Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhương Tây tự vác đá ghè chân mình

Phương Tây tự vác đá ghè chân mình

Moscow đang có những bước đi đúng hướng trong khi châu Âu đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là tìm nhà cung cấp năng lượng thay thế Nga, các nhà phân tích nhận định.

Ông Putin đã đưa ra các quyết sách đúng hướng giúp Nga trụ vững trước các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Một tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi “các lệnh trừng phạt chưa từng thấy” mà phương Tây áp đặt với Nga, khiến đồng rúp trượt giá mạnh.

Hôm 7.3, giá trị đồng rúp giảm gần một nửa, xuống mức 143 rúp/USD. Ở Nga, người dân cố gắng rút tiền càng nhiều càng tốt, mua các sản phẩm nhập khẩu từ phương Tây khi còn có thể. Chỉ số giá tiêu dùng ở Nga tăng 17,5% vào tháng 4.

Nhưng đến nay, đồng rúp đã hồi phục trở lại, duy trì ở mức 61 rúp/USD, đạt mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây và là đồng tiền hoạt động tốt nhất của năm.

Sắc lệnh buộc các đối tác phương Tây trả tiền mua khí đốt Nga bằng đồng rúp là một trong những biện pháp giúp đồng rúp tăng giá.

Iskander Lutsko, chuyên gia về đầu tư tại chiến lược gia đầu tư tại ITI Capital (tổ chức tài chính ở London, Anh), nói trên đài Al Jazeera rằng, có một số yếu tố thúc đẩy giá trị đồng rúp.

“Giá dầu tăng do cấm vận, kiểm soát vốn, nhu cầu đô la giảm và thanh khoản dư thừa do doanh thu ngoại hối cao từ xuất khẩu dầu và khí đốt””, Lutsko nói.

Theo Lutsko, Nga đã “tạo ra nhu cầu với đồng rúp” nhờ các khoản thanh toán dầu mỏ và khí đốt. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nga đã thực hiện lần giảm lãi suất thứ ba trong hơn một tháng để ngăn đồng rúp tăng giá.

Kết quả là hệ thống ngân hàng Nga đang trải qua tình trạng thanh khoản ngoại hối dư thừa, dẫn đến tỉ giá đồng đô la giảm. Đây là điều rất hiếm khi xảy ra trong lịch sử.

Vyacheslav Mishchenko, chuyên gia về năng lượng nói trên đài Al Jazeera rằng, các cơ quan tài chính Nga đã thành công trong việc đối phó với phản ứng của người dân và các doanh nghiệp ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột.

“Giá hàng hóa ở Nga tăng vọt vì người dân đổ xô đi mua sắm. Đến tháng 4, tình hình đã trở về bình thường. Nga vẫn luôn có sẵn hàng hóa. Một số mặt hàng nhập khẩu gặp khó khăn nhưng không nhiều. Việc giá hàng hóa ở Nga tăng là do tâm lý của người dân ở giai đoạn đầu, chứ không liên quan đến vấn đề kinh tế”, Mishchenko nói.

Khi Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy việc loại bỏ hoàn toàn nguồn cung cấp năng lượng từ Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói “hành động này là tự sát về kinh tế”, khiến giá nhiên liệu còn tăng cao hơn nữa và làm tăng lạm phát.

Các nhà phân tích nhận định, nga cho đến nay đã có những bước đi đúng đắn để trụ vững trước các lệnh cấm vận. Câu hỏi đặt ra là liệu phương Tây có vượt qua được chính những hệ quả mà lệnh cấm vận tạo ra hay không.

Lutsko nói 5 tháng đầu tiên giống như “giai đoạn trăng mật”, khi Nga hầu như không hề hấn gì với các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo chuyên gia Lutsko, giá dầu hiện nay luôn giao động ở mức 110 USD/thùng, so với mức 60 USD/thùng trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra.

Tỉ trọng xuất khẩu dầu của Nga giảm, nhưng lợi nhuận vẫn tăng. Trong quý 1 năm 2022, Nga ghi nhận mức thặng dư thương mại lịch sử là 58 tỉ USD.

“Mỹ và châu Âu áp đặt trừng phạt Nga giống như tự bắn vào chân mình”, Lutsko nói. “Đối với các quốc gia nhập khẩu dầu lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ, đây lại là cơ hội vì được mua dầu của Nga với giá chiết khấu”.

“Tôi nghĩ mục đích của các lệnh trừng phạt này là để tạo ra sức ép về tâm lý, cho thấy Mỹ và phương Tây đã hành động, không chỉ đứng ngoài chỉ trích. Nhưng rõ ràng là phương Tây chưa đánh giá kỹ lưỡng về các hệ quả”, Lutsko nói thêm.

Chuyên gia Mishchenko nói “Nga được hưởng lợi từ tình hình căng thẳng nhiều hơn là EU”.

“Không ai có thể thay thế Nga trên thị trường toàn cầu, đặc biệt là về năng lượng. Căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây càng kéo dài, giá cả của các mặt hàng cụ thể như chúng ta thấy là khí đốt lại càng cao”, Mishchenko nói. “Do các lệnh cấm vận, hoạt động xuất khẩu của Nga giảm đáng kể, nhưng lợi nhuận vẫn tăng. Điều này cũng tạo ra sức ép với đồng đô la và euro”.

Mischenko nói Nga đang chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Trước thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea, đối tác lớn nhất của Nga khi đó là Đức.

Theo Mishchenko, Nga hiện đang thu lợi nhuận từ dầu mỏ ở mức 20 tỉ USD/tháng, tăng 50% so với giai đoạn đầu năm 2022.

“Châu Âu muốn khiến Nga trả giá bằng cách quay lưng, tìm kiếm các nhà cung cấp năng lượng khác”, Mishchenko nói. “Vấn đề là Nga là đối tác quá lớn của châu Âu, không dễ dàng để bị thay thế hoàn toàn”.

Về khía cạnh này, cả Nga và châu Âu đều bị tổn hại, Mischenko nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới