Mao Trạch Đông bực tức nói với tôi rằng Tưởng Giới Thạch không đủ sức xuyên tạc quá khứ lịch sử của Trung Quốc.
Chương Hàm Chi: Thư ký của Mao Trạch Đông sau giai đoạn kiến quốc. Chương Hàm Chi vốn là con gái nuôi của Chương Sĩ Chiêu. Ảnh minh họa.
Nếu cần thiết phải bằng mọi giá nắm được thực chất của các sự biến, kịp thời ghi chúng lại, rồi gấp rút hoàn chỉnh gửi về Mát-xcơ-va, thế thì làm thế nào mà có thể nói tới giá trị văn học của báo cáo được!
Và tôi cứ ghi bừa những câu chưa hoàn chỉnh, chua được đẽo gọt thành những hàng dài vô tận trong những báo cáo của tôi…
7 tháng 11
A, đây chính là Hớc-lây! Ông ta đã bay đến không báo trước, thật bất ngờ.
Chủ tịch ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc vội đi tới sân bay bằng chiếc xe cứu thương cổ lỗ sĩ.
Hớc lây chờ ông ta ở cạnh máy bay.
Khi trở về, họ đi cùng nhau, chiếc xe kêu ầm ĩ khi qua những ổ gà, tung bụi mù mịt và đi qua mặt tôi…
Hớc-lây ngay lập tức đi vào đàm phán. Từ chiều Mao Trạch Đông, Chu Đức, Chu An Lai và Diệp Kiếm Anh, những người chuyên về đàm phán với người Mỹ, đã họp với Hớc-lây. Người lãnh đạo “phái bộ quan sát Đồng minh” là người phiên dịch cho Pa-tơ-ríc Hớc-lây.
Hớc-lây trao cho Mao Trạch Đông một bản danh sách những vấn đề đàm phán (kèm theo một lời đề nghị giải quyết từng câu một). Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc nghiên cứu dự án này và ngày mai sẽ phát biểu ý kiến của họ.
Tướng Hớc-lây thông báo rằng Tổng thống Ru-dơ-ven phái ông ta sang công cán ở Trung Quốc, với sự thoả thuận của người đứng đầu Chính phủ trung ương Sứ giả của Nhà trắng tuyên bố: “Song mục đích của tôi hoàn toàn không phải là dàn xếp những mối quan hệ giữa Mỹ và Đảng cộng sản Trung Quốc. Chúng ta sẽ không đề cập đến đề tài này trong các cuộc đàm phán. Hiện nay, sự thống nhất của Trung Quốc có một vai trò quan trọng bậc nhất để kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh thế giới, và điều đó có nghĩa là giải quyết những vấn đề tranh cãi giữa hai nhóm chính trị lớn nhất là Đảng cộng sản và Quốc dân đảng”.
Gần đến nửa đêm, ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc tổ chức một bữa tiệc linh đình chào mừng lần thứ 27 cuộc Cách mạng XHCN tháng Mười vĩ đại. Hớc-lây là vị khách quý và được kính trọng. Thực ra thì đó là một bữa tiệc liên hoan chào mừng ông ta…
8 tháng 11
Đàm phán giữa Hớc-lây với ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc. Thiếu tướng Pa-tơ-ríc Hớc-lây là cựu Bộ trưởng Bộ quốc phòng của Mỹ, nhà luật sư triệu phú ở Ô-cla-hô-ma.
Chiều qua, tại bữa tiệc, rõ ràng là để nhấn mạnh tầm quan trọng của mình, ông ta tỏ ra vô tình khi nói rằng đã có lúc người ta đề nghị ông ta làm đại sứ ở nước Nga… Hớc-lây đã dự hội nghị Tê-hê-ran, ông ta là một trong số những người trợ thủ tin cậy của Ru-dơ-ven.
Bề ngoài, Hớc-lây có vẻ hiền hậu, bồng bột, nóng vội, cao gần một mét tám. Ông ta người xương xương, tóc rậm, hoa râm. Được nuông chiều, tự tin, có phần nào kiểu cách…
Theo tôi, con người bất hạnh nhất ở Diên An là anh lái chiếc xe cổ lỗ sĩ của Mao Trạch Đông. Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đánh giá rất cao khả năng đón rước khách khứa bằng chiếc xe đó.
Anh ta hì hà hì hục biết bao nhiêu lần với cỗ xe 4 bánh ấy, chỉ có trời mới biết mà thôi, nhưng nó lại rất cần cho uy thế của Mao. Và cũng khó mà hình dung được ông ta khi trên lưng ngựa như thế nào…
Trích trong cuốn “Đánh giá chung các căn cứ dân chủ kháng Nhật của Trung Quốc”.
“… Tháng 8 năm 1941, một trong những tên đầu sỏ của chủ nghĩa đế quốc Nhật Ô-ca-mu-ra… bắt đầu cuộc “bao vây”…
Thậm chí dù cho kẻ địch có chiếm được một thôn nhỏ, một điểm dân cư, một con sông, một mảnh đất nhỏ, một phun-tơ lúa mì, thì nó cũng chỉ đạt được bằng một giá đắt…
…Chúng ta ủng hộ đường lối kết hợp chặt chẽ những hình thức đấu tranh khác nhau. Đặc biệt cần nói tới những hình thức kết hợp sau đây: quân đội chính quy với dân quân du kích, đường lối phòng ngự bên trong với các hoạt động chống càn quét bên ngoài… Việc kết hợp tất cả các hình thức và biện pháp đấu tranh ấy trở thành cuộc chiến tranh tổng lực mạnh mẽ, chống lại bọn Nhật, bảo đảm cho thắng lợi của chúng ta (họ nói đến thắng lợi nào khi quân Nhật xâm chiếm ngày càng nhiều những thành phố mới của Trung Quốc).
Nhân dân Trung Quốc trong những vùng bị chiếm không có cuộc sống, đó là do hành động hung bạo của bọn quân phiệt Nhật (và với sự buôn bán bí mật giữa những cơ quan khác nhau của Bát lộ quân với các vùng sau lưng bọn Nhật năm 1942 thì thế nào…?).
Đảng cộng sản Trung Quốc, Bát lộ quân và các chính quyền dân chủ đang chiến đấu thực sự vì hạnh phúc và quyền lợi của nhân dân. Quần chúng nhân dân đã tự mình tin tưởng vào sự cần thiết phải đấu tranh chống bọn xâm lược Nhật. Họ có ý thức về sự cần thiết của con đường mà Đảng cộng sản Trung Quốc đã chỉ ra…”.
Cuốn sách có 33 tờ và một số bản đồ lớn. tốt.
10 tháng 11
Ru-dơ-ven được bầu làm tổng thống Mỹ.
Hơn 24 triệu phiếu bỏ cho Ru-dơ-ven, còn cho tên thân phát-xít và chống Liên Xô Đi-uy hơn 21 triệu phiếu.
Đài phát thanh đủ mọi thứ tiếng trên thế giới tường thuật lại cuộc rút chạy bí mật của bọn phát xít ra khỏi nước Đức qua các nước trung lập…
Mao Trạch Đông tặng tôi một cuốn sách của Tưởng Giới Thạch “Vận mệnh của Trung Quốc”. Đồng thời ông ta đã gọi tác giả bằng những từ bậy bạ khó dịch.
Mao Trạch Đông bực tức nói với tôi rằng Tưởng Giới Thạch không đủ sức xuyên tạc quá khứ lịch sử của Trung Quốc.
“Lão già đê tiện”! Mao Trạch Đông nói về Tưởng Giới Thạch như thế và bực tức nhận xét rằng: “Chính Vương Minh nói rằng Tưởng Giới Thạch là lãnh tụ kháng chiến của người Trung Quốc”.
Sự giải thích hiện nay của Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc về chỉnh phong và về cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng những năm 41-43 (“nhóm Mát-xcơ-va”, “bọn giáo điều”, chống Liên Xô, hoạt động chống Quốc tế cộng sản) cũng là một điều thú vị:
“Vương Minh là một tên xa lìa tập thể, một người cộng sản xa rời chủ nghĩa Mác – Lê nin”…
“Bằng phê bình và tố cáo, chúng tôi tích cực tiến hành đấu tranh chống những rác rưởi trong Đảng do những tên hiếu danh và những phần tử xa lạ đem vào, những thứ đồ cổ tiểu tư sản, những sự lệch lạc đối với đường lối của Đảng. Vì cuộc đấu tranh thắng lợi chống bọn xâm lược Nhật, chống tính chất xâm lược của Tưởng Giới Thạch, chúng tôi tổ chức lại hàng ngũ đảng viên của chúng tôi.
Chúng tôi tiến hành đấu tranh không khoan nhượng chống lại hệ tư tưởng đầu hàng bọn phản động Quốc dân đảng. Những người đó “những người theo chủ nghĩa quốc tế”, “những người giáo điều”, tin vào Quốc dân đảng (không có một lời nào về Mặt trận thống nhất kháng Nhật, về sự cần thiết bức bách của một hành động chung đánh trả bọn xâm lược), chúng tôi đã trừng trị họ.
Chúng tôi nói thẳng với Đảng rằng không thể sợ việc mở rộng các khu giải phóng vào các lãnh thổ bị quân Nhật chiếm đóng – (tất cả đều bị xuyên tạc, đều bị đánh lộn sòng, đều bị làm cho thích hợp với “lý luận”!). Chúng tôi tiến hành đấu tranh chống lại sự lãnh đạo chiến tranh một cách riêng lẻ của bọn Quốc dân đảng”.
Rõ ràng là tất cả những vấn đề đó đã được phơi bày ra, nhân dịp chuẩn bị Đại hội Đảng thường kỳ.
Hôm qua, bản dự thảo thoả hiệp giữa Đảng cộng sản và Quốc dân đảng đã được nghiên cứu.
Theo yêu cầu của tướng Hớc-lây thì bản thoả hiệp phải có tính chất một hiệp ước chính thức giữa Đảng cộng sản và Quốc dân đảng. Pa-tơ-rích Hớc-lây đảm nhận việc làm môi giới.
Hiệp ước dự định phải có chữ ký xác nhận của Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch.
Hiệp ước dự kiến thống nhất tất cả các đảng phái và tổ chức chính trị kháng Nhật, kể cả các tổ chức không đảng phái.
Chính phủ này phải bảo đảm quyền tồn tại tự do công khai của tất cả các lực lượng yêu nước kháng chiến, kể cả Đảng cộng sản và Quốc dân đảng.
Theo hiệp ước, Hội đồng quân sự sẽ được cải tổ thành Hội đồng thống nhất. Trong Hội đồng thống nhất ấy, sẽ có các đại biểu của tất cả các nhóm vũ trang kháng Nhật, Hội đồng có trách nhiệm phải tuân thủ nghiêm ngặt tỷ lệ phân phối vũ khí và đạn dược do đồng minh cấp phát cho các các nhóm vũ trang kháng Nhật.
Mục đích cao nhất của Chính phủ dân tộc thống nhất Trung Quốc (chủ yếu gồm có các đại biểu của Đảng cộng sản và Quốc dân đảng), là đoàn kết tất cả mọi lực lượng yêu nước của đất nước (trước hết là các lực lượng vũ trang) để đập tan bọn xâm lược Nhật Bản. Sau khi thắng lợi, Chính phủ đó phải đi vào xây dựng đất nước mình trên cơ sở các nguyên tắc của bác sĩ Tôn Dật Tiên.
Tất cả mọi nhóm vũ trang yêu nước kháng Nhật phải chấp hành vô điều kiện mệnh lệnh của Chính phủ dân tộc thống nhất.
Cơ quan quân sự chấp hành cao nhất là Hội đồng quân sự thống nhất, mệnh lệnh của Hội đồng là bắt buộc đối với tất cả các lực lượng vũ trang kháng Nhật.
Chữ ký thứ ba trong bản hiệp ước dự định là chữ ký của tướng Hớc-lây với tư cách đại diện Tổng thống Mỹ.
Đêm mồng 9 rạng ngày 10, ở Diên An, Ban chấp hành trung ương đã nhóm họp. Ban Chấp hành trung ương đã phê chuẩn bản dự thảo thỏa hiệp giữa Đảng cộng sản và Quốc dân đảng. Văn kiện này được tướng Hớc-lây và Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc ký.
Chiều mồng 10, Pa-tơ-rích Hớc-lây về Trùng Khánh, đại tá Ba-rét và ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc Chu Ân Lai đã cùng trình bày với sứ giả của Tổng thống Ru-dơ-ven.
11 tháng 11
Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc rất hài lòng với cuộc gặp gỡ tướng Hớc-lây. Mao Trạch Đông mời tôi đến để thông báo về kết quả của các cuộc hội đàm. Ông ta đang phấn khởi, nói đùa nhiều.
Mao Trạch Đông đề nghị chuyển về Mát-xcơ-va một số bức điện. Ông ta không thể hiểu rằng tôi đã được nghe khá nhiều về các cuộc hội đàm giữa ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc với đại diện riêng của Tổng thống Mỹ. Ông ta vội vàng rào đón trước những báo cáo của tôi gửi về Mát-xcơ-va…
An Tử Văn trước kia là thư ký riêng của Mao Trạch Đông. Bây giờ ở nam Thiểm Tây. Điều đáng chú ý là những người giúp việc cho Mao Trạch Đông trước, thì sau đó, lại giữ những chức vụ lớn về quân sự và chính trị trong quân đội.
Vương Phong là một chỉ huy quân độ an ninh. Ông ta đã tham gia vào các biện pháp chỉnh phong.
Vương Hạc Thọ chuyên trách về các vấn đề chính sách dân tộc của Đảng cộng sản Trung Quốc. Những người thuộc bộ máy của Chu Ân Lai rõ ràng có thiện cảm với ông ta.
(Còn tiếp)