Mùa đông giá lạnh và khắc nghiệt càng đến gần, câu chuyện về khí đốt tại châu Âu càng trở nên nóng hổi. Liên minh châu Âu (EU) thời gian qua nhiều lần cáo buộc Nga sử dụng nguồn cung khí đốt làm “vũ khí kinh tế” gây sức ép với phương Tây, còn Nga thì luôn bác bỏ.
Gần nhất, ngày 30/8, Tập đoàn năng lượng khổng lồ Nga Gazprom – công ty độc quyền kiểm soát xuất khẩu khí đốt Nga qua Nord Stream 1 – đã đưa ra thông báo “Các dòng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 đến châu Âu bị ngưng trong ba ngày từ 31-8 đến 3-9 để bảo trì”.
Một ngày đã khó thì ba ngày hẳn phải gọi là “khốn”.
Mà nào đã hết. Gazprom còn “thòng” thêm khả năng bi đát: Sau sửa chữa, nếu tổ máy không có trục trặc kỹ thuật, họ sẽ khôi phục việc vận chuyển khí ở mức 33 triệu m3 mỗi ngày, tương đương 20% công suất tối đa của đường ống.
Giới bình luận quốc tế nhận định, với câu “thòng” ra vẻ “trách nhiệm” đó, cái sự “trục trặc” coi như đã mặc định. Do vậy, EU rồi sẽ còn gặp rắc rối nhiều hơn, dai dẳng hơn; câu chuyện khí đốt rồi còn là lắm chuyện.
“Nhân bảo như thần bảo’, ngày 2/9, Gazprom cho biết họ không thể khởi động lại dòng chảy một cách an toàn cho đến khi khắc phục sự cố rò rỉ dầu trong một tuabin quan trọng, và nghiêm trọng hơn, tập đoàn này cũng không nêu rõ thời hạn mới.
Trách nào, mỗi lần Nga thông báo “Nord Stream có sự cố” là cả châu Âu sốt lên sình sịch.
Không sốt sao được khi nghĩ tới mùa đông giá lạnh khắc nghiệt phía trước lại thiếu khí đốt chạy máy sưởi?
Không sốt sao được khi EU phụ thuộc 40% khí đốt tự nhiên từ Nga. Thậm chí nền kinh tế đầu tàu, lớn nhất châu Âu là Đức quy mô giá trị tới 4.000 tỷ USD, phụ thuộc tới gần 50%. Thiếu nó đồng nghĩa với việc có những nhà máy sẽ tê liệt.
Không sốt sao được, khi những nỗ lực “cai” khí đốt của Nga, nhanh cũng phải vài năm nữa mới có thể, chưa kể còn tốn kém thêm nhiều nhiều tiền bạc…
Và nữa, việc tăng giá khí đốt tới kịch trần tại Pháp, Đức và một vài quốc gia đang gây và tích tụ bức bối, bức xúc trong người dân, đe dọa kéo theo những bất ổn.
Hồi tháng 7, khi Nga thông báo giảm lượng khí đốt qua Nord Stream 1 do một số tuabin khí “ngừng hoạt động” (?), cần gửi tới nhà cung cấp tại Canada để sửa chữa, Berlin đã cuống quít lên. Cuống đến mức, các nhà lãnh đạo Đức cấp tốc yêu cầu Canada tháo lệnh trừng phạt đối với các tuabin và gửi ngay một tuabin tới Đức.
Éo le thay, khi yêu cầu của Đức được đáp ứng, thì Nga lại ra thờ ơ tỏ vẻ “không muốn làm phiền”.
Tất nhiên, là những chính trị gia cáo già, các nhà lãnh đạo phương Tây thừa hiểu, cái lắc đầu của Nga không đơn thuần là sự khí khái. Thâm ý Moscow là muốn để cho phương Tây “ngấm đòn” để biết thế nào là “lễ độ” khi theo đuôi Mỹ nhìn Nga với con mắt coi thường, dùng con bài “cấm vận” mà không tính đến hậu quả.
Và sau cái sốt nóng đầy lo lắng nêu trên, chính giới một số quốc gia phương Tây không thể không than thở về cái dại không ngờ là không học kỹ bài học “Gậy ông đập lưng ông” mà Nga đang khai thác để trả đũa.
T.V