Friday, November 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSự kýĐẠI SỰ KÝ VỀ CHỦ QUYỀN ĐỐI VỚI HAI QUẦN ĐẢO...

ĐẠI SỰ KÝ VỀ CHỦ QUYỀN ĐỐI VỚI HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA KỲ CUỐI

Kỳ IV.

– Tháng  4-1956 :  Đội  quân  viễn  chinh  Pháp  rút  khỏi Đông  Dương.  Chính  quyền  Nam  Việt  Nam  đưa các  lực lượng  vũ  trang  đến  thay  thế các  đơn  vị  Pháp  ở đảo Hoàng Sa.

Nhưng,  khi  đó  Cộng  hòa nhân  dân  Trung  Hoa cho quân đổ bộ một cách kín đáo, chiếm bộ phận phía Đông của quần đảo Hoàng Sa (cụm An Vĩnh).

Như vậy, từ năm 1956, quần đảo Hoàng Sa đã bị quân đội  của Cộng  hòa nhân  dân  Trung  Hoa chiếm  đóng  ở phía Đông, và quân đội của chính quyền Nam Việt Nam ở phía Tây  là bên  đã cho  xúc  tiến  ở đó  việc  nghiên  cứu thủy văn và cho phép khai thác phốt phát.

Còn  ở Trường  Sa,  ngày  15-3-1956,  Thomas  Cloma, một  công  dân  Philippin  đã đổ  bộ  lên  một  số đảo  của quần  đảo  Trường  Sa.  Với  danh  nghĩa tư  nhân,  cùng  với một  số  bạn,  ông  có  ý  đồ  chiếm  hữu  một  số  hòn  đảo  và đặt tên là “Đất tự do” bằng lập luận  về quyền phát hiện và chiếm cứ. Ngày 15-5, ông ta thông báo cho Bộ trưởng Ngoại giao Philippin.

Ông này, trong một cuộc họp báo ở Manila ngày 19-5, lại dựa vào lập luận kế cận để đưa ra ý kiến về các quyền của Philippin  trên  quần  đảo  Trường  Sa.  Nhưng  khi Thomas  Cloma yêu  cầu  Chính  phủ  Philippin  ban  hành quy chế bảo hộ cho bộ máy quản lý mà ông ta dựng lên, người đại diện của Philippin tuyên bố là trừ bảy hòn đảo với tên gọi quốc tế là Spratleys, thì các thành phần  khác của quần đảo đều là res nullius (đất vô chủ).

Ngày  31-5,  Chính  phủ  Bắc  Kinh  ra một  Thông  cáo tuyên  bố  sẽ  không  dung  thứ  bất  kỳ  một  sự  xâm  phạm nào  đến  các  quyền  của Cộng  hòa Nhân  dân  Trung  Hoa trên quần đảo Trường Sa.

– Ngày 1-6-1956 : Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chính quyền Nam  Việt Nam,  Vũ  Văn  Mẫn,  khẳng  định  lại  các  quyền của Việt Nam trên hai quần đảo.

Ngày  hôm  sau,  Pháp  nhắc  lại  với  Chính  phủ Philippin các quyền mà Pháp đã có từ năm 1933.

Ngày 22-8, lực lượng Hải quân Sài Gòn đổ bộ lên đảo chính của quần đảo Trường Sa, dựng một bia và kéo cờ.

Tháng  10 năm  đó,  Hải  quân  Đài  Loan  can  thiệp  tại chỗ, chống lại Thomas Cloma.

– Ngày  22-10-1956 :  Nghị định  (thực  ra là Sắc  lệnh  của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa – ND) của Việt Nam sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Phước Tuy.

– Tháng  2-1958 :  Nhiều  dân  chài  Trung  Quốc  định  đến đóng  trên  phần  phía Tây  quần  đảo  Hoàng  Sa nhưng không thành công.

– Ngày 4-9-1958 : Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa  ra một  bản tuyên  bố xác  định  bề  rộng  của lãnh  hải Trung Quốc là 12 hải lý.

Bản  tuyên  bố  nói  rõ  điều  khoản  này  được  áp  dụng cho các quần đảo.

– Ngày  11-7-1971 :  Tổng thống Philippin  cho biết quân đội  Trung  hoa dân  quốc  đã chiếm  đóng  và củng  cố đảo Ba Bình (quần đảo Trường Sa) nhưng ông lại không bày tỏ  bất  cứ  yêu  sách  nào  của  Philippin  về  quần  đảo  này mặc  dù  quân  lính  Philippin  đã chiếm  đóng  trên  một  số đảo  nhỏ.  Một  thông  cáo  ngày  13-7  cho  thấy  đang  tiếp diễn các cuộc đối thoại giữa Đài Loan và Philippin về vấn đề  quần  đảo  này.  Cũng  trong  ngày  đó,  Bộ trưởng  Bộ Ngoại giao Sài Gòn, Ông Trần Văn Lắm, có mặt ở Manila, nhắc lại yêu sách của Việt Nam và các danh nghĩa làm cơ sở cho yêu sách đó.

– Ngày  16-7-1971 :  Tân  Hoa Xã lên  án  Philippin chiếm  đóng  một  số đảo  của quần  đảo  Trường  Sa  và khẳng  định  các  yêu  sách  của Trung  Quốc  đối  với  quần đảo này.

– Năm 1973 :  Trong khi Hội nghị quốc tế Paris  đang diễn ra  vào tháng 3-1973, Bộ trưởng Bộ Nội vụ của chính quyền Nam Việt Nam, trong ngày 6-9, đã sửa đổi việc sáp nhập hành  chính  Trường  Sa (từ đây  thành  một  bộ  phận  của tỉnh Phước Tuy) (Nghị định  ngày 6-9-1973 sáp nhập các đảo  trên  quần  đảo  Trường  Sa vào  xã Phước  Hải,  quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy – ND).

– Ngày 11-1-1974 : Bắc Kinh tuyên bố đó là một việc lấn  chiếm  lãnh  thổ  Trung  Quốc  và  khẳng  định  lại  các  yêu sách của Trung Quốc về hai quần đảo.

– Ngày 15-1 : Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho quân đội  đổ  bộ lên  các  đảo  phía  Tây  Hoàng  Sa  cụm  Nguyệt Thiềm  (Crescent)  mà từ trước  vẫn  do  Việt    Nam  chiếm đóng,  và trong  những  ngày  tiếp  theo  họ  hỗ  trợ  hành động trên bằng một cuộc triển khai hải quân mạnh mẽ.

– Ngày  18-1 :  Đại  sứ Đài  Loan  tại  Sài  Gòn  bằng  công hàm  ngoại  giao  đã  khẳng  định  lại  yêu  sách  của Trung Hoa Dân quốc.

– Ngày  19-1 và 20-1-1974 :  Cộng  hòa Nhân  dân  Trung  Hoa bắn phá các đảo và cho quân đổ bộ lên sau các trận đánh ác liệt chống lại lực lượng Việt Nam.

Quan sát viên của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc yêu cầu Hội đồng Bảo an xem xét vấn đề này.

Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam công bố lập trường của mình cho rằng trước sự phức tạp của vấn đề, cần phải xem xét nó trên cơ sở những nguyên tắc bình  đẳng, tôn trọng lẫn  nhau,  hữu  nghị  và quan  hệ láng giềng tốt và giải quyết tranh  chấp bằng con  đường thương lượng.

Lầu Năm Góc, được chính quyền Nam Việt Nam yêu cầu can thiệp, quyết định đứng ngoài cuộc xung đột.

Qua  thông  điệp  ngoại  giao  được  gửi  đến  tất  cả  các nước ký các Hiệp định Paris ngày 2-3-1973, chính quyền  Nam  Việt  Nam  nhắc  lại  sự đảm  bảo  toàn  vẹn  lãnh  thổ của  Việt  Nam  đã  được  công  nhận.  Chính  quyền  Nam Việt  Nam  yêu  cầu  Hội  đồng  Bảo  an  họp  một  phiên  đặc biệt.

Ngày 2-7-1974, đoàn đại biểu của Nam Việt Nam ra tuyên bố  tại  Hội  nghị  của Liên  hợp  quốc  về  Luật  biển  nhằm khẳng  định  lại  chủ  quyền  của Việt  Nam  trên  các  quần đảo.

Chính  quyền  Sài  Gòn  quyết  định  tăng  cường  phòng thủ các  đảo  ở  quần  đảo  Trường  Sa,  điều  đó  đã làm  cho phía Philippin phản đối.

– Ngày  5 đến 6-5-1975 :  Hải  quân  nhân  dân  Việt  Nam giành lại quyền kiểm soát các đảo ở quần đảo Trường Sa từ quân đội Sài Gòn.

–  Ngày  12-5-1977 :  Chính  phủ  Cộng  hòa xã  hội  chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố về các vấn đề các quyền trên đảo của mình (lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa).

Khoản 5 của Tuyên bố ghi các đảo và quần đảo, là bộ phận  lãnh  thổ  Việt  Nam  và nằm  ngoài  lãnh  hải,  đều  có các vùng biển riêng của chúng.

– Ngày 2-3-1978 : Lực lượng  vũ trang Philippin chiếm  thêm một đảo (đảo Lan Can) ở quần đảo của Trường Sa, ngoài các đảo đã chiếm từ trước.

– Năm 1979 :  Trong  một  sắc  lệnh  vào  tháng  2,  Tổng  thống Philippin coi gần như toàn bộ quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Philippin (ngoại trừ bản thân đảo Trường Sa).

– Năm 1982 : Vào tháng 6, Tân Hoa Xã loan tin thành lập một cảng lớn ở Hoàng Sa.

Ngày 12-11, Cộng  hòa xã hội chủ  nghĩa Việt Nam ra  tuyên  bố  về  đường  cơ  sở dùng  để  tính  chiều  rộng  lãnh hải. Tuyên bố này bao gộp các quyền đảo.

Ngày 9-12, việc phối hợp về mặt hành chính các quần đảo ở Việt Nam có những thay đổi.

– Năm 1983 : Ngày 23-2, Malaysia nêu lên vấn đề chủ quyền của Malaysia đối với ba hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Ngày 25-3, Bộ Ngoại giao Việt Nam phản kháng mọi quyền  của Malaysia đối  với  các  đảo  và đảo  nhỏ  này. Tháng 6 cùng  năm, quân đội Malaysia được gửi tới  đảo Hoa Lau  và tiến  hành  xây  dựng  các  công  trình  quan trọng ở đó. Việt Nam đã phản đối hành động này.

– Năm 1984 :  Ngày  2-6,  Quốc  hội  Trung  Quốc  quyết  định thành lập một khu vực hành chính đặc biệt gồm đảo Hải Nam và hai quần đảo. Chính phủ Việt Nam đã phản đối.

– Năm 1988 :  Vào  tháng  2,  lần  đầu  tiên  Cộng  hòa nhân  dân Trung  Hoa gửi  quân  đội  tới  một  số đảo  của quần  đảo Trường Sa và thể hiện sự có mặt về quân sự ở đó.

Ngày 14-3, một cuộc va chạm hải quân đã xảy ra xung quanh  đảo  Gạc  Ma,  đảo  Cô  Lin  và đảo  Lan  Đao.  Nhiều tàu Việt Nam bị hư hại.

Các  tàu  chiến  Trung  Quốc  đã sử  dụng  pháo  hạng nặng, 74 thủy thủ Việt Nam được coi là mất tích. Và các tàu  Trung  Quốc  đã ngăn  cản  các  tàu  cứu  trợ  Việt  Nam mang dấu hiệu chữ thập đỏ khi triển khai các hoạt động cứu nạn.

– Tháng 4-1988 : Chính  phủ Philippin  đã bầu  một  thị trưởng  cho  thị  trấn  được  thiết lập trên các  đảo nhỏ ở quần đảo Trường Sa mà họ kiểm soát (Thủ phủ là Thị Tứ), đặt một cơ sở hành chính có tổ chức hơn cho yêu sách của họ đối với các đảo.

– Ngày  8-7-1992 : Trung  Quốc  chiếm  thêm  một  số đá ngầm tại quần đảo Trường Sa.

– Năm 1995 : Ngày 9-2, Philippin phản kháng việc Cộng hòa nhân  dân  Trung  Hoa chiếm  một  đảo  nhỏ ở  quần  đảo Trường  Sa (đá  Vành  Khăn  Panganaban)  do  Chính  phủ Manila yêu sách, và đã bắt đầu xây dựng chỗ neo trú cho tàu thuyền tại đó.

Hết

 

RELATED ARTICLES

Tin mới