Sunday, January 12, 2025
Trang chủThâm cung bí sửNhật ký Diên An: Mâu thuẫn đỉnh điểm giữa Mao Trạch Đông...

Nhật ký Diên An: Mâu thuẫn đỉnh điểm giữa Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch (Kỳ 15)

Theo Mao Trạch Đông bất kỳ một sự thoả thuận nào với Tưởng Giới Thạch cũng là một cái thòng lọng đối với Đảng cộng sản Trung Quốc

Từ Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch đến Mao Trạch Đông.

Mỗi người “vĩ đại” theo một cách khác nhau nhưng có một điểm chung là lợi dụng tinh thần dân tộcvới mục đích riêng

21 tháng Chạp

Mao Trạch Đông đặc biệt quan tâm đến các biến cố ở Hy Lạp. Các cuộc đàn áp những chiến sĩ du kích của bọn can thiệp Anh khiến ông ta suy nghĩ đến một khả năng tương tự có thể xảy ra ở Trung Quốc. thêm vào đó bọn Mỹ lại khước từ việc cung cấp vũ khí. Tóm lại, có điều cần phải suy nghĩ đây…

Báo Tin tức số ra ngày 2 tháng Cháp có một bài về tình hình Trung Quốc. Ở đây người ta rất quan tâm đến bài báo đó.

Những ghi chép của tôi nhiều vô kể. Nực cười là thậm chí tôi, tác giả của những ghi chép đó cũng khó mà tin được rằng, tôi đã làm việc đó một mình.

Tôi chỉ giữ lại những sự kiện. Tôi cho rằng cái chủ yếu trong công tác là những sự kiện. trước hết là sự kiện. Rồi sau mới đến kết luận và cảm xúc, có thể thay thế bằng trí nhớ, nhưng đó không phải là biên niên sử các sự kiện…

22 tháng Chạp

Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc trò chuyện với tôi trên tám tiếng đồng hồ, sau khi đã kiên quyết cấm không cho ai quấy rầy chúng tôi.

Khác với thường lệ, Mao Trạch Đông ngồi ở sau một chiếc bàn. Bên phải ông ta là tấm bản đồ Trung Quốc. Ở mép bàn có một chồng dày độ 3,4 tập bách khoa toàn thư Trung Quốc. Đối diện là một ca sắt tráng men có nắp đậy, lọ mực tầu, bút lông, cái tách cắm bút chì và chiếc thước kẻ học trò. Dưới tay ông ta là những tờ giấy trắng. Đầu ngả về phía vai phải. Mao nói luôn miệng, thao thao bất tuyệt…

Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc tự đặt ra mục đích giải thích cho tôi là cần phải hiểu sách lược Mặt trận thống nhất như thế nào trong điều kiện hiện nay. Mao trình bày nhận định chính thức của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc (một nhận định mà trong thực tế ông ta không thèm đếm xỉa đến).

Mao nhắc đến người cầm đầu Chính phủ Trùng Khánh. Đối với Mao thì ông ta là một tên độc tài, một tên đao phủ, một tên “trời đánh”.

Mao kể lại, những quan hệ với Quốc dân đảng đã thực hiện dựa trên nguyên tắc nào. Sau đó, ông ta cho tôi hay những số liệu về xây dựng quân đội. Trong câu chuyện này có nhiều điều thú vị, nhưng ở đoạn nào cũng vậy và lúc nào cũng vậy, vẫn cứ cái thủ đoạn dùng các con số bịa đặt, đằng sau đó vẫn lại là ý muốn bắt tôi phải chấp nhận những quan điểm sai lầm.

Trong cuộc nói chuyện, Mao Trạch Đông dành cho việc phân tích cuộc đấu tranh trước đây ở trong Đảng một vị trí đặc biệt. Trước đây, chứ không phải hiện nay, bởi vi Mao cho rằng người ta đạt được sự thống nhất trong Đảng. Tuy không gọi đến tên Vương Minh, Bác Cổ, Lạc Phủ và những người khác, nhưng Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc nói rằng cuộc đấu tranh để “chỉnh đốn ba tác phong công tác” cho phép vạch mặt những kẻ đã truyền bá đường lối đầu hàng nhượng bộ với bọn phản động Quốc dân đảng. Cuộc đấu tranh này cho phép xây dựng lại hàng ngũ của Đảng. Đảng đã đoàn kết và thống nhất lại bởi những mục tiêu trong sáng và đúng đắn…

Mao Trạch Đông phân tích diễn biến cuộc thương lượng của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc với người Mỹ. Trong chuyện này ông ta thuật lại khá tỉ mỉ cuộc toạ đàm mới đây với người cầm đầu “Phái bộ quan sát Đồng mình”. Hơn nữa, ông ta còn trình bày cả nét mặt, diễn đạt lại giọng nói, dáng điệu của tên đại tá Ba-rét.

Mao Trạch Đông vạch cho tôi thấy rằng, Hớc-lây đã ký vào bản dự thảo hiệp ước đầu tiên ở Diên An, và như vậy là Đồng minh “đã sa vào bẫy”. Còn chạy đi đâu được nữa, họ vừa mới bắt Tưởng Giới Thạch phải nhượng bộ cơ mà. Và họ đã giành được những nhượng bộ ấy của “đám tay sai”. Bây giờ đến lượt đòi Đảng cộng sản Trung Quốc phải nhượng bộ. Thế là Mỹ bắt đầu tác động đến bộ phận đầu não của Đảng cộng sản Trung Quốc…

Đến đây, Mao Trạch Đông đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng. Ông ta dừng lại trước mặt tôi và diễn đạt lại rất sinh động cảnh Ba-rét cãi lại ông ta.

Mao giải thích cho tôi rằng, ông ta (Mao) không thể nhượng bộ được. Bởi vì bất kỳ một sự thoả thuận nào với Tưởng Giới Thạch cũng là một cái thòng lọng đối với Đảng cộng sản Trung Quốc. Người Mỹ ngây thơ muốn bắt Mao phải nhượng bộ, mà nào có ai định nhượng bộ đâu. Chính là những yêu sách được đưa ra với tính toán là để trong bất kỳ trường hợp nào “tên chó má” Tưởng Giới Thạch cũng không thể chấp nhận được! Ngay từ đầu, người ta đã làm mọi cái để “tên chó má” Tưởng Giới Thạch phải bác bỏ những yêu sách của Đảng cộng sản Trung Quốc. “Chúng tôi hiểu điều đó và chúng tôi đã không lầm”.

“Đến lúc đó thì người Mỹ sẽ phải đẩy Ba-rét đến chỗ tôi”, Mao Trạch Đông vừa tủm tỉm cười vừa nói.

Ba-rét đón gặp Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc và gợi chuyện về những nhượng bộ của Tưởng Giới Thạch, về sự cần thiết phải có những nhượng bộ đáp lại và những nhượng bộ ấy đại khái là phải như thế nào.

Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc chuyển sang thế tiến công, ông nguyền rủa Tưởng Giới Thạch và Chính phủ Trùng Khánh. Để làm cho Ba-rét hoàn toàn bị rối trí, Mao tuyên bố: Ngài Hớc-lây đã ở đây. Bản thân ông ta đã vui lòng ký vào bản dự thảo hiệp ước. Cớ sao ông lại có thể từ chối việc tán thành và xác nhận chữ ký của vị đại diện riêng của Tổng thống Ru-dơ-ven?”.

Hơn thế nữa, Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc còn nói tất cả những điều đó với Ba-rét bằng một giọng gắt gỏng. Ông ta còn thể hiện lại cho tôi xem giọng nói và nét mặt của ông ta. Điều đó rất giống với thái độ giận dữ. Một sự giận dữ thực sự. Một cảm giác bị lăng mạ.

Mao Trạch Đông xúc động, nhếch mép mỉm cười và đi đi lại lại trong phòng. Ý nghĩ về cái hớ hênh, và gắn liền với cái đó là tinh thần lố bịch của tên gián điệp lành nghề Ba-rét làm ông ta khoái trá. Thỉnh thoảng ông ta lại khề khà nhắc lại màn kịch đó.

Có một người nào đấy định đi vào. Mao xẵng giọng bảo người đó để yên cho chúng tôi nói chuyện. Ông đẩy chiếc ghế đẩu đến sát tôi, thuật lại cho tôi tất cả những cái đã làm cho Ba-rét băn khoăn như thế nào và Ba-rét đã lớn tiếng thuyết phục Mao đừng để xảy ra cái sai lầm đó, bởi vì dư luận xã hội Mỹ sẽ không hiểu sự ương bướng của ban lãnh đạo Đảng cộng sản và tính cố chấp của Đảng cộng sản sẽ làm cho Mao phải trả một giá đắt. Dư luận Mỹ sẽ phản đối Diên An và những người cộng sản Trung Quốc. đến lúc ấy thì đừng có nói đến chuyện viện trợ làm gì nữa.

Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc phản ứng lại bằng một thái độ nóng nảy hơn thế. Mao nói rằng, doạ dẫm Đặc khu bằng cái dư luận xã hội nào đấy là một điều ngu xuẩn. Điều này chẳng nước non gì đâu. Các giới bảo thủ và phản động đã căm thù và công kích Đảng cộng sản nhiều năm nay rồi.

“Chúng gọi chúng tôi bằng những từ bẩn thỉu! – Mao nói. Đối với chúng thì chúng tôi là những tên tội phạm! Chúng tôi nhổ toẹt vào mọi sự khiển trách của cái thứ công luận đó!”.

Ba-rét quyết định đem việc chỉ viện trợ cho Chính phủ Trùng Khánh ra để đe doạ. Toàn bộ viện trợ Mỹ chỉ trao cho Quốc dân đảng…

Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đáp lại đúng như là thét lên. Ông ta gào lên rằng, rút cục Đặc khu sẽ mặc kệ, bất cần nó có được ai công nhận hay không. Đảng cộng sản đã và sẽ độc lập chiến đấu. Bằng sự từ chối không viện trợ cho Bát lộ quân và Tân Tứ quân, Mỹ sẽ chẳng đạt được gì đâu, bởi vì chúng tôi “đang không cần và sẽ cũng chẳng cần đến sự giúp đỡ đó”. Cho đến nay chỉ một mình Trùng Khánh là được nhận vũ khí. Tất cả chỉ giao cho Quốc dân đảng. Nếu thế thì, Đặc khu sẽ triệu tập hội nghị thành lập Chính phủ của mình. Đến lúc đó, mặc cho Tưởng Giới Thạch cứ việc nhảy múa ở Trùng Khánh của hắn! Còn Đặc khu thì không cần đếm xỉa đến Liên Xô, Mỹ, Anh có công nhận Chính phủ ấy hay không. Nếu họ tỏ ra biết điều thì họ sẽ không kênh kiệu nữa. Nếu họ khước từ thiết lập những quan hệ giữa các quốc gia với nhau thì điều đó cũng chẳng làm Đảng cộng sản bị thiệt hại. 10 năm, 20 năm, cả một thế kỷ đi nữa mà người ta không công nhận Chính phủ của chúng tôi thì rồi sau đó, dù sao mặc lòng họ cũng cứ phải làm lành và sẽ cử sứ thần tới. Tất cả rồi sẽ công nhận! Dù cho đến năm thứ một trăm lẻ một, nhưng rồi họ phải công nhận. Họ không thể chuồn đằng nào được. Rồi họ phải công nhận!

Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc kết thúc cuộc nói chuyện bằng câu nói rằng ông ta luôn luôn vui sướng trước các cuộc viếng thăm của người Mỹ.

Mao nói: “Ngài đại tá đến, chúng tôi đã đón tiếp. Đích thân tôi ra tận sân bay. Chúng tôi không từ chối thương lượng. Chúng tôi tán thành thương lượng. Nếu ngài còn đến, tôi lại sẽ không khước từ mà vẫn đón tiếp…”.

Ngày hôm sau, đại tá Ba-rét đã vội vã về Trùng Khánh (có cái để báo cáo rồi đấy).

Khi thuật lại cuộc gặp gỡ với Ba-rét, Mao hoàn toàn bị xúc động. Tóc xoã xuống thái dương, ông ta không buồn hất nó lên. Mặt ửng đỏ. Ông ta nói hấp tấp và ầm ĩ. Trong khi nói, Mao pha lẫn những câu nói đùa tục tĩu và làm điệu bộ một cách hùng hồn.

Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã phô bày một cách hết sức cởi mở. Thậm chí, ông ta cũng không giấu tôi rằng trong suốt cuộc trò chuyện đó, ông ta cố ý gào lên để gây sự. Nhưng không phải ông ta đã bộc lộ hết với tôi và cũng chỉ là một phần của vở kịch đã được diễn tập từ trước.

Mao Trạch Đông không hề nhắc đến chuyện tên đại tá đến gặp ông ta ở nhà riêng chẳng phải là ngẫu nhiên và toàn bộ cuộc đối thoại ấy cũng không phải là ngẫu nhiên. Rõ ràng Mao nhằm giải quyết những vấn đề chính trị nội bộ trong nước bằng lực lượng, được sự ủng hộ và giúp đỡ từ trước của Mỹ. Tất nhiên, Mao không hề hé răng về chuyện ông ta đã và đang dự định đem Nhà trắng đối lập với Mát-xcơ-va.

Với sự giúp đỡ của người Mỹ, Mao định giành trước lấy phần thắng về mình trong cuộc xung đột sắp tới với Quốc dân đảng. Trên thực tế, trong những tháng ấy, Mao đã đề nghị với Nhà trắng cho mình vị trí của Tưởng Giới Thạch. Mao không thể không biết rằng người Mỹ chỉ có thể đồng ý với sự liên minh theo kiểu đó trong những điều kiện được quy định chặt chẽ về chính trị và trước hết là trong những điều kiện phải cô lập Liên Xô trong chính sách Viễn Đông.

Trên thực tế, chính đó là ý muốn của Mao Trạch Đông trong cuộc mặc cả về vũ khí. Cố nhiên ông ta đã ý thức được tất cả những khó khăn của sự nhích lại gần như vậy. Nhưng ông ta vẫn ấp ủ một hy vọng, và có lẽ, cho đến giờ vẫn đang ấp ủ. Không phải vô cớ mà trước lúc Ba-rét ra đi, Chu đã trao cho Ba-rét một bức thư mới gửi cho Pa-tơ-rích Hớc-lây.

Chính là do người Mỹ ưa thích Tưởng Giới Thạch hơn nên Mao lúc này đã buộc phải tìm kiếm chỗ dựa ở Mát-xcơ-va nhưng vẫn không đoạn tuyệt hẳn với Nhà Trắng. Thư từ trao đổi mật, màn kịch với Ba-rét và những sự kiện khác nữa đều là nhằm cho việc đó. Dù sao thì Mao cũng quá ư thận trọng, quả là như vậy đó. Mát-xcơ-va trong kế hoạch của ông ta, tựa như là một phương án dự trữ. Cố nhiên, đối với ông ta, đó là phương án xấu nhất…

Tôi đã thảo ra một báo cáo cho Mát-xcơ-va theo tinh thần như vậy.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới