Trung Quốc tuyên bố đất nước đã không còn người nghèo và mang tiền đi giăng bẫy nợ các nước nghèo khắp thế giới qua Sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI). Nhưng ít ai biết rằng, Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đều cho Trung Quốc vay rất nhiều tỷ USD để quốc gia này phát triển BRI. Cho đến giờ này, dưới áp lực chính trị, các định chế toàn cầu này mới cân nhắc ngừng cấp khoản vay mới cho chế độ Bắc Kinh.
Ông Masatsugu Asakawa, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tiết lộ với Nikkei vào ngày 19/8 rằng, sẽ xem xét chấm dứt các khoản cho vay mới đối với Trung Quốc vào năm 2023. ADB hy vọng, có thể tập trung nhiều hơn vào việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho các quốc gia có thu nhập thấp.
ADB có kế hoạch cung cấp cho Trung Quốc khoản tài chính lên tới 7,5 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, nhưng thấp hơn nhiều so với mức 9 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2020. Năm tới, họ sẽ xem xét liệu có nên ngừng cung cấp các khoản vay bổ sung cho Trung Quốc sau năm 2025 hay không. Ông Asakawa cho biết đây sẽ là lần đầu tiên vấn đề này được thảo luận.
Trung Quốc không còn đáp ứng các tiêu chí xin vay
Nikkei cho hay, đối tượng xin vay của ADB bao gồm các quốc gia có tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người dưới 7.455 USD (gần 175 triệu VNĐ), khó tiếp cận thị trường vốn quốc tế và có trình độ phát triển kinh tế dưới một mức nhất định.
GNI và trình độ phát triển của thị trường tài chính của Trung Quốc đã không còn phù hợp với các tiêu chuẩn xin vay. ADB sẽ xác minh thêm xem, liệu các chỉ số về mức độ phát triển của Trung Quốc có hợp lệ hay không.
Ông Asakawa cho rằng, từ tình hình an sinh xã hội và các khía cạnh khác có thể thấy, “các thành phố lớn và các khu vực nông thôn của Trung Quốc có cách biệt rất lớn, hy vọng sẽ có một cuộc thảo luận kỹ lưỡng [về vấn đề này]”.
Tính đến cuối năm 2021, số dư các khoản vay ADB của Trung Quốc là vào khoảng 19,6 tỷ USD (con số này trước đây từng có thời điểm lên tới 40 tỷ USD), trở thành nước đi vay lớn thứ hai sau Ấn Độ, chiếm 14% tổng dư nợ của ngân hàng này. Trong số đó, một số khoản vay được sử dụng cho các dự án “Vành đai và Con đường”. Năm ngoái, Trung Quốc cũng nhận được 1,8 tỷ USD tín dụng mới, trở thành nước nhận tín dụng lớn thứ năm sau Ấn Độ, Pakistan và các nước khác.
Hiện tại, các thành viên của ADB bao gồm 68 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Nhật Bản và Hoa Kỳ mỗi nước nắm giữ 15,6% cổ phần, chiếm tỷ trọng lớn nhất. Kế đến là Trung Quốc với 6,4% cổ phần. Đồng thời, Trung Quốc còn sáng lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), hầu hết các quốc gia nhận vốn từ ngân hàng này cũng nhận được các khoản vay của ADB.
Bẫy nợ ‘Vành đai và Con đường’
Kể từ năm 2013, Bắc Kinh đã thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng được gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trên khắp thế giới để hiện thực Giấc mộng Trung Quốc. Chính phủ này đã cung cấp một lượng lớn tài chính cho các nước đang phát triển. Theo thống kê từ một tổ chức tư vấn của Mỹ, Trung Quốc đã chi hơn 1 nghìn tỷ USD để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đối tác.
Nhưng trong những năm gần đây, các yếu tố như dịch bệnh, chiến tranh Nga – Ukraine, lạm phát cao và lãi suất tăng, v.v. đã khiến nhiều dự án cơ sở hạ tầng phải ngừng thi công. Khoản nợ khổng lồ đã khiến các nước đang phát triển và có nền kinh tế mỏng manh mắc kẹt trong một cái bẫy nợ tàn khốc. Trong số đó, Sri Lanka là con nợ lớn nhất của Trung Quốc, hiện nước này không có khả năng trả khoản nợ vay nước ngoài 51 tỷ USD, và 11 tỷ trong số đó là nợ Trung Quốc.
Đầu tháng 7, chính phủ Sri Lanka phải tuyên bố phá sản, trở thành quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương đầu tiên vỡ nợ nước ngoài trong thế kỷ này. Sau đó, Lebanon, Suriname và Zambia cũng vỡ nợ, hiện có ít nhất 12 quốc gia khác đang trên bờ vực vỡ nợ. Dự báo sắp tới sẽ có một “làn sóng vỡ nợ lớn”. Và Trung Quốc, quốc gia cho vay tiền để đầu tư, cũng phải đối mặt với rủi ro tài chính khổng lồ.
Những người trong ngành chỉ trích rằng, Trung Quốc không nên nhận tài trợ từ các tổ chức đa phương, bao gồm cả ADB. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần thúc giục cộng đồng quốc tế ngừng cung cấp khoản vốn bổ sung cho Trung Quốc trong thời gian ông cầm quyền.
Ngoài ra, nhiều nước Châu Âu và Nhật Bản cũng đang giám sát Ngân hàng Thế giới và các cơ quan hoặc tổ chức khác – những bên cung cấp các khoản vay cho chính quyền Bắc Kinh để đầu tư ra nước ngoài vào cơ sở hạ tầng. Nội dung giám sát bao gồm tính minh bạch, số tiền cho vay và các rủi ro xã hội và môi trường có thể xảy ra, v.v.
T.P