Wednesday, November 27, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNgân hàng báo lãi lớn, doanh nghiệp kêu thiếu vốn

Ngân hàng báo lãi lớn, doanh nghiệp kêu thiếu vốn

Báo cáo tài chính nửa đầu năm 2022 của nhiều ngân hàng thương mại cho thấy lợi nhuận tiếp tục tăng cao, trong khi đó các doanh nghiệp lại gặp khó khăn lớn về tài chính. Điều lạ là ngân hàng không thể tăng cho vay vốn nhưng lãi suất huy động vẫn tăng cao.

Kinh mới mới phục hồi, DN còn nhiều khó khăn nhưng ngân hàng liên tục báo lãi lớn.

Ngân hàng báo lãi lớn

Nắm giữ vị trí đầu bảng xếp hạng về lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2022 là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB). Lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 của nhà băng này đạt gần 17.400 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) xếp thứ 2, với lợi nhuận đạt 15.232 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) ghi nhận lợi nhuận đạt hơn 15.000 tỷ đồng, đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng.

Vị trí 4 thuộc về Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với hơn 14.000 tỷ đồng. Vị trí thứ 5 là Ngân hàng Quân đội (MB) đạt gần 11.900 tỷ đồng. Vị trí thứ 6 là Ngân hàng Công thương Việt Nam, với lợi nhuận đạt 11.608 tỷ đồng. Vị trí thứ 7 là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với lợi nhuận đạt 11.084 tỷ đồng.

Trên đây là top 7 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất nửa đầu năm 2022, với giá trị trên 10.000 tỷ đồng. Tính chung cả 7 ngân hàng, khoản lợi nhuận trước thuế đã vượt ngưỡng 96.000 tỷ đồng, chiếm khoảng một nửa lợi nhuận toàn ngành ngân hàng.

Ngoài ra, một loạt các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng có lợi nhuận nghìn tỷ nửa đầu năm 2022. Chẳng hạn như Ngân hàng Á châu (ACB) có lợi nhuận trước thuế 9.028 tỷ đồng; Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) 5.848 tỷ đồng; Ngân hàng Phát triển nhà TP. HCM 5.034 tỷ đồng; Ngân hàng Quốc tế (VIB Bank) 5.023 tỷ đồng…

Trong nửa đầu năm 2022, có tới 20 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế từ 1.000 tỷ đồng trở lên.

Tăng trưởng tín dụng cao trong nửa đầu năm và mặt bằng lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng thấp, trong khi lãi suất cho vay neo cao là những yếu chính tố mang lại lợi nhuận cho các ngân hàng.

Theo giới chuyên môn, mặt bằng lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng nửa đầu năm nay chỉ 4% – 6%/năm, nhưng lãi suất cho vay giữ ở mức cao 8,5% – 10,5%/năm, cùng với tăng trưởng tín dụng đạt 9,35% đã giúp các ngân hàng duy trì được lợi nhuận cao.

Không những thế, các ngân hàng đang thu hút được một lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lớn, với lãi suất chỉ ở quanh mức 0,1% – 0,3%/năm.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân của người dân tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng mạnh 3 tháng đầu năm 2022. Thống kê cho thấy, trong quý I/2022, toàn hệ thống ngân hàng có 118,645 triệu tài khoản thanh toán thuộc sở hữu của khách hàng cá nhân, tăng 3,454 triệu tài khoản so với quý liền trước, tương đương 3%. Trong khi đó, số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán đã chính thức vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng gần 103.600 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 11% so với quý liền trước. Bình quân mỗi tài khoản thanh toán của người dân để khoảng 8,8 triệu đồng. Số tiền với chi phí thấp này đem cho vay cũng góp phần đem lại lợi nhuận lớn.

Ngoài ra, thu nhập từ bán bảo hiểm cũng mang lại hàng trăm tỷ đồng hoa hồng và phí ứng trước cho các ngân hàng, góp thêm vào tăng trưởng lợi nhuận.

Chẳng hạn như VPBank có lợi nhuận tăng đột biến nhảy lên đứng vị trí thứ 2 sau VCB là do ghi nhận khoản thu nhập đột biến, sau khi thỏa thuận bán bảo hiểm độc quyền với bảo hiểm AIA.

Gần đây, hàng loạt các ngân hàng đã đàm phán với các công ty bảo hiểm để được phân phối bảo hiểm độc quyền. Với hàng chục nghìn tỷ đồng doanh thu, các nhà băng nhận được hoa hồng, phí trả trước từ hàng trăm cho đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Lợi nhuận từ việc bán bảo hiểm là nguồn thu nhập rất lớn của ngân hàng. Bán bảo hiểm trở thành mũi nhọn để kiếm tiền cho ngân hàng từ các dịch vụ ngoài tín dụng.

Doanh nghiệp bế tắc vốn, lo phá sản

Trong khi ngân hàng hưởng lợi nhuận cao thì nhiều doanh nghiệp lại gặp khó khăn về tài chính mà không nhận được sự hỗ trợ đáng kể nào.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, qua nắm bắt tình hình doanh nghiệp từ 16 hiệp hội ngành nghề vừa có báo cáo cho biết, hầu hết doanh nghiệp vẫn đang đứng trước khó khăn hết sức lớn về tài chính, với những biểu hiện điển hình là: thiếu vốn lưu động, khó tiếp cận vốn vay.

Hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay, do thiếu tài sản đảm bảo, dẫn đến việc các ngân hàng thường không ưu tiên cho các doanh nghiệp này vay. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng hộ kinh doanh chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, nếu không giải quyết vấn đề tín dụng, sẽ có nguy cơ phá sản, bởi không có tiền trả lương cho người lao động, không có vốn để kinh doanh và đầu tư mới.

Không những thế, nhiều doanh nghiệp phàn nàn phải chịu lãi vay cao từ ngân hàng. Từ đầu năm 2022, Chính phủ đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý, phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5% – 1%/năm trong 2 năm để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, nhưng điều này đã không thành hiện thực.

Từ quý I/2022, các doanh nghiệp đã phải vay phổ biến với kỳ hạn 6 tháng là 8% – 9%/năm. Tuy nhiên, các mức lãi suất này không cố định, cứ sau 3 tháng lại điều chỉnh một lần, cộng thêm biên độ, mức cộng 1% – 3% cho kỳ hạn 6 tháng. Tính ra, lãi suất bình quân thấp nhất doanh nghiệp vay kỳ hạn 6 tháng thấp nhất cũng là 9,5%/năm. Đến quý II, các ngân hàng lại đẩy lãi suất cho vay tăng dần lên, ban đầu là 0,3%/năm, rồi đến 0,5%/năm… và đến nay có ngân hàng đã nâng lên thêm 1,7%/năm so với đầu năm.

Một số ý kiến cho rằng ngành ngân hàng có kết quả kinh doanh khả quan là điều đáng mừng, như vậy mới có điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có ngân hàng thấy báo lãi đều, còn các doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Chi phí cho nguyên vật liệu đầu vào thời gian qua tăng cao đáng lo ngại, cộng với lãi vay ngân hàng cao, khiến cho giá thành sản phẩm, dịch vụ tăng, đang làm các doanh nghiệp khốn đốn.

Các dự báo cho thấy, lợi nhuận ngân hàng 6 tháng cuối năm sẽ không khả quan như nửa đầu năm, do hạn mức tín dụng không còn nhiều. Nhưng từ đầu năm, nhiều ngân hàng đã đặt ra mục tiêu lợi nhuận cao trong năm nay, tới trên 20%. Như vậy, không có hy vọng lãi suất cho vay giảm. Các ngân hàng sẽ còn tăng lãi suất cho vay nửa cuối năm, để đảm bảo duy trì mục tiêu về lợi nhuận đã đặt ra.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới