Cơ quan tình báo Anh MI5 mới đây đã công khai chỉ đích danh bà Christine Lee “cố ý can thiệp chính trị” nước Anh, cũng như tố Trung Quốc đang cố “thao túng” nền chính trị toàn cầu. Sự việc này cũng đánh dấu sự thay đổi bất ngờ trong cách London đối phó mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc.
Thông thường, việc một nghị sĩ được triệu tập đến văn phòng giám đốc an ninh Quốc hội Anh không phải là tin tốt. Và còn tệ hơn nếu các nhân viên tình báo MI5 đang chờ ở đó. Tuy nhiên, đây là việc nghị sĩ Công đảng Barry Gardine phải đối mặt.
Ông Gardine cho biết cuộc triệu tập có liên quan tới Christine Lee, người phụ nữ ông coi là bạn thân từ lâu. Bà Lee từng tài trợ khoảng 500.000 bảng Anh để hỗ trợ công việc của Nghị sĩ Gardiner.
Tình bạn hai người sau đó đóng vai trò quan trọng giúp bà Lee dễ dàng tiếp cận giới quyền lực ở London, nơi bà thiết lập quan hệ với những nhà lãnh đạo cấp cao nhất. Bà từng tiếp cận cựu Thủ tướng Theresa May và David Cameron, đồng thời quyên góp cho hiệp hội địa phương của Nghị sĩ Ed Davey, khi ông trở thành bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, đầu năm nay, MI5 đã gửi cảnh báo và hình ảnh của bà Christine Lee, cáo buộc nhân vật này này “tham gia vào các hoạt động can thiệp chính trị” ở Anh thay mặt chính quyền Trung Quốc.
Việc triệu tập còn cho thấy mối quan hệ đang thay đổi giữa Anh và Trung Quốc – điều khiến các quan chức an ninh lo ngại, theo Reuters.
Trong những năm gần đây, MI5 ngày càng nhận được nhiều thông tin tình báo, cho thấy dòng tiền đang chảy vào hệ thống chính trị nước Anh có nguồn gốc che giấu từ Trung Quốc.
Cụ thể, MI5 tin rằng nguồn tiền này có mối liên hệ với Ban công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) của Trung Quốc. UFWD từng bị người đứng đầu MI5 Ken McCallum chỉ trích là “các chiến dịch được tài trợ nhằm mua chuộc và gây sức ảnh hưởng”.
Cơ quan này cũng bị cáo buộc đang tìm cách “vun đắp quan hệ” với “những nhân vật có ảnh hưởng” để đảm bảo bối cảnh chính trị ở Anh thuận lợi cho Trung Quốc.
Trên thực tế, trong phiên triệu tập 13/1, mối quan tâm của MI5 không phải về quan hệ giữa Christine Lee và Nghị sĩ Gardiner. Sâu xa hơn, đó là mối lo ngại về việc Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy, tạo dựng ảnh hưởng với thế hệ ứng viên mới trong nền chính trị Anh.
Theo cáo buộc từ MI5, Christine Lee đã dàn xếp quyên góp tài chính nhằm lôi kéo các nghị sĩ Anh theo yêu cầu “từ những cá nhân nước ngoài ở đặc khu Hong Kong và Trung Quốc”.
Christine Lee đã tham gia vào “hoạt động gieo mầm” (các mối quan hệ), nhiều quan chức cho biết.
“Không phải lúc nào họ cũng tìm cách gây ảnh hưởng đến nhà lãnh đạo quốc gia hoặc quan chức ở cấp nội các. Một trong những điều đáng chú ý là họ đã đầu tư vào việc đào tạo người có tiềm năng ở cấp địa phương trong giai đoạn đầu sự nghiệp chính trị”, người đứng đầu MI5 nhấn mạnh trong bài phát biểu ngày 6/7.
Theo đó, nỗ lực này phản ánh chiến lược “mưa dầm thấm lâu” của Trung Quốc – sẵn sàng chờ đợi nhiều năm để đạt được kết quả. Các nguồn tin an ninh không nêu tên các cá nhân cụ thể nhưng cho biết các đối tượng được nhắm đến bao gồm cả các ứng cử viên ở tất cả đảng lớn.
“Chính phủ và các cơ quan tình báo có các công cụ để xác định một số hoạt động đang diễn ra”, Lord Evans, cựu lãnh đạo MI5, cho biết. “Nhưng câu hỏi đặt ra là sau khi xác định được những hoạt động đó, chúng ta có thể làm gì?”.
Trong nhiều tháng, các quan chức đã xem xét liệu có đủ bằng chứng để truy tố bà Lee hay không. Nhưng sau tất cả, những gì họ có thể làm chỉ là công khai đăng cảnh báo bà đang “can thiệp chính trị để làm gián đoạn nguy cơ tiếp diễn.
Trên thực tế, cơ quan tình báo MI5 đã chuyển trọng tâm từ chống khủng bố sang các mối đe dọa nhà nước trong những năm gần đây và Trung Quốc đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của họ.
Tuy nhiên, sẽ có những rủi ro khi chính trị và an ninh xung đột với nhau. Liệu các đảng phái chính trị ở Anh có thực sự muốn cơ quan an ninh “bóc tách”, kiểm tra mọi khoản quyên góp và nhà tài trợ?
Việc nhắm mục tiêu vào các cộng đồng cụ thể cũng có thể tạo ra sự thù địch và nghi ngờ.
Tại Anh, việc MI5 đưa ra cảnh báo về Christine Lee đã làm dấy lên những lời bàn tán về “cuộc săn phù thủy” giữa người Hoa và gây cản trở trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ hai nước.
“Trung Quốc luôn tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Chúng tôi không cần và không bao giờ tìm cách ‘mua ảnh hưởng’ ở bất kỳ quốc hội nước ngoài nào. Chúng tôi kiên quyết phản đối thủ đoạn bôi nhọ và hăm dọa chống lại cộng đồng người Hoa ở Anh”, theo thông cáo của Đại sứ quán Trung Quốc tại London.
T.P