Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao nhiều giáo viên nghỉ việc?: Áp lực để đạt 100%...

Vì sao nhiều giáo viên nghỉ việc?: Áp lực để đạt 100% học sinh lên lớp

Có nhiều nguyên nhân khiến giáo viên nghỉ việc, trong đó có nguyên nhân chính là đồng lương không tương xứng trong khi công việc lại gây rất nhiều áp lực cho giáo viên.

Tất bật với bao loại hồ sơ sổ sách

Một giáo viên phải có giáo án soạn đủ các bước lên lớp dù dạy khối lớp đó trên 20 năm. Nhưng giáo viên đâu chỉ có giáo án mà còn rất nhiều loại hồ sơ khác như kế hoạch giảng dạy tuần, kế hoạch giảng dạy cho năm học, kế hoạch tự bồi dưỡng chuyên môn, sổ dự giờ, sổ điểm…

Nếu chủ nhiệm thì phải có sổ chủ nhiệm, giáo án sinh hoạt ngoài giờ lên lớp… Tất cả các loại sổ sách đều khá đẹp trong khi giáo viên thì ngày càng “khô héo” vì tất bật công việc. Tuy nhiên không chỉ có giáo viên dạy lớp vất vả với các loại hồ sơ sổ sách mà cán bộ quản lý cũng không kém. Hình ảnh thầy hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng suốt ngày phải ngồi vào bàn vi tính làm việc thật sự quá quen thuộc với nhiều người.

Dự giờ, hội họp quá nhiều

Việc dự giờ thăm lớp là quy định bắt buộc của ngành giáo dục dù ai cũng biết dự giờ càng nhiều thì lợi bất cập hại và làm mất thời gian cho giáo viên. Nhiều giáo viên dạy vào buổi sáng thì buổi chiều phải ở lại dự giờ đồng nghiệp mới đủ 18 tiết theo quy định trong năm học. Thực tế cho thấy những tiết học có dự giờ thì học sinh thường rụt rè sợ sệt, nhiều em giỏi cũng phát biểu sai những câu hỏi rất dễ. Các em không tiếp thu bài tốt bằng những tiết học bình thường. Ngoài ra, giáo viên còn phải tham gia nhiều hội thi như thi giáo viên dạy giỏi, thi chủ nhiệm giỏi… làm cho nhiều người rất mệt mỏi.

Khó mà tính chung trong một năm học có bao nhiêu cuộc họp dành cho giáo viên như họp hội đồng sư phạm, họp tổ chuyên môn, họp tổ chủ nhiệm, họp ban lãnh đạo mở rộng, họp chi bộ, họp phụ huynh… Đành rằng họp hội là điều bắt buộc với bất cứ cơ quan, trường học nào, tuy nhiên nếu có quá nhiều cuộc họp sẽ chiếm thời gian giáo viên rất nhiều. Cái kiểu dạy buổi sáng, họp buổi chiều. Tối về mệt thì còn sức đâu mà chuẩn bị tốt cho bài dạy ngày hôm sau.

Áp lực về điểm số và thành tích cuối năm học

Bệnh thành tích trở thành căn bệnh mãn tính của ngành giáo dục từ nhiều năm nay. Những chỉ tiêu đẹp như lên lớp 100%, tốt nghiệp 100% … trở thành áp lực dành cho giáo viên. Riêng từng bộ môn dạy đối với bậc trung học hay kết quả cuối năm dành cho giáo viên dạy bậc tiểu học luôn có chỉ tiêu rất cao. Chẳng hạn nhiều trường tiểu học ra quy định giáo viên nào có học sinh lưu ban thì không hoàn thành nhiệm vụ.

Tất nhiên giáo viên nào cũng sợ không hoàn thành nhiệm vụ. Thế là để đạt tỷ lệ 100% lên lớp, họ phải xoay xở sao cho cuối cùng không có học sinh lưu ban. Đây là lý do vì sao có tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp. Tệ hại có em học sinh học đến lớp 5 mà đọc chữ không chạy hay làm toán lớp 1, lớp 2 không được. Tất cả đều do chỉ tiêu đầu năm đưa ra và giáo viên không thể không tuân thủ.

Ở bậc học trung học cơ sở, chỉ tiêu 100% học sinh tốt nghiệp thật sự là ảo và rất khó đạt được nhưng ngành giáo dục bắt các trường phải đạt. Khi các em học sinh lớp 9 hiểu rằng dù học thế nào cuối năm cũng tốt nghiệp thì liệu các em có còn ý chí phấn đấu hay không?

Dạy học là nghề nghiệp đặc trưng, rất cần cái tâm và sự tự giác của người thầy chứ đâu phải bất cứ tiết dạy nào cũng có thầy cô dự giờ để kiểm tra xem có dạy đúng theo giáo án hay không? Hãy để cho giáo viên tự giác đem hết bầu nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và cần trả lại sự tự do, sáng tạo cho người thầy.

Ngành giáo dục càng kiểm tra, kiểm soát giáo viên gắt gao với những thủ tục rườm rà chỉ làm cho bầu nhiệt huyết của giáo viên cạn kiệt và chỉ làm việc với tinh thần đối phó mà thôi. Đây là nguyên nhân khiến cho nhiều giáo viên không còn xem nghề dạy học là niềm đam mê mà là gánh nặng. Khi giáo viên không còn yêu nghề thì liệu chất lượng giáo dục có nâng cao hay không?

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới