Tâm điểm sự chú ý của thế giới hiện nay vẫn là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Gần 200 ngày đã trôi qua. Cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” điên rồ gây tổn thất nặng nề về nhân lực và vật lực. Không phải chỉ có hai nước bỗng nhiên bị quăng vào đám cháy mà cả thế giới phải hứng chịu, nhất là nhưng tác động xấu về kinh tế.
Tính đến cuối tháng 8, theo tính toán sơ bộ, hầu hết khu vực miền Đông và miền Nam Ukraine đã bị Nga kiểm soát. Đương nhiên, Kiev bị tuột khỏi tay các cảng ở Biển Đen. Khi các cảng biển này bị mất, các hoạt động xuất khẩu ngũ cốc – dòng chảy chính của nền kinh tế Ukraine – sẽ bị đóng băng.
Nga cũng chẳng nhằm nhò gì ở mấy cảng này. Trong khi đó vẫn bị phương Tây trừng phạt kinh tế. Nhưng không dễ gì Moscow từ bỏ việc kiểm soát các vùng lãnh thổ đã chiếm được của Kiev.
Vì lý do đó, chiến sự sẽ còn kéo dài. Lúc đầu cuộc chiến diễn ra với nhịp độ nhanh chóng. Nhưng rồi, sau đó đã trở thành một cuộc chiến tiêu hao, chậm chạp. Lúc đầu Nga có ý định áp đảo lực lượng phòng vệ Ukraine và kiểm soát thủ đô Kiev. Còn Ukraine kỳ vọng sẽ nhanh chóng vượt qua cuộc tấn công giai đoạn đầu, nhờ sự giúp đỡ của Mỹ và phương Tây, buộc Nga phải rút quân.
Hôm 22/8, Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine Valeriy Zaluzhnyy công bố không hề giấu diếm: gần 9.000 quân nhân nước này đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh với Nga. Còn theo Bộ trưởng Quốc phòng Alexei Reznikov, khoảng 100 binh sĩ tử vong mỗi ngày. Một con số khác, theo cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mikhail Podolyak, ước tính mỗi ngày không dưới 200 binh sĩ thiệt mạng.
Nga cũng chịu tổn thất nặng nề. Con số thương vong gần đây nhất của quân đội Nga được Moscow công bố: 1.351 binh sĩ thiệt mạng và 3.825 người bị thương trong cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, con số thực tế theo các nhà tình báo quân sự có thể cao gấp đôi.
Sự nhùng nhằng trong cuộc chiến sẽ tiếp tục gây những mất mát to lớn. Hàng nghìn thanh niên trai tráng đã vô cớ bị ném vào lò lửa chiến tranh và bỏ mạng. “Không bên nào có thể giành chiến thắng. Cuộc chiến điên rồ này có thể kéo dài nhiều năm” – đó là nhận định của ông Konstantin Kalachev, nhà phân tích chính trị tại Moscow.
Bình luận về việc chấm dứt chiến tranh, Giám đốc Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, bà Marie Dumoulin cho rằng: “Đã gọi là “chiến tranh ủy nhiệm” thì sự can thiệp, ủng hộ từ các đồng minh phương Tây sẽ khiến cho một trong hai bên khó có thể lùi bước ở thời điểm hiện tại. Bởi mỗi bên đều cho rằng, họ vẫn có thể tạo ra lợi thế quân sự, vì vậy khó có khả năng xung đột sẽ sớm kết thúc”.
Dự báo rằng, khi mùa đông đến quân đội Nga có thể sẽ được hưởng lợi. Ở thời điểm đó, sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga sẽ gia tăng, buộc một số quốc gia phải giảm hỗ trợ cho Ukraine (trong đó có viện trợ quân sự). Một khi không có dòng viện trợ quân sự ổn định từ phương Tây, quân đội Ukraine sẽ suy giảm sức mạnh.
Thế nhưng, các nhà chỉ huy quân sự Ukraine lại có cách tính khác. Rằng, khi chiến tranh kéo dài, các yếu tố bên ngoài sẽ buộc Nga phải rút quân. Bị trừng phạt về kinh tế, bị cuộc chiến gây tổn thất nặng nề, bị người dân Nga phản đối, Moscow sẽ buộc phải quay đầu. Và ngay cả khi chiến tranh chưa kết thúc, Ukraine hy vọng, Nga sẽ rút bớt lực lượng, cho phép Ukraine giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, bao gồm Donbass.
Vậy Nga dự báo đúng hay Ukraine đúng? Nếu cuộc chiến tiếp tục căng thẳng và kéo dài sang năm 2023, tình hình chiến sự phần lớn sẽ phụ thuộc vào phương Tây. Câu hỏi đặt ra là, liệu phương Tây có thể duy trì sự ủng hộ cho Kiev, bởi chi phí giúp Ukraine đọ súng ngày càng cao hơn, chưa kể đến giá nhiên liệu và lương thực tăng vọt.
Chuyên gia Dumoulin nhận định: “Có lẽ sẽ đến lúc Nga “tranh thủ” sự mệt mỏi của phương Tây và đề xuất một số phương án để thúc đẩy các nhà lãnh đạo phương Tây gây áp lực, buộc Ukraine phải chấm dứt xung đột theo các điều kiện của Nga”.
Nhận định này là đáng lưu ý. Bởi, ngoại trừ tính toán quân sự sai lầm gây tổn thất nặng nề, quân đội Ukraine khó có thể bị đánh bại hoàn toàn. Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng khó chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán nào mà Ukraine không giành lại toàn bộ vùng lãnh thổ đang nằm trong tầm kiểm soát của Nga, bao gồm bán đảo Crimea.
Theo nhận định của cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, Tướng Ben Hodges: đến năm 2023, quân đội Ukraine có thể đẩy lùi lực lượng Nga về vị trí biên giới trước xung đột quân sự. Lực lượng Nga sẽ dần “kiệt sức” sau cuộc chiến. Khả năng Ukraine đẩy lùi lực lượng Nga về biên kia biên giới, nói nôm na rằng Nga sẽ bại trận, phụ thuộc vào việc phương Tây có tiếp tục hậu thuẫn cho Kiev hay không.
Đã bước vào những ngày cuối cùng của tháng 8. Một số chuyên gia nhận định, Ukraine khó phản công quy mô lớn và không thể nhanh chóng xoay chuyển cục diện chiến trường khi chưa có thêm nhiều vũ khí hạng nặng viện trợ. Trong khi đó, Nga vẫn liên tục thông báo phá hủy các vũ khí phương Tây cấp cho Ukraine và khẳng định Kiev “thiệt hại nặng nề”.
Vậy là, sau hơn sáu tháng nổ ra chiến tranh giữa hai quốc gia, các cuộc đàm phán đi vào ngõ cụt. Các cuộc giao tranh trên chiến trường ngày càng căng thẳng. Nguy cơ chiến tranh hạt nhân dẫn tới chiến tranh thế giới thứ ba không phải là một lời đe dọa mà nó là một tai họa treo lơ lửng trên đầu nhân loại.
Hòa bình cho Ukraine! Mệnh lệnh ấy vang lên khẩn thiết. Không chỉ ở Nga, ở Ukraine mà trên khắp hành tinh này.
H.Đ