Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhìn lại con người và di sản của Mikhail Gorbachev

Nhìn lại con người và di sản của Mikhail Gorbachev

Mikhail Gorbachev có hai người hùng trong suy nghĩ, đều là những nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa của thế kỷ 19: Alexander Herzen và Vissarion Belinsky. Các tác phẩm của hai ông tập trung vào phẩm giá cá nhân, và Gorbachev hầu như thuộc lòng tất cả những cuốn sách của họ. Khi chúng được chuyển thể lên sân khấu Nga trong vở kịch ba phần “The Coast of Utopia” [Bờ biển xứ Không tưởng] của Tom Stoppard vào năm 2002, đích thân ông đã đến xem. Và khi buổi diễn kết thúc, ông được mời lên sân khấu để nhận một tràng pháo tay nhiệt liệt, từ những khán giả mà có lẽ vẫn chưa ra đời khi ông nhậm chức tổng bí thư cuối cùng của Liên Xô vào năm 1985.

Perestroika (cải tổ) do ông khởi xướng đã không bao giờ đi đến cái đích như ông muốn, về một chủ nghĩa xã hội dân chủ, nhân đạo – có lẽ vì đích đến đó là một điều Không tưởng. Đối với giới tinh hoa Nga hiện đại, ông là một kẻ kỳ quặc nếu không muốn nói là kẻ phản bội: một kẻ ngu ngốc đã khiến Liên Xô sụp đổ, nhưng lại không tranh thủ kiếm chác từ quá trình đó. Có quyền lực, một cuộc sống thoải mái và số phận của hàng trăm triệu người trong tay, nhưng Gorbachev đã buông tất cả khi từ chức tổng thống Liên Xô vào ngày 25 tháng 12 năm 1991.

Trước đó, Gorbachev đã họp suốt tám giờ với Boris Yeltsin, tổng thống Nga và đối thủ truyền kiếp của mình, về quá trình chuyển giao quyền lực. Sau cuộc gặp, ông nằm nghỉ trong văn phòng – một lần cuối cùng. Khi đồng nghiệp thân cận Alexander Yakovlev bước vào, ông ta thấy Gorbachev nhỏ nước mắt. “Anh thấy đấy, Sasha, đó là cách mọi chuyện diễn ra,” Gorbachev nói.

Rõ ràng ông không muốn nhìn Liên Xô chết như vậy. Người đàn ông đã kết thúc Chiến tranh Lạnh, người đã thay đổi tiến trình lịch sử thế kỷ 20, không phải là nhà bất đồng chính kiến ​​hay nhà cách mạng. Ý định ngay từ đầu của ông là cải tổ Liên Xô, chứ không phải phá hủy nó. Nhưng thái độ ác cảm với bạo lực và niềm tin của ông vào sự Khai sáng là đủ để kéo sập một hệ thống mà bản thân nó được tạo nên bởi đàn áp và dối trá.

Gorbachev sinh năm 1931, ngay sau khi Stalin tập trung quyền lực và phát động phong trào tập thể hóa nhằm xóa bỏ giai cấp nông dân. Ông lớn lên ở miền nam nước Nga, một vùng nông nghiệp trù phú vốn là nơi sinh sống của những người Cossack chưa từng biết đến chế độ nông nô, trong một ngôi làng mang tên Privolnoye, có nghĩa là “tự do.” Ông có hai người ông: một người thích treo các biểu tượng Chính thống giáo; người còn lại treo ảnh chân dung của Marx và Lenin. Như nhiều người thuộc thế hệ của mình, Gorbachev có cái hiểu đời, cẩn trọng và bảo thủ của một người nông dân. Ông cũng có thể lực của một người đã đi làm nông trường từ ​​thuở nhỏ.

Chính sự nhạy cảm và bản năng con người đó nhiều năm sau đã cho phép Ronald Reagan thấy ở Gorbachev không chỉ một nhân vật Mác-Lê, mà còn là một người có rất nhiều điểm chung với ông. Cả hai đều tự thân đi lên từ các cộng đồng nông dân nhỏ, đều tin vào sự đứng đắn, và đều mang trong mình cái lạc quan và tự tin của những năm hậu Thế chiến 2.

Động lực đưa Chiến tranh Lạnh đi đến hồi kết tới từ cả mối quan hệ giữa hai người đàn ông này lẫn sự kém cỏi của nền kinh tế Liên Xô. Gorbachev, người quan tâm đến việc cải thiện điều kiện sống của người dân hơn là vị thế siêu cường mà ông cho là đương nhiên, không thấy cần thiết phải tiếp tục chạy đua vũ trang.

Đó là kết luận hợp lý sau một hành trình dài khởi đầu từ cái chết của Stalin. Khi Nikita Khrushchev xé bỏ chủ nghĩa sùng bái cá nhân Stalin vào năm 1956, Gorbachev chính là một trong những lãnh đạo đảng trẻ tuổi có nhiệm vụ truyền bá thông điệp mới xuống các cấp chi bộ. Từ đó, tách bạch chủ nghĩa Stalin khỏi chủ nghĩa xã hội đã trở thành công việc cả đời của ông. Và khi lên nắm quyền mà không có kế hoạch hay chương trình cải cách nào trong tay, Gorbachev chỉ mang trong mình niềm tin đơn giản rằng, sau 18 năm trì trệ, “Chúng ta không thể tiếp tục sống như thế này.” Ông mang đến cho Liên Xô sức trẻ, năng lượng và – quan trọng nhất – nhân tính.

Thảm họa hạt nhân Chernobyl xảy ra chỉ một năm sau đó. Vụ tai nạn, mà chính phủ tìm cách che đậy, cho thấy sự rối loạn chức năng, kiêu ngạo và coi thường mạng sống con người của hệ thống Liên Xô. Gorbachev lập tức nắm lấy cơ hội của mình và lên án một hệ thống “bị suy đồi bởi bọn nịnh bợ, đàn áp những người có suy nghĩ khác biệt, chủ nghĩa hình thức, quan hệ cá nhân và gia tộc.” Thay vào đó, ông đề xuất “glasnost,” hay công khai hóa. Ông nói với đảng của mình rằng đây mới là chủ nghĩa xã hội đích thực.

Trên tinh thần đó, vào năm 1989 ông tuyên bố cuộc bầu cử cạnh tranh đầu tiên vào Xô Viết Tối cao. Ông cũng đồng ý nên truyền hình trực tiếp cuộc bầu cử. Hàng triệu người đã được thấy Andrei Sakharov, nhà vật lý bất đồng chính kiến ​​được Gorbachev cho phép quay về nước, công khai thách thức vị tổng bí thư. Những ngày đó làm cho độc quyền chính trị của Đảng Cộng sản sụp đổ, cùng với sự bí ẩn về quyền lực của nó.

Đây cũng là tín hiệu cho tất cả các nước cộng hòa thấy rằng Liên Xô đang tan rã. Đến đầu năm 1991, trong nỗ lực tuyệt vọng để giữ lại liên bang, Gorbachev đã liều mình liên kết với các lực lượng đàn áp và đưa xe tăng Liên Xô vào Litva. Để rồi chỉ vài tháng sau, chính lực lượng do KGB lãnh đạo này tổ chức đảo chính và quản thúc ông tại Crimea. Khi cuộc đảo chính sụp đổ và ông trở lại Moscow, Gorbachev chọn về nhà để chăm sóc cho người vợ Raisa vừa bị đột quỵ, thay vì làm một chính trị gia của công chúng.

Khi dành tình cảm không giấu giếm cho vợ, Gorbachev đã vi phạm quy tắc bất thành văn yêu cầu các lãnh đạo Nga cắt bỏ hoàn toàn cuộc sống riêng tư. Nhưng một lần nữa, đặt cuộc sống riêng tư lên trên lợi ích phù du của nhà nước là quan điểm chính của ông. Rời khỏi chức vụ không phải là dấu chấm hết cho cuộc đời ông, cũng như hầu hết những người tiền nhiệm trước. Nhưng không như những người kế vị mình, Gorbachev không có gì phải sợ hãi, và không có của cải để che giấu. Trong những năm đầu tiên sau khi từ chức, ông đã đóng quảng cáo cho Pizza Hut để kiếm tiền. Theo tiêu chuẩn của giới thượng lưu Nga ngày nay, Gorbachev là một kẻ nghèo. Số tiền từ giải Nobel hòa bình năm 1990 của ông đã được dùng để thành lập Novaya Gazeta, một tờ báo tự do của Nga.

Khi Raisa được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu, Gorbachev đưa bà đến một phòng khám ở Đức và ôm bà trong vòng tay còn nguyên chất nông dân của mình. Sau khi chôn cất Raisa, ông đã đến dự một bữa tiệc hậu trường tại Nhà hát Nghệ thuật Moscow. Ngẫu hứng, một diễn viên đứng lên kêu gọi cựu tổng thống đọc hoặc hát một cái gì đó. Tất cả mọi người đều sững sờ vì xấu hổ, ngoại trừ Gorbachev. Đám đông tản ra tạo không gian cho ông, và Gorbachev đã ngâm bài thơ của Lermontov, “Tôi một mình lên đường. Con đường bạc màu lấp lánh trong sương mờ”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới