Sunday, November 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiDoanh nghiệp khát vốn làm ăn

Doanh nghiệp khát vốn làm ăn

Doanh nghiệp cần đa dạng kênh huy động vốn trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% để kiểm soát lạm phát, room tín dụng cho cả năm không còn nhiều.

Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng ở TP HCM.

Số liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính đến giữa tháng 8-2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,62% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%). Trước đó, tại thời điểm ngày 30-6, tăng trưởng tín dụng được NHNN công bố lên tới 9,35%.

Kẹt vì… hết “room”

Như vậy, trong hơn một tháng qua, tín dụng ra nền kinh tế chỉ tăng thêm 0,27%, phản ánh lượng vốn hệ thống NH cung ứng ra thị trường khá khiêm tốn, trong khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp (DN) thường tăng mạnh những tháng cuối năm.

Ghi nhận đến ngày 29-8, NHNN chỉ mới thông báo sẽ phân bổ hạn mức tín dụng còn lại của năm 2022 và chưa có động thái điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng).

Là khách hàng thường xuyên của một NH thương mại trước dịch Covid-19, anh Ngô Hùng Việt, chủ hộ sản xuất ở TP HCM, cho biết sau khi ngừng vay trong dịch, nay có nhu cầu vay vốn trở lại để mua nguyên liệu sản xuất nhưng không được.

“Tôi thường vay vốn lưu động 12 tháng nhưng nay NH thông báo chỉ cho vay 6 tháng khiến tôi không dám vay vì không đủ thời gian quay vòng vốn” – anh Việt kể.

Theo anh Việt, nếu vay được vốn sẽ được NH giảm 2% lãi suất theo gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng từ ngân sách để giảm bớt chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và sớm khôi phục sau dịch Covid-19.

Phản ánh thông tin trên với lãnh đạo NH thương mại mà anh Việt từng vay vốn, vị này cho hay room tín dụng gần hết nên NH rất thận trọng khi cho vay. Nếu cho vay thời hạn 12 tháng, NH sẽ không kịp thời gian để thu hồi vốn, room tín dụng sẽ vượt quá tỉ lệ mà NHNN cho phép, vi phạm về hoạt động tín dụng. Ngược lại, khi cho vay 6 tháng thì khách hàng không xoay xở kịp dòng tiền để trả nợ. Từ đó, hai bên đều rơi vào thế khó.

Vốn tín dụng cực kỳ quan trọng

Tại nhiều cuộc họp, hội nghị gần đây, vấn đề cạn room tín dụng cũng được cả DN lẫn NH thừa nhận.

Nhân viên một số NH cho hay hết room không chỉ khiến nhân viên “ngồi chơi” mà khách hàng cũng rất khó, cả khách vay cá nhân lẫn DN. Giám đốc một chi nhánh NH thương mại ở TP HCM cho hay rất nhiều khách hàng hỏi bao giờ giải ngân tiếp hoặc cho vay mới nhưng ông không dám trả lời, vì không biết bao giờ được nới room.

Một đại diện một doanh nghiệp bất động sản cho biết thời gian qua, nguồn cung căn hộ chung cư đã yếu, cung nhà phố còn nhỏ giọt và bất động sản (BĐS) đã đi ngang. Dù vậy, khó khăn vẫn chưa dừng lại vào cuối năm khi vốn tín dụng tiếp tục bị hạn chế. Bởi khi việc tiếp cận vốn NH khó hơn, người mua nhà cũng sẽ thận trọng, không dám mua. Đã có tình trạng khách định đặt cọc mua nhưng vì không được vay nên hủy cọc.

“Trái phiếu BĐS được kiểm soát chặt thời gian qua càng khiến nhiều DN gặp khó khăn và kéo theo thị trường chung bị ảnh hưởng. Xu thế của các DN BĐS là đi tìm vốn từ các kênh như trái phiếu, chứng khoán, vay nhà băng, vay quốc tế và khách hàng nhưng không dễ” – vị đại diện doanh nghiệp bất động sản, nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, phân tích với lĩnh vực BĐS, một kênh huy động vốn quan trọng khác của DN là huy động từ khách hàng nhưng nguồn vốn này lại cần vốn tín dụng. Hiện nay, các NH thương mại không cho phép vay để mua đất mà chỉ được vay để phát triển dự án sau khi có quỹ đất. Do đó, vốn tín dụng là cực kỳ quan trọng để DN BĐS có đủ nguồn vốn hoạt động. Nếu vốn tín dụng tắc sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến DN và hiện rất khó tiếp cận kênh này.

Vì sao chưa nới room tín dụng?

Số liệu được TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đưa ra cho thấy vốn tín dụng đóng góp 47% tổng vốn đầu tư năm 2021; vốn từ trái phiếu DN đã và đang tăng tương đối tốt (khoảng 21,5%) nhưng huy động vốn từ thị trường cổ phiếu vẫn còn khiêm tốn khi mới chiếm khoảng 3,2% tổng lượng vốn đầu tư vào toàn nền kinh tế.

Với dòng vốn tín dụng hiện tương đương 125% GDP, theo TS Cấn Văn Lực, là mức tương đối cao so với mức độ phát triển nền kinh tế Việt Nam. Hiện mỗi năm ước tính dư nợ tín dụng khoảng 11,4 triệu tỉ đồng. Trong năm 2022, dự kiến có khoảng 1,5 triệu tỉ đồng tín dụng được cung cấp cho nền kinh tế. Nếu NHNN không thay đổi hạn mức, sẽ còn khoảng 4,4% room tín dụng từ nay đến cuối năm.

Trong khi vốn tín dụng từ NH hạn chế, các kênh huy động vốn khác cũng không “dễ thở” hơn.

Phân tích của TS Đinh Thế Hiển – chuyên gia kinh tế cho biết nguồn huy động vốn đang gặp khó ở các kênh. Không chỉ khó tiếp cận vốn tín dụng vì room hạn chế mà các kênh khác như huy động vốn từ cổ phiếu cũng không dễ khi thị trường chứng khoán suy giảm. Huy động vốn qua kênh trái phiếu cũng giảm mạnh do các NH thương mại không tham gia.

“Năm 2022, nhà nước đã chấn chỉnh phát hành trái phiếu dưới chuẩn và lách luật. Dự kiến số lượng phát hành sẽ giảm, ảnh hưởng tới nguồn vốn các công ty sản xuất kinh doanh và BĐS” – TS Đinh Thế Hiển nói.

Trong bối cảnh này, từ khoảng tháng 6 đến nay, đề xuất nới room tín dụng liên tục được các NH thương mại, hiệp hội và DN đưa ra nhằm giải quyết bài toán vốn cho nền kinh tế. Đặc biệt, nới room tín dụng cũng là một trong những giải pháp nhằm giúp đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% (nhiều NH hết room nên không thể cho vay mới với khách hàng đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất từ chương trình này).

Ông Lê Hoàng Châu đề xuất tăng trưởng tín dụng cả năm được đặt ra là 14%, tuy nhiên NHNN có thể nâng thêm 1%-2%. Bởi phần lớn các NH thương mại đã gần cạn room tín dụng, nếu có thể cho phép 4 NH thương mại nhà nước lớn hoặc các NH đạt chuẩn Basel II nới room tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn cho DN và nền kinh tế nhưng vẫn phải bảo đảm ổn định nền kinh tế và kiểm soát lạm phát.

Kiểm soát lạm phát là một trong những yếu tố được đặt hàng đầu trong bài toán cân nhắc mục tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN. Tại hội nghị triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách 40.000 tỉ đồng cuối tuần qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tiếp tục khẳng định trong tuần này sẽ phân bổ room tín dụng còn lại (khoảng hơn 4%) cho các NH thương mại để đáp ứng nhu cầu vốn của thị trường.

Thời gian qua, NHNN cũng liên tục phát đi thông điệp sẽ giữ tăng trưởng tín dụng ở mức 14%. Bởi tăng trưởng tín dụng phải được xem xét cùng các biến động thường khó lường trong bối cảnh bất định của toàn cầu như lạm phát, tỉ giá, thanh khoản NH và thậm chí kiểm soát vốn vào các lĩnh vực ít rủi ro, bảo đảm chất lượng tín dụng.

TS Lê Xuân Nghĩa nhận định dù các NH thương mại đang “ngóng” room tín dụng nhưng room này được xác định theo mục tiêu chủ chốt là lạm phát. Thực tế, lạm phát nước ta hiện là “lạm phát nhập khẩu” và để giảm lạm phát, phương sách hữu hiệu nhất là giảm thuế hàng hóa. Trong đó, mặt hàng có hiệu ứng mạnh nhất là xăng dầu.

“Nếu giảm thuế xăng dầu để giá loại hàng hóa này giảm 10% thì lạm phát sẽ giảm xuống 0,31%; nếu tiếp tục giảm thêm 10% thì lạm phát sẽ giảm thêm 0,27% nữa. Như vậy, giảm 20% giá xăng dầu giúp giảm lạm phát tới 0,58%, đưa mục tiêu lạm phát từ 4% về khoảng 3,5%. Khi đó, NHNN mới có thể yên tâm khi nới room tín dụng” – ông Nghĩa nêu giải pháp.

Đa dạng kênh huy động vốn

Một nghịch lý được ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP HCM, nêu ra là hiện thu ngân sách được gần 1,1 triệu tỉ đồng, đạt kết quả rất tích cực nhưng chính sách tài khóa với các hỗ trợ thuế, phí, vẫn chưa bảo đảm hỗ trợ tối ưu với DN. Do đó, kiến nghị các cơ quan bộ, ngành, Chính phủ xem xét nhanh chóng bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá xăng, giảm thuế GTGT đối với những nguyên liệu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất… Từ đó, góp phần hạ giá thành sản phẩm, DN mới có sức phục hồi, sản xuất tốt hơn.

“Đây cũng là điều kiện tiên quyết để qua đó giảm bớt áp lực và nỗi lo về lạm phát từ phía NHNN. Từ đó, NHNN sẽ có điều kiện linh hoạt điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng tăng cường hỗ trợ DN” – ông Liêm đề xuất.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội NH Việt Nam tại TP HCM, cho rằng NHNN vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng 14% là phù hợp và vẫn tạo điều kiện cho DN vay vốn sản xuất kinh doanh. Cụ thể, trong gần 8 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng khoảng 9,6%, tức là dư địa còn lại là 4,4% trên tổng dư nợ, tương đương khoảng 450.000 tỉ đồng để đầu tư cho các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay tới cuối năm. Tại TP HCM, room tín dụng còn trên dưới 150.000 tỉ đồng.

“Với room tín dụng còn lại này, những DN, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện sẽ được tạo điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi, thậm chí hưởng ưu đãi và hỗ trợ. Nhưng nếu không đáp ứng các điều kiện vay vốn, NH không thể cho vay vốn vì rủi ro nợ xấu, an toàn hệ thống” – ông Nguyễn Hoàng Minh nói.

Tránh “vết xe đổ”

Theo NHNN, trước năm 2011, tín dụng là kênh cung ứng vốn chủ lực cho nền kinh tế, tăng rất nhanh, tỉ lệ tín dụng/GDP cũng tăng nhanh gây bất ổn vĩ mô, lạm phát tăng cao ở mức 2 con số, an toàn hệ thống tài chính bị đe dọa nghiêm trọng (bong bóng giá BĐS, chứng khoán).

Nhiều tổ chức tín dụng yếu kém, rủi ro thanh khoản gia tăng, các tổ chức tín dụng rơi vào vòng xoáy đua lãi suất huy động nguồn vốn để cho vay, nợ xấu tăng cao…, đặt hệ thống ngân hàng trước nguy cơ tiềm ẩn đổ vỡ. Các tổ chức quốc tế cảnh báo việc nới lỏng tín dụng, nợ xấu gia tăng, căng thẳng thanh khoản giai đoạn này đã đe dọa nghiêm trọng sự ổn định vĩ mô, an toàn hệ thống.

“Đây là bài học sâu sắc cho ngành NH sau giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng, hệ lụy để lại hết sức nặng nề, việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu… vẫn còn tiếp tục kéo dài đến nay. Do đó, đòi hỏi NHNN điều hành tín dụng phải thận trọng để không lặp lại các vấn đề đã mắc trong quá khứ, bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời chuyển giao dần vai trò cân đối vốn trung dài hạn cho nền kinh tế sang các phân khúc thị trường tài chính thay thế dần cho tín dụng ngân hàng” – đại diện NHNN nói.

Do đó, từ năm 2012, NHNN đã thực hiện giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng định hướng toàn ngành và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm cho từng tổ chức tín dụng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia:

Có thể huy động vốn qua kênh thuê tài chính

NHNN có thể linh hoạt về hạn mức tăng trưởng tín dụng, không nên chờ đến quý IV hoặc cuối năm khi tăng trưởng tín dụng và lạm phát ổn định… mới nới room tín dụng. Vì như vậy quá trễ so với nhu cầu phục hồi của nền kinh tế và của DN, nhất là trong bối cảnh cần đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Trong lúc này, để giải bài toán vốn cho DN, trên thị trường vốn đang có 6 dòng vốn khác nhau, bao gồm ngân sách vốn nhà nước, nguồn vốn nước ngoài (vay, phát hành trái phiếu); huy động từ thị trường vốn (cổ phiếu, fintech, quỹ đầu tư); vốn tự có; nguồn vốn tín dụng, bảo lãnh và vốn từ đối tác. Trong đó, một dòng vốn quan trọng với DN là thuê tài chính, kênh quan trọng của DN vừa và nhỏ trong bối cảnh thiếu tài sản thế chấp. DN nên quan tâm mảng cho thuê tài chính, bởi cho thuê tài chính không cần tài sản thế chấp. Hiện có 11 công ty cho thuê tài chính.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế:

Hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh

Cùng với việc thực hiện chính sách giãn, hoãn hay giảm thuế, phí, hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh số hóa trong quản lý, góp phần giảm các chi phí chính thức và phi chính thức, bởi đây là giải pháp quan trọng giúp các DN giảm chi phí trong sản xuất kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng.

Khả năng hồi phục và phát triển của mỗi DN chủ yếu phụ thuộc vào sự thích ứng linh hoạt và tái cấu trúc DN trong điều kiện mới. Các DN cần linh hoạt, chủ động tìm kiếm nguồn vốn sản xuất kinh doanh trung và dài hạn từ các hình thức phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu để vừa chủ động về vốn, vừa có chi phí vốn hợp lý.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới