Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSự hung hăng của Bắc Kinh đẩy các nước khu vực vào...

Sự hung hăng của Bắc Kinh đẩy các nước khu vực vào “vòng tay” của Mỹ

Chỉ riêng trong tháng 5 vừa qua, chính quyền Tổng thống Biden đã có một loạt hoạt động với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đầu tiên là Hội nghị thượng đỉnh thành công giữa Mỹ với các nước Đông Nam Á (ASEAN) trong 2 ngày 12-13/5/2022; tiếp đó chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Biden từ 20-24/5/2022, cùng với Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm “Bộ tứ” (Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ) trực tiếp lần thứ hai và chính thức công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF).

Đánh giá về kết quả Hội nghị, hôm 14/5 Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN tại Washington đã đánh dấu sự khởi động của một “kỷ nguyên mới” trong mối quan hệ giữa Mỹ với các nước Đông Nam Á, theo đó, hai bên cam kết nâng tầm quan hệ từ quan hệ đối tác chiến lược lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” vào cuối năm nay. Bất chấp việc Bắc Kinh tìm cách ngăn cản quan hệ giữa ASEAN-Mỹ, song việc lãnh đạo 8 nước ASEAN (Tổng thống Philippines không tham dự vì chuẩn bị chuyển giao quyền lực sau bầu cử; Myanmar đã bị loại ra khỏi các cuộc họp của ASEAN từ năm 2021, sau cuộc đảo chính quân sự) đến Washington để thống nhất với Mỹ về việc nâng cấp quan hệ thể hiện rõ sự coi trọng quan hệ với Mỹ của các nước ASEAN. Giới phân tích nhận định mặc dù Bắc Kinh không hài lòng về những bước tiến mới trong quan hệ Mỹ-ASEAN, song họ không thể ngăn cản được việc các nước này tăng cường quan hệ với Mỹ, kể cả nâng cấp quan hệ.

Tiếp theo đó, chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản rất thành công của Tổng thống Biden với việc khẳng định tăng cường quan hệ đồng minh giữa hai nước này với Mỹ. Không những thế, chuyến thăm của Tổng thống Biden còn giúp Nhật-Hàn giải tỏa những bất đồng giữa hai nước để củng cố quan hệ “tay ba” Mỹ-Nhật-Hàn vì một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hai điểm nhấn trong chuyến công du châu Á lần này của Tổng thống Biden là Hội nghị thượng đỉnh Nhóm “Bộ tứ” trực tuyến lần thứ 2 với việc công bố sáng kiến hàng hải mới (IPMDA) và việc tuyên bố khởi động Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) với sự tham gia của 13 quốc gia, trong đó có 7 nước ASEAN (Brunei, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam).

Giới phân tích nhận định việc lãnh đạo các nước ASEAN nhất trí với Tổng thống Biden về việc nâng cấp quan hệ ASEAN-Mỹ và việc 7 nước ASEAN tham gia vào IPEF hay việc lãnh đạo Hàn Quốc, Nhật Bản cùng Tổng thống Biden cam kết tăng cường hợp tác 3 bên để thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho thấy rõ các nước này (ASEAN và 2 nước Đông Bắc Á) là những động thái mới sẽ tác động mạnh tới an ninh khu vực. Đây là những dấu hiệu cho thấy các nước này đang từng bước nằm trong “vòng tay” của Mỹ và rõ ràng Washington đã thành công bước đầu trong việc hình thành mặt trận kiềm chế, ngăn chặn Bắc Kinh ở khu vực. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng chính sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã đẩy các nước khu vực vào “vòng tay” của Mỹ.

 “Ngoại giao con thoi” của chính quyền Biden trong tháng 5 vừa qua (Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN và chuyến đi châu Á của Tổng thống Mỹ Joe Biden) được các chuyên gia đánh giá là thành công, đặc biệt trong việc siết chặt hàng ngũ đồng minh và đối tác trong mục tiêu ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc. Chuyên gia cao cấp Maurice Schuman thuộc Hội đồng Đại Tây Dương đưa ra so sánh: “Giống như ở châu Âu, nơi mà cuộc tấn công (Ukraine) của Vladimir Putin đang liên kết toàn khu vực chống Nga, thì ở châu Á thái độ hung hăng của Bắc Kinh cũng đang giúp thế lực Mỹ bám trụ”. Sự hung hăng của Bắc Kinh được thể hiện trên tất cả các phương diện từ chính trị đến kinh tế hay an ninh, quân sự và luật pháp, cụ thể là:

Thứ nhất, Trung Quốc được coi là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh, ổn định khu vực. Tại Biển Đông, Bắc Kinh đã gạt các đối thủ sang một bên, liên tục khẳng định chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực; trong lúc trên bộ, họ đã củng cố quyền nắm giữ của mình đối với lãnh thổ tranh chấp mà Ấn Độ cũng tuyên bố chủ quyền. Thời gian qua, bên cạnh việc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, Trung Quốc không ngừng gia tăng các hoạt động xâm lấn, gây hấn, bắt nạt, cưỡng ép các nước láng giềng ven Biển Đông. Các hành vi theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé” của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến những nước ven Biển Đông khác bất an. Philippines, một đồng minh lâu năm của Mỹ, dù đã cố gắng nhún nhường để tăng cường quan hệ với Bắc Kinh trong những năm gần đây, cuối cùng đã thất vọng trước việc tàu Trung Quốc tràn vào vùng biển mà Manila tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của mình. 

Trên biển Hoa Đông, Trung Quốc liên tiếp cho tàu xâm phạm lãnh hải quần đảo Senkaku mà Nhật Bản đang quản lý; các tàu hải cảnh, tàu dân quân biển của Trung Quốc còn truy đuổi các tàu đánh cá của Nhật Bản; nhiều lần tiến hành diễn tập quân sự. Ở eo biển Đài Loan, các chiến đấu cơ liên tục thị uy gần hòn đảo này một cách nguy hiểm. Việc Bắc Kinh không ngừng cao giọng đe dọa “thống nhất Đài Loan bằng vũ lực” cùng với việc máy bay, tàu chiến Trung Quốc thường xuyên áp sát, uy hiếp Đài Loan đã khiến toàn khu vực đề cao cảnh giác.

Trong khi đẩy mạnh các hoạt động chèn ép, khiêu khích các nước láng giềng và các hoạt động diễn tập quân sự trên Biển Đông, biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan thì Bắc Kinh lại tìm mọi cách đẩy Mỹ và các đồng minh của Mỹ ra khỏi Biển Đông và khu vực để dễ bề thâu tóm, cai trị. Tuy nhiên, các nước láng giềng đều nhận rõ “bộ mặt thật” của Bắc Kinh, đồng thời thấy rõ sự hiện diện và can dự của Mỹ và các đồng minh là yếu tố cần thiết để duy trì an ninh, ổn định khu vực, nhất là ở Biển Đông.

Bắc Kinh cũng thất bại trong việc làm suy yếu quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh của Mỹ trong khu vực – Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Ngay cả Ấn Độ cũng trở thành thân thiết hơn với Mỹ. Nguyên nhân chính là  thái độ hung hăng của Bắc Kinh khiến láng giềng lo ngại. Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, các nước láng giềng ven Biển Đông và Đông Bắc Á đều hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ ở khu vực. Đây là những dấu hiệu cho thấy thất bại trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Mặc dù, liên tục đưa ra những cam kết về “phát triển hoà bình”, song các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã khiến nhiều nước láng giềng của họ sợ hãi và buộc các nước này phải tìm kiếm nhân tố để cân bằng trong đối đầu với Trung Quốc. Mỹ đã nắm bắt được tâm lý này của các nước nên chủ động hơn trong cuộc chơi với Trung Quốc ở khu vực. New Delhi, vốn dĩ rất nghi kỵ Washington, đã cảm thấy bị thái độ hung hăng của Trung Quốc đe dọa đối với các khu vực biên giới tranh chấp. Việc Ấn Độ ngày càng tích cực tham gia Nhóm “Bộ tứ” càng cho thấy rõ điều này.

 Thứ hai, Washington dương cao ngọn cờ luật pháp quốc tế để tập hợp lực lượng, điều luôn được các nước nhỏ trong khu vực đề cao. Việc Mỹ đưa ra quan điểm pháp lý chính thức liên quan đến tranh chấp Biển Đông là bước đi cụ thể vừa để tạo cơ sở pháp lý cho các hành động của Mỹ ở khu vực vừa để đẩy Trung Quốc vào thế bị động phải ứng phó trên mặt trận pháp lý.

Một nội hàm quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và Nhóm “Bộ tứ” là bảo vệ trật tự dựa trên pháp luật ở khu vực. Trong Tuyên bố được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh hôm 24/5, Nhóm “Bộ tứ” tái khẳng định quyết tâm duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, nơi các quốc gia không bị áp đặt mọi hình thức cưỡng bức về quân sự, kinh tế và chính trị; ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là những luật lệ được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), và việc duy trì tự do hàng hải và hàng không để giải quyết những thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ, bao gồm cả ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Trong một bài phát biểu tại Đại học George Washington hôm 26/5, ngay sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm “Bộ tứ”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh “Trung Quốc là quốc gia duy nhất có ý định định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để làm điều đó. Tuy nhiên, Mỹ không tìm kiếm một cuộc xung đột hay một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Ngược lại, chúng tôi (Mỹ) quyết tâm tránh cả hai”; khẳng định Washington sẽ không tìm cách thay đổi hệ thống chính trị của Bắc Kinh, nhưng sẽ bảo vệ luật pháp và thể chế quốc tế, duy trì hòa bình và an ninh cũng như tạo điều kiện cho các quốc gia (bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc) cùng tồn tại. Đáng chú ý là Ngoại trưởng Blinken không chỉ nhắc đến nhu cầu “duy trì” và “bảo vệ” “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, mà còn nhấn mạnh sự cần thiết của việc “cải tổ”, “hiện đại hóa” trật tự quốc tế đó, “để đảm bảo trật tự đó đại diện cho lợi ích, giá trị, hy vọng của tất cả các quốc gia lớn và nhỏ, ở mọi khu vực”.

Thứ ba, với việc chính thức tuyên bố khởi động Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) tại Tokyo hôm 23/5, chính quyền Tổng thống Biden đã bổ sung khiếm khuyết trong mặt trận kinh tế cho chiến lược tại khu vực, đây cũng là lĩnh vực được các nước ASEAN quan tâm hàng đầu, nhất là trong bối cảnh các nước đều có nhu cầu tăng cường hợp tác kinh tế để phát triển sau đại dịch Covid-19. Giới quan sát chỉ ra rằng nếu như tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN trước đó 10 ngày, nhiều nước ASEAN còn băn khoăn về việc có tham gia IPEF (lúc bấy giờ mới chỉ có Singapore và Philippines bày tỏ sẽ tham gia) thì ngay trong buổi tuyên bố khởi động IPEF đã có 7/10 nước ASEAN tham gia.

Với việc 7 nước phát triển nhất ở Đông Nam Á đều tham gia IPEF (Một sáng kiến nhằm ứng phó với ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc ở khu vực) ngay từ đầu thể hiện rõ quyết tâm của các nước này muốn thoát khỏi “cái thòng lọng kinh tế” của Bắc Kinh. Điều này chứng minh Washington vẫn có khả năng tập hợp các quốc gia khác theo chuẩn mực Mỹ và trong các sáng kiến mà mục tiêu rõ ràng là nhằm chống Trung Quốc; mặt khác cho thấy Bắc Kinh đã thất bại trong việc biến sức mạnh kinh tế thành sự thống trị chính trị, ngay tại sân sau của chính họ (tại Đông Nam Á).

Trong bài phát biểu ngày 26/5, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng tuyên bố chính quyền Washington hiện nay không tìm cách đẩy Bắc Kinh ra khỏi nền kinh tế toàn cầu và không ngăn cản Trung Quốc phát triển kinh tế, nhưng muốn Trung Quốc tuân thủ các quy tắc quốc tế. Một số nước Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam đã từng phải gánh chịu “trừng phạt” về kinh tế khi họ có những hành động kiên quyết chống lại hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, còn Canberra và Seoul chắc chắn vẫn chưa quên những hành động ép buộc kinh tế mà Bắc Kinh đã áp dụng đối với họ để buộc họ phải thay đổi chính sách. 

 Với sự hưởng ứng nhanh chóng của nhiều nước khu vực, trong đó có 7 nước ASEAN đối với sáng kiến IPEF của Mỹ, giới chuyên gia đưa ra nhận định Bắc Kinh càng tìm cách mở rộng thế lực thì có vẻ như càng bị cô lập nhiều hơn, trong lúc nỗ lực siết chặt hàng ngũ đồng minh và đối tác của Washington lại đạt kết quả khả quan. Điều này cho thấy các nước láng giềng của Trung Quốc dường như lo ngại sự hung hăng của Bắc Kinh hơn là các chỉ trích của Mỹ về nhân quyền. 

Sự thất bại của Bắc Kinh trong cuộc đua với Washington ở khu vực còn thể hiện ở chỗ, chuyến đi một số nước Nam Thái Bình Dương của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cuối tháng 5/2022 (ngay sau khi IPEF được công bố) đã không đạt được kết quả như mong muốn. Trung Quốc và các nước này đã không đạt được đồng thuận trong các cuộc đàm phán về một hiệp ước an ninh và thương mại sâu rộng dưới tên gọi “Tầm nhìn về phát triển toàn diện”, trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại rằng hiệp ước được Bắc Kinh chủ động đề xuất này có thể “đe dọa tới sự ổn định của khu vực”.

Trong khi đó, ngay sau khi công bố IPEF đã được Fiji – nước đảo quốc Thái Bình Dương đề nghị tham gia và nhanh chóng được Nhà Trắng hoan nghênh. Điểm đáng chú ý là đề nghị tham gia IPEF của Fiji được đưa ra ngay trước chuyến thăm quốc đảo nhỏ bé này của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Giới quan sát cho rằng động thái này được giới học giả ví như một “cái tát” vào mặt của Bắc Kinh bởi chính từ Fiji ông Vương Nghị đã chủ trì một cuộc họp trực tuyến hôm 30/5 với các Ngoại trưởng của các quốc đảo Thái Bình Dương có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và thất bại trong việc đạt thỏa thuận về “Tầm nhìn về phát triển toàn diện” với các nước này.

Các nhà phân tích đã đưa ra lời cảnh báo các nước láng giềng của Trung Quốc chọn quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ có thể ngày càng tiến triển nếu Bắc Kinh không thay đổi cách hành xử của họ. Dĩ nhiên, các láng giềng của Trung Quốc cũng không muốn một quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với nước láng giềng lớn Trung Quốc và hầu hết chính phủ các nước trong khu vực sẽ cố gắng cân bằng quan hệ của mình với cả hai cường quốc.

Bắc Kinh dường như tin rằng sức nặng kinh tế của họ cuối cùng sẽ buộc phần còn lại của khu vực phải thần phục Trung Quốc. Nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy điều đó đang xảy ra mà nguyên nhân chính là sự hung hăng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trong việc cưỡng ép các nước láng giềng ở Biển Đông, biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan. Thậm chí, sự hung hăng của Bắc Kinh đã lan tới cả Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương khiến các nước này phải đề cao cảnh giác đối với cái gọi là “thiện chí” của giới cầm quyền ở Bắc Kinh. Trong bối cảnh phải tập trung nguồn lực xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine, song chính quyền Tổng thống Biden vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đối với châu Á-Thái Bình Dương và đạt được những thành quả bước đầu trong việc tập hợp đồng minh và đối tác vào mặt trận kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc. Sự hưởng ứng của các nước trong khu vực, nhất là các nước ASEAN đối với các sáng kiến của Mỹ đã gửi đến Bắc Kinh một thông điệp rất rõ ràng rằng: Bắc Kinh sẽ phải thu hút thế giới bằng nhiều thứ hơn là tiền; bất luận thế nào thì sự bền vững của mối quan hệ giữa các quốc gia cần phải được xây dựng dựa trên các giá trị và chuẩn mực phù hợp với luật pháp quốc tế; sự hiếu chiến của Bắc Kinh chỉ đẩy các nước vào “vòng tay” của Washington.

RELATED ARTICLES

Tin mới