chống tên lửa, cho các hạm đội đổ bộ, vốn dễ bị tấn công khi tiếp cận bờ biển Đài Loan”.
Theo tạp chí này phân tích thì khả năng phòng không của các tàu đổ bộ Trung Quốc và khả năng chống tên lửa rất yếu ngay cả khi được trang bị phòng không tầm ngắn HQ-10. Còn tên lửa từ tàu nổi của Trung Quốc có tầm bắn không đủ để bảo vệ hiệu quả lực lượng lính thủy đánh bộ.
Từ năm 2017, Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch tăng số lượng lính thủy đánh bộ từ 20.000 lên 100.000 quân. Trung Quốc cũng đang xây dựng quy mô và khả năng của quân đoàn thủy quân lục chiến. Trong khi đó tiềm lực quân sự của Đài Loan, đặc biệt là tên lửa và hệ thống rocket phóng loạt Thunderbolt_2000 là không thể coi thường.
Từ thực tế nêu trên và thực lực của quân đội Trung Quốc và việc Mỹ cam kết bảo vệ Đài Loan đã làm cho Bắc Kinh chưa dám manh động tấn công Đài Loan ở thời điểm hiện nay.
H.B